Cô bé đeo biển số 1 năm ấy
Thật tình cờ khi tôi được xem tấm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, ghi lại hình ảnh của Bác Hồ và các cháu thiếu nhi ở trại trẻ quân đội tại chiến khu Việt Bắc vào năm 1953, đúng ngày sinh của Người, ngày 19 tháng 5. Đi tìm những người chụp cùng Bác trong bức ảnh tôi không đủ thời gian, vì thế trước mắt tôi chỉ gặp một người trong số đó – chị Nguyễn Quỳnh Dung, hiện đang công tác tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Cũng xin nói thêm một chút về trại trẻ quân đội đầu tiên này ở chiến khu Việt Bắc. Trại trẻ được thành lập vào năm 1951 để các cán bộ ở chiến khu có con nhỏ yên tâm công tác. Và đứa trẻ đầu tiên nhập trại trẻ chính là Quỳnh Dung, được các cô giáo đeo biển số 1. Bố mẹ cô bé gặp nhau trên chiến khu rồi lấy nhau. Bố Quỳnh Dung là đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, lúc ấy đang là Trưởng ban An toàn khu (ATK) đã xung phong mang con nhập trại đầu tiên. Chỉ sau vài ngày nhập trại, cô bé đã thích ứng ngay, rất thích các cô dạy hát và múa cũng rất khéo…
Giờ đây cô bé thích múa hát ấy đang ngồi trước tôi, đã 53 tuổi, song chị trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình. Tôi hỏi về hôm Bác đến thăm trại trẻ vào ngày 19-5-1953 thì chị bảo:
– Khi đó tôi mới năm tuổi, chỉ nhớ loáng thoáng. Hôm ấy, thấy Bác đến là chúng tôi nháo nhào chạy ra chơi, trò chuyện rồi chụp ảnh cùng Bác. Trong lúc trò chuyện, thấy một bạn bị ho, Bác đã bảo: “Rồi Bác sẽ gửi một chai mật ong cho các cháu”.
Sau ngày 10-10-1954, trại trẻ chuyển về Hà Nội. 7 năm sau ngày đáng nhớ ấy, Trường múa Việt Nam được mở, được gia đình động viên, cô bé Dung vào trường, không ngờ lại học giỏi. Lúc ra trường vào năm 1966, Đoàn ca múa Trung ương đã muốn nhận cô về song cô lại gia nhập Đoàn văn công Tổng cục Chính trị chỉ vì lý do duy nhất: được biểu diễn phục vụ bộ đội. 7 năm đi biểu diễn từ 1967 đến 1973 chủ yếu tại chiến trường miền Nam, chị Dung nói: Có nhiều kỷ niệm kể cả ngày không hết. Thời gian ấy cứ mùa khô cô lại cùng đoàn theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam, mùa mưa lại ra Bắc chuẩn bị chương trình.
Cuộc đời chị lại rẽ sang hướng khác vào năm 1973. Những trận sốt rét rừng hành hạ, không thể theo nghiệp diễn, chị thi vào khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào cuối năm 1978, ra trường về làm việc ở Bảo tàng Cách mạng.
Theo chị, nghề hóa của chị rất quan trọng trong các bảo tàng, mỗi hiện vật đều làm từ một chất liệu nhất định và phải có phương pháp bảo quản riêng. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của Bảo tàng Cách mạng còn nhiều khó khăn nên cách làm hiện nay chủ yếu chỉ mang tính “chữa cháy”. Trong câu chuyện với tôi, chị vẫn mơ đến một phòng thí nghiệm ngay trong bảo tàng như ở nhiều nơi. Ở đó, các kỹ sư hóa có thể nghiên cứu, thử nghiệm các ý tưởng của mình mà không lo các thí nghiệm đó sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Có lẽ, cho đến khi về hưu, đó vẫn là điều tiếc nuối của chị.
– Vậy khi nghỉ hưu, chị sẽ làm gì?
– Có thể là vẽ tranh, dạy múa, tham gia sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh.
Chị kể, chị bắt đầu vẽ từ lúc sang Hà Lan, quê hương danh họa Van-gốc, cách đây 10 năm. Chị vẽ cho vui, ai thích mua thì bán. Đến giờ cũng bán được kha khá rồi,
Tuy nhiên, điều chị quan tâm hiện nay là làm sao ra được một cuốn sách về ATK, nơi bố mẹ chị đã từng sống và công tác. Bố chị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Đăng Ninh đã tổ chức đón đưa Bác Hồ từ Hà Nội và Hà Đông, từ Sơn Tây đến Tuyên Quang, Thái Nguyên chuẩn bị nơi ở và làm việc cho Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng các cơ quan trực thuộc Trung ương trong những ngày đầu kháng chiến tại Việt Bắc. Chị cho hay, mảng tư liệu về ATK ở Bảo tàng Cách mạng còn rất thiếu. Vì thế, những tư liệu của bố mẹ chị, liên quan đến ATK chị sẽ gửi cho Bảo tàng.
Trước khi mất vào năm 1974, bố chị đã là Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn bà Đỗ Thị Phương, mẹ chị, năm nay 72 tuổi vẫn sống cùng gia đình chị.
Trên mặt bàn làm việc của chị lúc này vẫn ngổn ngang tài liệu, ảnh liên quan đến ATK năm nào. Chị bảo công việc chuẩn bị đang gặp khó khăn, nhưng tôi tin dự định của chị sẽ được thực hiện tốt đẹp…
Lê Minh Độ, Nguyễn Vũ Quỳnh
Báo Hà Nội mới, số ra ngày 19/5/2001
Báo Hà Nội mới, số ra ngày 19/5/2001
Trích “Những câu chuyện kể về Bác Hồ với giáo dục và thế hệ trẻ”, trang 66-68; Nxb. Lao động, 2008. – 232tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Đọc: DVL.008180
Phòng Mượn: MVL .007701, MVL. 007702
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Đọc: DVL.008180
Phòng Mượn: MVL .007701, MVL. 007702
Views: 403