Những cuốn sách giúp thay đổi nhận thức về nhựa

“Loài plastic – khi nhựa trỗi dậy” cung cấp kiến thức về vật liệu, “Đời không plastic” khuyến khích giảm thiểu sử dụng đồ nhựa, còn “No. More. Plastic” kêu gọi nhặt rác thải nhựa.

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu của gần 80% người tham gia một thử nghiệm. Đó là một cảnh báo về việc nhựa đang “xâm chiếm” cơ thể người và môi trường sống. Một số cuốn sách đã được xuất bản nêu phương pháp giảm thiểu dùng đồ nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Cuốn sách kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Nhã Nam.

No. More. Plastic

Trong cuốn sách của mình, tác giả Martin Dorey cho thấy nhựa đang đe dọa cuộc sống của con người và Trái Đất ra sao. Tác giả viết cô đọng, dễ hiểu về nhựa cũng như tác động của vật liệu này.

Nhựa từng được xem là một vật liệu diệu kỳ khi giúp sản xuất và cuộc sống con người trở nên nhanh, tiện lợi hơn. Tuy vậy, công dụng của nhựa dưới dạng sản phẩm dùng một lần đã tác động tiêu cực tới đời sống. Việc tái chế, tái sử dụng nhựa không thỏa đáng khiến chúng trở thành cơn ác mộng.

Nhựa rất bền, theo thời gian, nó trở nên giòn và vỡ thành các mảnh nhỏ. Những mảnh nhựa từng được sản xuất từ trước đến nay chưa biến mất, chúng vẫn ở quanh chúng ta và có thể tồn tại vài nghìn năm nữa. Rác thải nhựa không chỉ nằm im dưới các bãi chôn lấp, dưới đại dương, tồn tại dưới dạng vi nhựa…

Tác giả nêu ra những con số về mức độ ô nhiễm môi trường, trong đó một phần nguyên nhân từ nhựa: “Người ta ước tính đảo rác Thái Bình Dương che phủ một diện tích rộng tương đương 1,5 triệu km2, tức là gấp 60 lần diện tích đất liền của Vương quốc Anh”.

Martin Dorey chỉ ra nhiều vật dụng bằng nhựa không cần thiết đã được tạo ra. Những vỉ nhựa trong cửa hàng, bao bì đóng gói quần áo, chiếc bút, món đồ chơi… chỉ có tác dụng trưng bày. Theo tác giả, những bao bì nhựa ấy không cần thiết và gây thêm áp lực xả thải nhựa ra môi trường.

Không chỉ cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng Trái Đất đang “tràn ngập nhựa”, sách nêu các chỉ dẫn để bảo vệ môi trường và cuộc sống. Đó là những hành động nhỏ, có thể tuân thủ hàng ngày như việc hạn chế sử dụng đồ nhựa không thể tái chế, giảm thiểu dùng bao bì, túi nhựa, phân loại rác…

Đặc biệt, tác giả kêu gọi cộng đồng hành động theo chiến dịch #2phútlàmsạchbãibiển, sử dụng hai phút mỗi lần để đưa mảnh nhựa ra khỏi môi trường biển.

Sách Loài plastic – khi nhựa trỗi dậy. Ảnh: Việt Linh.

Loài plastic – khi nhựa trỗi dậy

“Loài plastic” vốn là một dự án phi lợi nhuận nâng cao nhận thức cùng chuỗi hoạt động thiết thực vì môi trường. Nhóm thực hiện dự án gồm các bạn trẻ là họa sĩ, nhà văn, nhiếp ảnh gia… đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo nội dung. Họ quyết định thực hiện một cuốn sách để tiếp tục lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Cuốn sách Loài plastic – khi nhựa trỗi dậy viết về 32 loại nhựa dùng một lần có khả năng gây hại cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Trong sách, nhựa là một sản phẩm nhân tạo đã được các tác giả gọi là “loài”, các nhóm nhựa được gọi là “gia tộc”. Sách có cách thể hiện sinh động nhằm nêu bật mối đe dọa, xâm lấn môi trường tự nhiên của rác thải nhựa.

Nhóm tác giả tạo ra diện mạo “quen mà lạ” cho các vật dụng nhựa. Nhóm tác giả mong muốn sử dụng các vật liệu nhựa có hình thù khác lạ ấy để khơi gợi sự tò mò của cộng đồng, từ đó họ tìm hiểu sâu hơn về dự án.

Sách không tẩy chay việc sử dụng nhựa. Thông điệp chính của tác phẩm là kêu gọi cộng đồng cân nhắc trước khi quyết định dùng nhựa một lần. Với kiến thức khoa học thiết thực, thức tỉnh ý thức bảo vệ môi trường, cuốn Loài plastic – khi nhựa trỗi dậy đã được trao Giải thưởng sách quốc gia lần thứ tư.

Cuốn sách chỉ ra nhiều món đồ plastic thừa thãi, không cần thiết. Ảnh: Huy Hoàng.

Đời không plastic

Cuốn sách do Hiệp hội bảo tồn biển biên soạn không chống lại vật liệu plastic. Thậm chí, một phần nội dung sách có tên “Đây không phải là một cuốn sách phủ nhận plastic”, đồng thời chỉ ra công dụng của thứ vật liệu nhẹ và bền này.

Tuy vậy, có nhiều đồ dùng bằng plastic bị bỏ không, không được tái chế, không thể tái chế. “Cứ thế, chúng ta mải miết chất cao những núi rác thải plastic để khiến hành tinh suy kiệt. Và thứ hai là hầu hết món đồ plastic quanh ta đều… thừa thãi”, sách nêu vấn đề.

Tác phẩm cho rằng chúng ta đang “nghiện” plastic và chỉ ra những món đồ thừa thãi trong sinh hoạt: Chiếc ống hút hay que khuấy bằng nhựa trong đồ uống, miếng bánh được bọc trong màng plastic. Các vật dụng như bàn chải đánh răng, đồ chơi trẻ em khi mua về đều nằm trong plastic…

Sách khuyến khích người đọc lưu tâm hơn khi lựa chọn vật dụng bằng loạt câu hỏi: Những vật dụng này có cần thiết không? Chất liệu plastic đến từ đâu? Khi dùng xong, món đồ này được xử lý ra sao? Bằng cách trả lời những câu hỏi ấy, nhận thức về thói quen sử dụng plastic sẽ được thay đổi.

Minh Phương // https://zingnews.vn/

 

Views: 3