Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh ở khu vực biên giới biển
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, AN NINH Ở KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN
Dân tộc Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất tại tỉnh Bình Thuận và có nhiều vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh biên giới biển. Trong thời gian qua, BĐBP Bình Thuận đã có nhiều chương trình, biện pháp nhằm vận động người dân tộc Chăm vào công tác bảo vệ an ninh biên giới biển và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số đang sinh sống và chiếm tỷ lệ trên 8% dân số của tỉnh, trong đó, đồng bào Chăm có 9.041 hộ/39.656 nhân khẩu, chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh và chiếm 38,98% trong các dân tộc thiểu số (tính đến năm 2022). Người Chăm sống tập trung chủ yếu ở 4 xã: Phú Lạc (huyện Tuy Phong), Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) và rải rác ở một số thôn tại các huyện Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Đồng bào Chăm theo 2 tôn giáo chính là Bà La Môn giáo và Hồi giáo Bà Ni.
Những năm qua, BĐBP Bình Thuận đã tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới biển và công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. BĐBP Bình Thuận đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đối với vùng đồng bào Chăm nói riêng, “nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin”. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, Chỉ thị 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Chăm đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng có đông đồng bào Chăm sinh sống.
Bên cạnh đó, BĐBP Bình Thuận đã phối hợp lực lượng Công an tại cơ sở tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thành lập nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới biển và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Trong đó, phải kể đến mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” trên địa bàn huyện Bắc Bình. Mô hình thu hút sự tham gia nhiệt tình của nhiều vị chức sắc, tích cực phối hợp với Công an xã, các đồn Biên phòng cùng các đoàn thể chính trị tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chấp hành các quy định của pháp luật; xây dựng tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau; xây dựng nếp sống văn minh và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các vị chức sắc vùng đồng bào dân tộc Chăm đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các vị chức sắc, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Chăm còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phát tán tài liệu có nội dung vi phạm pháp luật; giúp lực lượng chức năng bắt nhiều vụ tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, giải tán kịp thời hàng chục vụ thanh thiếu niên tụ tập có biểu hiện gây rối trật tự công cộng. Các vị chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Chăm đã vận động người dân tham gia các phong trào bảo vệ chủ quyền biên giới biển, góp phần củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Những đóng góp tích cực của các vị chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Chăm đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở và chủ quyền, an ninh biên giới biển.
BĐBP Bình Thuận đã tập trung điều chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến; tổ chức lực lượng bám địa bàn, tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của đồng bào dân tộc Chăm, đặc biệt là trong phong trào toàn dân tố giác tội phạm, lực lượng BĐBP tỉnh đã nhận được hàng trăm tin báo có giá trị từ quần chúng nhân dân là người dân tộc Chăm nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhiều vụ án được bắt giữ còn có sự tham gia quyết liệt của người dân hỗ trợ BĐBP khống chế đối tượng, thu giữ vật chứng.
BĐBP tỉnh cũng đã làm tốt công tác giáo dục chính trị – tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Chăm đang công tác trong BĐBP tỉnh, ưu tiên bố trí cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Chăm ở địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, gần nhà để thuận lợi trong công tác, đồng thời tạo thuận lợi trong “gần dân”, “đi sâu vào quần chúng nhân dân”. Hằng năm, BĐBP tỉnh phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách, quân nhân nghỉ hưu trên địa bàn; tổ chức rộng khắp, vui tươi, thiết thực Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng quân dân”; qua đó, tặng nhiều suất quà có giá trị cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Chăm, tặng học bổng cho các em học sinh dân tộc Chăm nghèo hiếu học…
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của BĐBP tỉnh, nhân dân trên địa bàn biên giới biển đã sát cánh cùng lực lượng BĐBP đấu tranh, phòng chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, kích động bạo lực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới biển của tỉnh. Đồng thời, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh, từ đó huy động được sức mạnh tổng hợp trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển của tỉnh.
Những cách làm hay, sáng tạo của BĐBP Bình Thuận đã củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, mối quan hệ đoàn kết quân – dân gắn bó mật thiết; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào trong lao động, sản xuất; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tích cực tham gia có hiệu quả cùng BĐBP và các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Lương Khun xa // https://www.bienphong.com.vn
Views: 1