Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Thông tin tuyên truyền: Biển, đảo và công tác biên giới trên đất liền
ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC CHO NGƯ DÂN VƯƠN KHƠI, BÁM BIỂN
Cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hàng năm, Đồn Biên phòng Mũi Né, BĐBP Bình Thuận còn chủ động xây dựng và bổ sung kế hoạch, tổ chức huấn luyện, nâng cao khả năng đi biển và xử lý các tình huống trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Chúng tôi gặp ông Võ Hữu Tâm, chủ tàu đánh cá, trú tại khu phố 15, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Né để làm các thủ tục cần thiết cho người và phương tiện của ông ngày mai ra biển. Tại đây, Thượng úy Lê Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Né và ông Tâm tranh thủ thời gian trao đổi thông tin, nắm tình hình về kết quả trong lao động đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân; tình hình khí hậu, thời tiết trên biển thời gian gần đây có những diễn biến bất thường so với những năm trước; các hoạt động qua lại trên vùng biển tỉnh Bình Thuận của các loại tàu thuyền khác…
“Chúng tôi thường xuyên được cán bộ Đồn Biên phòng Mũi Né tuyên truyền, nhắc nhở như đảm bảo các trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục, đánh bắt không vi phạm các quy định của pháp luật… Nếu trên biển đang có sóng to, gió lớn, áp thấp nhiệt đới, tin bão xa, ngư dân gặp khó khăn thì trạm kiểm soát Biên phòng sẽ thông báo cho bà con ngư dân chủ động phòng tránh. Là chủ tàu, tôi cũng yêu cầu thuyền trưởng sử dụng thiết bị máy Icom đường dài thông báo cho các tàu khác trên biển để cùng nắm, cùng di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Trên biển nếu có phương tiện nào đó không may gặp tai nạn như hư hỏng máy, người bị tai nạn lao động cần hỗ trợ thì đồn Biên phòng thường huy động và sử dụng tàu đánh cá của tôi để ra biển phối hợp cứu hộ, cứu nạn giúp ngư dân” – Ông Võ Hữu Tâm cho biết.
Được biết, trên địa bàn Đồn Biên phòng Mũi Né quản lý có trên 300 phương tiện, trong đó, 52 phương tiện có chiều dài trên 15m đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển. Trong quá trình làm các thủ tục kiểm tra, kiểm soát Biên phòng theo quy định, đơn vị đã kết hợp tuyên truyền, vận động bà con ngư dân ra vào, làm ăn trên biển chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện; đảm bảo thủ tục giấy tờ, khai thác, đánh bắt đúng ngành nghề, đúng vùng, tuyến được phép hoạt động; nghiêm cấm không được đánh bắt vi phạm các quy định của pháp luật. Quá trình hoạt động trên biển, có phát hiện gì, thuyền trưởng các tàu đánh cá đều điện vào bờ thông báo cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Né.
Điển hình, chiều ngày 2/6, khi đang hoạt động tại vùng biển cách Mũi Né khoảng 22 hải lý về hướng đông Nam thì tàu cá BT 95947 TS do ông Lê Văn Ty, trú tại ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre làm thuyền trưởng bị hư máy, trên tàu có 10 người. Nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Mũi Né sử dụng hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi các tàu đánh cá hoạt động gần khu vực tàu BT 95947 TS để hỗ trợ.
Sau đó, có 3 tàu đánh khác cùng ở Bến Tre đã kịp thời hỗ trợ, lai dắt vào bờ để sửa chữa. Khi vào đến khu vực Hòn Lao, Mũi Né, do không biết luồng lạch, các tàu đã đi vào bãi đá, bị mắc cạn. Các tàu lai dắt hoạt động được đã thoát ra ngoài, còn tàu BT 95947 TS do bị hỏng máy không thoát ra ngoài được và bị sóng đánh chìm ngập nửa thân tàu. Đồn Biên phòng Mũi Né lập tức triển khai lực lượng, phối hợp với UBND phường Mũi Né huy động các tàu cá của ngư dân địa phương tổ chức trục vớt, kéo tàu cá bị chìm vào bờ để sửa chữa.
Trước đó, khoảng 18 giờ, ngày 12/2, tàu cá BV 90981 TS, công suất 480 CV, do ông Trần Ngọc Hữu (trú tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) làm thuyền trưởng, đang neo đậu cách bờ khoảng 1 hải lý thì bất ngờ bốc cháy, trên tàu có 3 người. Tại thời điểm xảy ra cháy, thời tiết trên biển gió lớn nên đám cháy lan nhanh và bùng phát mạnh. Tiếp nhận vụ việc, Đồn Biên phòng Mũi Né đã nhanh chóng triển khai 10 cán bộ, chiến sĩ, huy động 3 xuồng máy, 3 tàu cá của ngư dân đang neo đậu trong khu vực tàu cá bị nạn, cùng phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, gió lớn, lửa bùng phát dữ dội, trong khi tàu cá neo đậu cách bờ khoảng 1 hải lý nên các phương án tiếp cận và triển khai phương án dập lửa không thành công. Hậu quả, tàu cá BV 90981 TS bị cháy hoàn toàn và chìm. Tại thời điểm tàu cá BV 90981 TS bị cháy, trên tàu có khoảng 7 đến 8 ngàn lít dầu. Thiệt hại tài sản khoảng 3,6 tỷ đồng, rất may không thiệt hại về người.
Nhằm giảm thiểu tai nạn đến mức thấp nhất cho ngư dân và kịp thời ứng cứu khi có tai nạn xảy ra trên biển, Đồn Biên phòng Mũi Né thường xuyên tổ chức huấn luyện các bước tiến hành cơ động, cách tiếp cận mục tiêu và cứu vớt người trên biển trong điều kiện sóng gió cấp 6, cấp 7. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các đội tàu thuyền an toàn, sẵn sàng ra biển ứng cứu khi có vụ việc xảy ra.
Theo Thượng úy Lê Thanh Tùng, năm nay, tuy sản lượng và nguồn doanh thu ít hơn so với những năm trước, do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nhưng ngư dân địa phương vẫn khắc phục khó khăn, an tâm bám biển. Sau mỗi chuyến đi biển trở về, ngư dân vẫn dành thời gian tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền của Đồn Biên phòng Mũi Né. Tại đây, ngư dân được hướng dẫn sơ đồ về vùng biển của Việt Nam, vùng được đánh bắt và trách nhiệm của mỗi ngư dân đi biển với việc tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Thượng tá Bùi Thanh Dũ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mũi Né cho biết: “Thời gian tới, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tích cực phổ biến kiến thức về bão, sạt lở đất, đá, xói mòn… để mọi người dân nâng cao khả năng tự phòng, tránh; đồng thời, tuyên truyền đến các chủ phương tiện tham gia bảo hiểm người, phương tiện, thông báo tần số thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn tàu thuyền, con người khi đi đánh bắt hải sản trên biển. Cùng với đó, đảm bảo tốt công tác hậu cần, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang bị theo phương châm “4 tại chỗ”, cơ động xử lý mọi tình huống xảy ra trên biển”. |
Lê Khoa // https://www.bienphong.com.vn/
Views: 373