“Chỉ số cảm xúc” – Hoạt động đánh thức tình cảm yêu sách của học sinh
Xe thư viện lưu động đa phương tiện là loại hình hoạt động mới được bổ sung vào hoạt động của Thư viện tỉnh từ tháng 10/2019. Qua 3 năm hoạt động, loại hình này đã dần khẳng định vị trí trong xây dựng phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong học sinh, được hệ thống trường học các cấp hưởng ứng và đánh giá cao.
Đạt được kết quả đó là nhờ sự năng động, sáng tạo của đội ngũ viên chức phụ trách xe thư viện lưu động, luôn sáng tạo những hình thức hoạt động mới đưa vào chương trình, song song với phục vụ đọc sách để gián tiếp chuyển tải kiến thức đến học sinh. Một hoạt động mới được giáo viên đánh giá cao và học sinh hưởng ứng nồng nhiệt đó là: học sinh thể hiện “Chỉ số cảm xúc” qua xem một đoạn phim hoặc đọc một đoạn văn được trích từ tác phẩm. Nội dung về: gia đình, tình bạn, tự nhiện và xã hội…
Như phim về cuộc đời Thomas Edison. Ông không được đi học, chỉ học do mẹ trực tiếp dạy, tự học, đọc sách và trở thành một nhà bác học, nhà sáng chế với hàng nghìn phát minh vĩ đại như: bóng đèn điện, máy hát đĩa, máy điện báo… Câu hỏi đặt ra cho học sinh sau khi xem phim là: “Hãy tưởng tượng em là nhà khoa học Thomas Edison. Hãy viết một bức thư gởi đến người mẹ của mình! ”.
Bài viết “Chỉ số cảm xúc”
Thật bất ngờ cho giáo viên, học sinh và cán bộ thư viện trước sự thể hiện “chỉ số cảm xúc” của những học sinh tiểu học, các em đã thể hiện tình cảm làm cho người nghe thực sự xúc động: Như: “Mẹ kính yêu ơi! … con thương mẹ nhiều lắm, người đã che chở và dạy dỗ cho con đến suốt cả cuộc đời, chỉ mong con sống tốt với xã hội… Mẹ ơi, hãy tỉnh dậy chiêm ngưỡng thành quả của con đi mà… Đối với con, mẹ là tất cả trên trái đất không có gì thay thế được mẹ cả…” Hay: “Mẹ à, con nhớ những kỉ niệm khi ở bên mẹ, nhớ những khúc ca mà mẹ hát cho con nghe mỗi khi ánh trăng chạm đến nhân gian… nhớ nụ cười rạng rỡ của mẹ… Mẹ ơi! Nếu như thiên thần thật sự có thật, con mong họ sẽ vỗ đôi cánh trắng xoá mà mang bức thư này đến cho mẹ. Mẹ hỡi, sống ở đó có tốt không? Mẹ có dõi theo từng ngày của con không?
Hay về “Bảo vệ môi trường rừng và đại dương”, các em đã viết: “Môi trường là hơi thở của sự sống của chúng ta, chúng ta hãy chung tay bảo vệ để môi trường ngày càng xanh và đẹp hơn. Nếu mỗi ngày chúng ta giảm đi một túi ni-lông thì đại dương sẽ giảm ô nhiễm, ngày càng sạch hơn, trồng một cây xanh và không chặt phá rừng thì không còn lũ lụt, không khí để chúng ta thở sẽ trong lành hơn, cuộc sống của chúng ta sẽ giảm đi bệnh tật và giữ cho hành tinh này mãi mãi xanh tươi.”
Những nội dung đưa vào hoạt động phục vụ cho học sinh đều được chọn lọc, mang tính giáo dục và ý nghĩa nhân văn sâu sắc về gia đình, về tình bạn, về môi trường tự nhiên phù hợp với môi trường giáo dục. Vì vậy, đã khơi dậy những cảm xúc từ nội tâm các em và bộc phát một cách thật hồn nhiên khi tiếp cận. Những ngôn từ các em thể hiện tình cảm về mẹ hay biểu hiện nhận thức về một hiện tượng xã hội về bảo vệ môi trường tuy còn mộc mạc, chất phát nhưng chứa chan tình cảm sâu sắc, cảm động và trách nhiệm. Cả giáo viên và chúng tôi đều tâm đắc với hoạt động “Chỉ số cảm xúc”, nó như một sân chơi để học sinh thổ lộ tình cảm về gia đình hay nhận thức về một hiện tượng xã hội mà trong đời sống hàng ngày các em luôn tiếp cận nhưng lại ít nghĩ đến và thể hiện nó bằng cảm xúc của mình; hay đó cũng thướt đo sự giáo dục của nhà trường cũng như sự vận dụng kiến thức đã học của học sinh khi tham gia hoạt động này và ví nó như là chiếc “ngòi nổ” đánh thức tư tưởng tình cảm yêu sách của học sinh.
Trao phần thưởng hoạt động “Chỉ số cảm xúc”
Hoạt động “Chỉ số cảm xúc” đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trên hai mặt đó là: Về phía học sinh: giúp các em hình thành tư duy suy luận, phong cách trình bày, thể hiện cách ứng xử, tình cảm, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội; Về phía Thư viện: chuyển tải kiến thức bằng một phương pháp khác ngoài việc đọc sách, làm phong phú thêm chương trình hoạt động của xe thư viện lưu động; thông qua đó xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong học sinh.
Nguyễn Thái Ngọc Hân – Thư viện tỉnh
Views: 35