Suy nghĩ về sách, văn hóa đọc và Thư viện

Văn hoá đọc là một nét đẹp và nó cần được lưu giữ, bảo tồn tới những thế hệ mai sau. Công nghệ phát triển nhưng sách vẫn là một phần thiết yếu trong cuộc sống mà điện thoại và máy tính không thể thay thế. Yêu sách và chăm đọc sách sẽ là chìa khoá mở ra thành công cho bạn trong tương lai.

Vì vậy phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ lâu dài và cấp bách hiện nay đối với mỗi cộng đồng dân tộc và mỗi quốc gia. Tri thức của cá nhân hay cộng đồng được hình thành thông qua sự lựa chọn trong quá trình tiếp nhận, điều đó cũng có nghĩa là tích lũy tri thức luôn gắn với trải nghiệm thực tiễn của con người. Nói cách khác, thông qua việc đọc với các kỹ năng và phương pháp đặc thù, mỗi cá nhân hình thành cho mình một nền tảng tri thức nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề nảy sinh trong đời sống. Đọc cuốc sách “Suy nghĩ về sách, văn hóa đọc và thư viện” của tác giả Nguyễn Hữu Giới ta sẽ cảm nhận về vấn đề này.

Phần “Suy nghĩ về sách” tác giả có nhắc đến những suy nghĩ về sách của Mác, Lê Nin, F. Anghen, Hồ Chí Minh, cụ thể như: “Sách là nô lệ của tôi nhưng cũng là người thầy của tôi” đó là câu nói của Mác – Lê Nin khi nói về sách. Còn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Bác đã thấy rõ tác dụng của sách, báo một cách cô đọng, mộc mạc và giản dị, thiết thực “Sách là thuốc bổ tinh thần” và “ Sách là thuốc chữa tội ngu” để khẳng định rõ hơn về vai trò và ý nghĩ của sách trong cuộc sống tác giả còn giới thiệu về nghề in và xuất bản sách ở nước ta thời trước và phố sách ở Hà Nội đầu thế kỷ XX.                              

          Trong nửa sau thế kỷ XX, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không? Để trả lời câu hỏi đó, tác giả đã phân tích và diễn giải cụ thể và đưa ra kết luận rằng dù mai sau, xã hội sẽ phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng Inernet thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Đơn giản sách đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay nó vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được.

Phần cuối sách, tác giả viết về thư viện, về nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế – văn hóa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với những suy nghĩ về quy chế đạo đức đối với nhân viên thư viện trong xã hội và đôi điều suy nghĩ về nâng cao văn hóa đọc đối với học sinh trường phổ thông hiện nay.

                                                                      Hoàng Yến – Thư viện tỉnh

Views: 643