Phấn đấu ít nhất 70 trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh
Thông tin tuyên truyền: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
PHẤN ĐẤU ÍT NHẤT 70 TRANG TRẠI ĐƯỢC CÔNG NHẬN AN TOÀN DỊCH BỆNH
Đầu tháng 10 năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã ban hành “Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm ATTP giai đoạn 2023-2030” nhằm xây dựng các cơ sở/vùng nuôi an toàn dịch bệnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể là bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh động vật, thủy sản; Kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.
Với mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023-2030 thì hệ thống giám sát dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở sẽ được củng cố, tăng cường nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản (nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lây sang người). Phấn đấu đạt ít nhất 70 doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi động vật và nuôi trồng thủy sản được xây dựng và được công nhận an toàn dịch bệnh, VietGAP, GlobalGAP.
Nâng cao năng lực phòng chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thủy sản của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cấp phòng thử nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thủy sản; tổ chức đào tạo, tập huấn về quy trình chẩn đoán, kỹ thuật xét nghiệm bệnh động vật thủy sản.
Phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý sử dụng kháng sinh, giám sát chất lượng thuốc kháng sinh (trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng chống và giám sát kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản).
Cụ thể, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát kháng thuốc, cảnh báo nguy cơ kháng thuốc trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, thông tin tuyên truyền về quản lý thuốc thú y, kháng sinh và phòng chống kháng thuốc trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, có ít nhất 10% thuốc, vắc xin thú y lưu hành trên thị trường được giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực; phấn đấu trên 100% các cửa hàng buôn bán thuốc thú y được kiểm tra, giám sát.
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật; thực hiện việc lấy mẫu giám sát, kiểm soát tình hình dịch bệnh; phối hợp với các địa phương, các trang trại xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
Đặc biệt là, liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu về các cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn tỉnh.
Ngọc Thúy – FICen // https://tongcucthuysan.gov.vn/
Views: 1