Câu chuyện của những người có hai quê hương
“Con gái của chim phượng hoàng” hay “Nguồn cội” là những cuốn sách kể về nhân vật chính là Việt kiều, sẽ đến tay bạn đọc trong dịp Tết 2022.
Năm 2021, làng sách ghi nhận thành công của nhiều tác phẩm của tác giả là Việt kiều. Những trang sách đó nhận được sự đón đọc của độc giả trong nước và quốc tế.
Tiếp nối thành công đó, đại diện một số đơn vị xuất bản, phát hành cho biết trong dịp đầu năm mới 2022, nhiều tựa sách của các cây bút Việt kiều tiếp tục được “trình làng” với mong muốn mang tiếng lòng của người con xa xứ đến gần hơn với độc giả đại chúng.
Những câu chuyện gây được tiếng vang
Được xuất bản đầu năm 2021, Tháo gỡ phép màu – cuốn hồi ký của người phụ nữ Việt sinh sống trên đất Mỹ – nhanh chóng lọt danh sách best-seller theo bình chọn của The New York Times. Sách do Phương Nam Books phát hành.
Cuốn hồi ký ghi chép cuộc đời phi thường của Julie Yip-Williams – cô gái sinh ra trong gia đình nghèo khó tại Tam Kỳ, Quảng Nam và theo gia đình sang xứ cờ hoa định cư từ nhỏ.
Cô bị khiếm thị bẩm sinh nhưng đã vượt khó, tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Luật Harvard. Sau đó, cô làm việc ở một văn phòng luật danh tiếng và có gia đình nhỏ hạnh phúc tại Brooklyn (Mỹ). Nhưng sau cùng, người mẹ, người vợ với nghị lực phi thường ấy, lại phải đối mặt và chống chọi căn bệnh ung thư.
Câu chuyện của người phụ nữ gốc Việt được kể bằng sự chân thành, mang cảm xúc mạnh mẽ. Người đọc có thể tự chiêm nghiệm để cảm thấy trân quý cuộc sống hơn, tiếp thêm sức mạnh và vươn lên nghịch cảnh.
Tháng 12 vừa qua, nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong cũng trở thành hiện tượng gây chú ý với tác phẩm mới Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian do Công ty sách Nhã Nam phát hành.
Từ những tập thơ đầu tay của anh như Night sky with exit wounds hay On Earth we’re briefly gorgeous đã được độc giả trên thế giới đón nhận, liên tục được xướng tên tại những giải thưởng danh giá hoặc lọt vào danh sách best-seller của The New York Times.
Phiên bản tiếng Việt tác phẩm mới nhất của Ocean Vuong có tựa Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng được đông đảo bạn đọc trong nước đón nhận ngay từ khi thông báo phát hành. Chưa đầy một tháng sau khi lên kệ, sách đã được tái bản lần hai.
Tác phẩm được viết dưới dạng một bức thư từ con trai gửi đến người mẹ mù chữ của anh. Những câu chuyện nối dài từ bà ngoại Lan, mẹ Hồng, bác Mai, ông ngoại Paul, Chó Con hồi nhỏ đều được mang qua Mỹ. Với cậu bé da vàng này, tuổi thơ ấy đã ngấm chảy vào dòng máu.
Trong thư gửi Nhã Nam nhân dịp bản dịch tiếng Việt sắp ra mắt, Ocean Vuong viết: “Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách sẽ được ‘sống’ bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về ‘nhà’, thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui”.
Tiếng lòng của người xa quê
Cũng trong dịp đầu năm mới 2022, Nhã Nam giới thiệu tới bạn đọc tập truyện ngắn và thơ Nguồn cội – Chuyện về những người hai quê hương của tác giả Nguyễn Đan Thy.
Cuốn sách là tiếng lòng của Nguyễn Đan Thy – cô gái sinh ra tại TP.HCM, lớn lên tại Texas (Mỹ) – cũng như bao người con có hai quê hương khác, thấy mình ở giữa hai bản dạng, hai nền văn hóa khác biệt. Quỹ thời gian của cô luôn chia làm hai: Một nửa sống ở Việt Nam và một nửa ở Mỹ.
Đại diện Nhã Nam tiết lộ: “Nguồn cội – Chuyện về những người hai quê hương viết về trăn trở và giằng xé nội tâm, từ lạc lõng đến phẫn nộ, từ kiêu hãnh đến bình yên của cô gái người Việt định cư trên đất Mỹ, được thể hiện bằng những mẩu chuyện ngắn và vần thơ giúp bạn đọc có cái nhìn thấu suốt hơn về sự giao thoa bản sắc của những người có hai chốn quê hương”.
Mở đầu cuốn sách là sự lạc lõng, chơi vơi của một cá thể không biết mình thuộc về nơi nào. Cảm xúc đó bắt nguồn từ việc mất kết nối với hai nền văn hóa. Mang mọi đặc điểm ngoại hình của người châu Á, nhưng cô gái trẻ này như bị trôi dạt giữa hai thế giới.
Cuốn sách không chỉ nói lên cảm xúc và câu chuyện của riêng tác giả, mà còn là tiếng lòng chung của những người con có hai quê hương khác được tường thuật lại.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho ra mắt bạn đọc tác phẩm của nhà văn Đức Isabelle Müller: Phönix tochter: Die Hoffnung war mein Weg với tiêu đề tiếng Việt Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi.
Tác giả Isabelle Müller là con út trong gia đình có 5 người con của một phụ nữ Việt Nam và bố là người Pháp. Isabelle Müller là tác giả nổi bật thời gian qua với cuốn sách đầu tiên về cuộc đời của bà Đậu Thị Cúc (mẹ của tác giả), được xuất bản tại Việt Nam: Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng.
Theo bà Vũ Yến (phụ trách mảng khai thác bản quyền nước ngoài, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi kể về một phụ nữ xuất chúng, có dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản. Cô không cho phép bản thân bị bất hạnh lấn át mà luôn làm chủ cuộc đời, bất chấp mọi ràng buộc của số phận để trở thành doanh nhân thành đạt ở Đức.
“Ngày nay, tôi biết rằng mình đã không thể sống sót nếu không có tấm gương của mẹ tôi (Loan). Tôi đã học được từ bà cách tìm kiếm hy vọng trong những khoảnh khắc tuyệt vọng sâu sắc, coi các trở ngại như thách thức để vượt qua. Đức tin mãnh liệt, dòng máu Việt Nam và nghị lực của bà là sự cứu rỗi của tôi”, trích nội dung sách.
Tác giả cho rằng cô đã trải qua những điều tồi tệ, nhưng song hành với đó là tình yêu đích thực, tình bạn, sự ấm áp, động viên để có được hạnh phúc.
Trên tất cả, cuốn sách mang đến bài học về sức mạnh, niềm tin yêu hy vọng, nghị lực sống tích cực và dũng khí để bước tiếp giữa dòng đời.
Thu Huệ // https://zingnews.vn.- 2022 (ngày 13 tháng 1)
Views: 1