Ý chí thống nhất, kiên định về biển Đông
Thông tin tuyên truyền: Biển, đảo và công tác biên giới trên đất liền
Ý CHÍ THỐNG NHẤT, KIÊN ĐỊNH VỀ BIỂN ĐÔNG
Cuối tháng 7 vừa qua, vấn đề biển Đông tiếp tục trở thành chủ đề quan trọng được thảo luận trong các chương trình nghị sự của quốc tế và khu vực. Trong đó, tất cả các bên đều thống nhất ý chí chung về hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Phải thượng tôn luật pháp quốc tế
Đầu tuần này, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, các ngoại trưởng của 4 nước Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhóm họp theo sự chủ trì của Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa. Đây là cuộc họp đầu tiên cấp ngoại trưởng của nhóm sau 4 năm.
Tại cuộc họp, các ngoại trưởng tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các ngoại trưởng nhất trí cung cấp nhiều sản phẩm chung của khu vực trên các lĩnh vực nhằm hiện thực hóa một cộng đồng quốc tế cùng tồn tại và cùng thịnh vượng. Các bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế đối với duy trì trật tự hàng hải.
Sau cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko, Ngoại trưởng Australia Penny Wong và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ra tuyên bố chung kêu gọi thiết lập một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đồng thời bày tỏ lập trường về tình hình biển Đông. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, đồng thời tái khẳng định lập trường phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”.
Những người đứng đầu ngành ngoại giao của 4 quốc gia tiếp tục bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các động thái cưỡng ép và đe dọa ở biển Đông. Nhóm Bộ tứ cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng để bảo vệ chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả cáp ngầm.
Về hợp tác trong khu vực, các bên tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc vai trò trung tâm và tính thống nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP); cam kết hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược 2050 của Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF)…
Tái khẳng định sự ủng hộ đối với AOIP
Trước đó, ngày 27/7, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan. Một trong những nội dung quan trọng được nêu bật tại các hội nghị là thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó, biển Đông là chủ đề thảo luận quan trọng.
Các quốc gia đã dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ quan điểm và lập trường về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có biển Đông. Các bên chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa và ảnh hưởng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận cân bằng và khách quan của ASEAN, nhấn mạnh các nguyên tắc như tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện tự kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
AMM-57 cũng thúc đẩy việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như quan trọng của an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, tham dự AMM-57, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông, nơi lượng thương mại hơn 3.000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tại AMM-57, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho biết, một bước đi sai lầm ở biển Đông sẽ biến một tia lửa nhỏ thành một cơn bão lửa đáng sợ. Do đó, các quốc gia thành viên ASEAN phải đoàn kết, các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Tại Hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN+3 (bao gồm ASEAN và 3 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) lần thứ 25 diễn ra tại Lào vào ngày 27/7, Ngoại trưởng Indonesia cũng kêu gọi hội nghị tiếp tục đóng vai trò là động lực chính cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Theo bà Retno, ASEAN đã và đang đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó, dân số Đông Nam Á, chủ yếu là thanh niên, chiếm 1/3 toàn cầu. Bà Retno nhấn mạnh, những tiềm năng to lớn mà ASEAN khai thác sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có hòa bình và ổn định.
Các nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản giúp duy trì mức tăng trưởng kinh tế ưu tiên của khu vực là 4,5% bằng cách hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và kinh tế số, tận dụng tối đa Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và hợp tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).
Theo bà Retno, để hiện thực hóa mục tiêu đưa ra tại Diễn đàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ASEAN năm 2023, các doanh nghiệp Indonesia trong Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN đang chuẩn bị thành lập Mạng lưới doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ASEAN.
Cũng tại hội nghị ASEAN+3 này, ngoại trưởng các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá cao 3 nước đối tác đã cam kết kiên quyết ưu tiên đối thoại trong nỗ lực thu hẹp những bất đồng.
Về phần mình, ngoại trưởng 3 nước đối tác tại khu vực Đông Á tái khẳng định sự ủng hộ đối với AOIP, coi đây là một nền tảng toàn diện và nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một khu vực tự cường.
Tuyên bố Chủ tịch sau khi kết thúc hội nghị đã đánh giá cao nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cam kết tăng cường khả năng phục hồi của khu vực bằng cách củng cố chuỗi cung ứng khu vực và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Các Bộ trưởng Ngoại giao tham gia hội nghị cũng đã nhất trí theo đuổi việc thông qua Tuyên bố ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng và công nghiệp khu vực trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 45 vào tháng 10 năm nay.
Thanh Trúc // https://www.bienphong.com.vn
Views: 374