Đồng bào ta có nuôi gà không
Anh Ba và tôi vào phòng đợi. Tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, Bác đã từ trên thang gác nhanh nhen bước xuống và hiện ra trước mắt tôi hiền từ, đẹp như một ông tiên. Bác rất khỏe mạnh, hồng hào, giản dị trong bộ quần áo kaki đã cũ với đôi dép cao su đen.
Anh Lê Quảng Ba giới thiệu tôi với Bác. Bác thân mật bắt tay, và hỏi thăm sức khỏe của tôi.
Anh Lê Quảng Ba giới thiệu tôi với Bác. Bác thân mật bắt tay, và hỏi thăm sức khỏe của tôi.
– Cụ năm nay bao nhiêu tuổi rồi ?
– Thưa Bác, năm nay tôi đúng sáu mươi mốt ạ !
Bác cười:
– Từ trong chiến trường ra đến ngoài này, cụ đi hết bao nhiêu lâu ?
– Thưa Bác, ba tháng ạ!
– Đi xa như vậy, cụ có mệt không ?
– Dạ, mệt thì có mệt. Nhưng nhờ các cháu thanh niên giúp đỡ nên tôi cũng đi đến nơi đúng thời gian.
Những lời thăm hỏi đầy tình nghĩa của Bác làm tôi không nén nổi xúc động.
Bác mời chúng tôi ăn chuối và cam là những trái cây tự tay Bác trồng trong vườn cũng là những thứ tôi thích nhất. Bác lo bao nhiêu việc lớn lao mà còn biết cả cá tính của tôi. Chắc Bác đã thấu hiểu tấm lòng của dân tộc Tây Nguyên hết rồi. Tôi càng bồi hồi xúc động, vì lần đầu tiên được gặp Bác và được hưởng cái vinh dự to lớn này. Đồng bào Tây Nguyên được tận mắt thấy cái buổi lịch sử hôm nay thì vui sướng và tự hào biết bao. Nhờ có công lao và thành tích của đồng bào, tôi mới có niềm hạnh phúc đó.
Bác ân cần hỏi thăm tình hình chiến đấu và đời sống sức khỏe của nhân dân các dân tộc.
Tôi thưa với Bác:
– Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên, cũng như ở miền Tây các tỉnh miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Muối chưa đủ mặn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc… Nhưng truyền thống đoàn kết chiến đấu bất khuất bảo vệ Tổ quốc thì không nghèo. Nhân dân Tây Nguyên chiến đấu không sợ gian khổ, hy sinh mà chỉ sợ mình mất cái đất làm ăn của ông cha để lại đó thôi.
Trong cuộc gặp gỡ này, tuy thời gian không được lâu lắm, nhưng tôi thấy rằng Bác đã hiểu thấu tấm lòng của nhân dân Tây Nguyên. Bác biết rất cụ thể và nói:
– Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nhất định sẽ giành được thắng lợi.
Tôi mạnh dạn thưa với Bác:
– Đồng bào Tây Nguyên còn nghèo lắm, nghèo cả cán bộ nữa. Muốn xin Bác nhiều cán bộ giỏi ạ.
Bác cười và nhẹ nhàng hỏi lại tôi:
– Đồng bào ta có nuôi gà không ?
– Thưa Bác, đồng bào nuôi nhiều gà lắm.
– Đồng bào nuôi nhiều gà như thế là tốt. Lần này gà đẻ năm trứng, lần sau đẻ sáu trứng, mười trứng, rồi nở thành con. Chính những con gà đẻ và nở trong vùng ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó.
Lần đầu tôi tưởng Bác nói chuyện con gà thật. Nghe nói vậy, anh Lê Quảng Ba nhìn tôi cười. Lát sau tôi mới hiểu câu chuyện nuôi gà của Bác là phải đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ tại chỗ. Cứ mỗi năm có một, hai cán bộ đi làm việc, nhiều năm sẽ có nhiều cán bộ gương mẫu, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân tộc mình.
Chuyện nuôi gà của Bác Hồ thiết thực quá. Lâu nay chúng tôi có nghĩ đến nhưng chưa được sâu sắc. Qua câu chuyện, Bác nhắn lại với chúng tôi nội dung chính sách dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam là kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn, phải vừa chiến đấu vừa xây dựng đội ngũ chiến đấu. Lấy phương châm tự lực cánh sinh làm chính.
Bác nhắc nhở: “Muốn đánh thắng Mỹ – Ngụy phải có sự đoàn kết. Mà trước tiên phải đoàn kết tốt giữa cán bộ với nhau. Đoàn kết cán bộ tốt, mới làm gương cho nhân dân noi theo…”
Lời Bác đến với tôi như giọt nước trong lành từ một khe đá rơi xuống mặt đất thấm dần và mát lạnh. Tôi chỉ lo là không nhớ hết lời Bác dạy để về nói lại với đồng bào Tây Nguyên.
(Y-bi A-lê-ô – Nguyên Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể. Đại biểu các dân tộc Tây Nguyên Yhing ghi)
Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 6”, trang 78 – 80; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2017. – 308tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613
Views: 4216