Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP
Sau 5 năm đàm phán gay go, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là TPP) cuối cùng đã đạt thỏa thuận về hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tại vòng đàm phán vừa kết thúc ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một trong những hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia kinh tế, TPP chính là con đường để mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho các nước tham gia, là bước tiến quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu, trong một thế giới không chỉ ngày càng kết nối sâu hơn mà còn tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, cùng nhau phát triển.
Hiệp định hội nhập thế hệ mới
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đến nay, TPP có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Theo ước tính, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, tương đương gần 25.000 tỷ USD.
Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm và loại bỏ ngay phần lớn các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, vốn, di chuyển lao động có chất lượng cao TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.
TPP bao quát nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư mà còn cả trong các lĩnh vực lao động, môi trường, đấu thầu, DNNN, sở hữu trí tuệ… Do đó bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Trước khi bước vào đợt họp ở Atlanta đầu tháng 10 vừa qua, những vấn đề mấu chốt nhất còn vướng mắc trong quá trình đàm phán bao gồm thời gian bảo hộ độc quyền đối với thuốc sinh học, cơ chế tiếp cận thị trường bơ sữa và linh kiện ô-tô. TPP gây nhiều tranh cãi còn do các cuộc đàm phán được thực hiện bí mật, để tránh bị các nước khác và các nhóm lợi ích có kết nối với nhau gây ảnh hưởng lên quá trình đàm phán.
Views: 15