Đẩy mạnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, xử lý tàu cá vi phạm
Tính đến tháng 6/2021, các tàu cá của Bình Thuận có chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt trên 93%…
Đây là một trong những kết quả đạt được trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định IUU trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy bản Châu Âu (EC).
Cả hệ thống chính trị chống khai thác IUU
Với đường bờ biển dài 192km, vùng lãnh hải rộng 52 ngàn km2, tỉnh Bình Thuận được xem là một trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước. Tính đến 10/6, toàn tỉnh có 6.768 tàu. Trong đó tàu có chiều dài từ 15-24 m là 1.892 chiếc, trên 24 m là 36 chiếc.
Từ khi EC phạt thẻ vàng thủy sản Việt Nam, cùng với 28 tỉnh thành có biển, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định IUU
Theo tỉnh Bình Thuận, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ”, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ NN-PTNT”, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và khắc phục các khuyến nghị của EC. Đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào nhiệm vụ chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định IUU.
Nhờ vậy, từ tháng 7/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tàu cá vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Bên cạnh đó, tính đến ngày 10/6, toàn tỉnh có 1.808/1.924 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS (đạt tỉ lệ 93,97%). Trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên lắp đặt 100%.
Đối với số tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết giám sát hành trình, qua rà soát, một số tàu cá nằm bờ chờ bán, hoặc đang làm thủ tục sang nhượng hoặc làm ăn thua lỗ, tàu hư hỏng nên nằm bờ. Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Đồng thời, đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu này, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, tàu cá tại đúng quy định. Theo đó, kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng 100% đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; tối thiểu 20% tàu cá làm nghề khai thác cá ngừ, tối thiểu 10% tàu làm nghề lưới kéo và 5% tàu cá làm các nghề khác đối với tàu cá chiều dài lớn nhất dưới 24 mét.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021, cảng cá Phan Thiết kiểm tra, giám sát 1.120 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản với tổng sản lượng 7.160 tấn; thu 992 sổ nhật ký khai thác đạt hơn 88%. Cảng cá Phú Hải kiểm tra, giám sát 222 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản với tổng sản lượng 1.099 tấn, thu 219 số nhật ký khai thác đạt hơn 98%.
Ngoài ra, trong năm 2020, Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết cấp 80 giấy xác nhận với tổng sản lượng 1.671 tấn hải sản, còn Chi cục Thủy sản cấp 136 giấy chứng nhận với tổng sản lượng 2.929,98 tấn hải sản. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị tiếp tục cấp được 34 giấy xác nhận, với tổng sản lượng 706,526 tấn hải sản và 47 giấy chứng nhận với tổng sản lượng 936,528 tấn hải sản các loại…
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Bên cạnh các kết quả đạt được ở trên, việc các tàu cá vi phạm trên biển tỉnh Bình Thuận xử lý nghiêm theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Bình Thuận, cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các lực lượng chức năng đã xử lý, xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU theo Nghị định 42 của Chính phủ.
Theo đó, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản đã xử phạt 592 vụ với số tiền hơn 4,38 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh cũng xử phạt 153 trường hợp với tổng số tiền hơn 336 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngày 25/5/2021, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã tham mưu UBND thị xã La Gi quyết định xử phạt 1 tàu cá Bth 96132 TS hành nghề câu khơi với só tiền 25 triệu đồng, vì hành vi không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 100 tàu cá của tỉnh mất kết nối trên 10 ngày trên biển. Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã gửi văn bản thông báo và chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư phối hợp với Đồn Biên Phòng, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với chủ tàu cá để nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết thực hiện mở thiết bị VMS 24/24 theo quy định. Nếu tàu cá nào tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm theo Nghị định 42 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục tập trung rà soát, triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định IUU. Trong đó, duy trì kết quả đạt được, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời khẩn trương, kiên quyết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với số tàu cá còn lại. Lực lượng kiểm ngư, Biên phòng triển khai đồng loạt công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu để kiểm soát tàu cá chưa lắp đặt VMS, cảnh cáo nghiêm khắc mức phạt, kiên quyết không cho xuất bến đi biển và xử lý nghiêm theo quy định đối với chủ tàu cá đã được thông báo, cảnh báo nhưng vẫn không thực hiện lắp đặt thiết bị. Cũng như khẩn trương kiện toàn tổ chức, sắp xếp bố trí nhân lực các đơn vị quản lý thủy sản, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ…
Kim Sơ // https://nongnghiep.vn.- 2021 (ngày 22 tháng 7)
Views: 0