Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024)
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:
KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
(20/11/1982 – 20/11/2024)
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tri ân những người “truyền lửa”
- “Trồng người” cho kỷ nguyên vươn mình
- Lặng thầm “gieo chữ ” ở vùng cao
- Gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu toàn quốc Nguyễn Thành Trung
- Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về chủ đề Nhà giáo Việt Nam có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận
————————————————————–
NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM: TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI “TRUYỀN LỬA”
Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục; xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.
Tại Việt Nam, ngày 20/11 hằng năm không chỉ đơn thuần là một ngày lễ của riêng những thầy cô giáo, mà còn là dịp để toàn xã hội tôn vinh những người làm công tác giáo dục.
Những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc, những câu chuyện chân tình trong ngày lễ thiêng liêng này luôn mang đến cho chúng ta những khoảnh khắc quý giá, nhắc nhở mỗi người nói riêng và toàn xã hội nói chung về trách nhiệm chung tay cùng các thầy cô giáo truyền lại ngọn lửa tri thức và đạo đức cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tri ân những người “truyền lửa”
Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam đã được xây dựng qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong thời kỳ phong kiến, các kỳ thi Đình, thi Hương không chỉ là cơ hội để các sỹ tử thể hiện tài năng, mà còn là con đường vinh quang nhất để mỗi người khẳng định vị thế trong xã hội.
Cũng vì thế, trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, các gia đình luôn khuyến khích con cái học hành chăm chỉ, coi đó là niềm tự hào, là danh dự và nghề thầy giáo cũng luôn được đặt ở vị trí hàng đầu: “Nhất quý nhì sư,” “Không thầy đố mày làm nên”…
Người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của tri thức, đạo đức và nhân cách để học trò noi theo mà trở thành người có đức, có tài, đứng ra giúp nước. Những giá trị này này ăn sâu vào tâm thức mỗi người, trở thành truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong văn hóa Việt được lưu truyền trong hàng thế kỷ qua.
Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta đã thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”
Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, một trong tám nội dung cơ bản được Người nêu lên là: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Với tư tưởng đó, cả đời Người không bao giờ ngừng học tập rèn luyện. Và bản thân Người cũng là một người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một Danh nhân văn hóa thế giới trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa.”
Kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc, luôn hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo với những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục.
Năm 1982, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức lần đầu tiên, nhằm tôn vinh những người làm công tác giáo dục. Sự kiện này không chỉ ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo mà còn phản ánh sự trân trọng của xã hội đối với nghề dạy học, đồng thời là dịp để học sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô, những người đã dìu dắt họ trên con đường đến với tri thức và xây dựng nhân cách.
Giáo dục và đào tạo là tương lai dân tộc
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục; xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Vì thế, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, phản ánh sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống giáo dục và Chính phủ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, tiếp tục khẳng định quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.” Trên cơ sở đó, Nhà nước dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông ở nước ta là 1,25 triệu người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và gần 99.500 cán bộ quản lý. Tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là 93,23%, tăng cao so với chỉ khoảng 50% vào năm 2013. Đây là những kết quả đáng tự hào cho thấy nỗ lực của Nhà nước ta trong mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ cho giáo viên cũng được cải thiện. Mức lương trung bình của giáo viên đã tăng lên đáng kể trong những năm qua, góp sức cùng các thế hệ nhà giáo Việt Nam khắc phục khó khăn, giữ vững ngọn lửa đam mê, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Có không ít những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Nhờ đó, giáo dục nước ta có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và duy trì được các thành tựu đã có. Đến nay trên 99% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường.
Giáo dục đại học đã và đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất.
Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới như Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế thường xuyên giành được thứ hạng cao. Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 80% trường học hiện nay đã sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, một con số tăng đáng kể so với chỉ khoảng 30% vào năm 2013. Những thành tựu này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vai trò của giáo dục và nhà giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà giáo không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người hướng dẫn học sinh phát triển nhân cách và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Có thể nói, giáo dục hiện nay yêu cầu sự linh hoạt và sáng tạo hơn bao giờ hết. Các thầy cô cần phải cập nhật kiến thức mới nhất và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để phù hợp với nhu cầu của thế hệ trẻ. Việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy cũng đang trở thành một yêu cầu tất yếu trong môi trường giáo dục hiện đại.
Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (ngày 18/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được xác định là đột phá chiến lược, và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.
Vì thế, Tổng Bí thư cho rằng mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được là hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trách nhiệm vinh quang đó đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà trước hết và trực tiếp nhất chính là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đó là một trọng trách lớn lao, nhưng với một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; với đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề, cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, toàn ngành giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo./.
Thu Hạnh // https://nvsk.vnanet.vn/
————————————————————–
“TRỒNG NGƯỜI” CHO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH
Gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu và nhà giáo có vai trò quyết định đối với sự nghiệp giáo dục.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (năm 1930) đến Đại hội XIV của Đảng, dân tộc ta trải qua bốn kỷ nguyên: Năm 1945 – Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa tên nước Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới; Năm 1975 – Đất nước bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; Năm 1986 – Kỷ nguyên của đổi mới và hội nhập quốc tế; Đại hội XIV của Đảng (dự kiến vào tháng 1/2026) được xác định là thời điểm bắt đầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cả đất nước nỗ lực tư duy và hành động vì mục tiêu phát triển, bứt phá và cất cánh.
Kỷ nguyên thứ tư – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Theo Tổng Bí thứ Tô Lâm, đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược – đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra đồng thời với kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đồng chí Tổng Bí thư nhắc tới vấn đề nhân lực (cán bộ), bên cạnh việc cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tinh gọn tổ chức bộ máy; chống lãng phí…
Nói cách khác, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực thích ứng.
Trong cuộc gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra một số tiêu chí cụ thể. Theo đó, ngành giáo dục của nước nhà phải đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Theo ý kiến của các chuyên gia về giáo dục, kỷ nguyên mới đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục của Việt Nam vì hiện tại chúng ta đang nặng về việc truyền tải kiến thức, chưa hướng đến sự phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Để chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì chúng ta phải cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng trong môi trường lao động mới.
Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mô hình học tập và các phương pháp giáo dục truyền thống sẽ phải thay đổi mạnh mẽ bởi có sự phân hóa rất rõ nét ở đối tượng học tập. Các phần mềm được đưa vào sử dụng có khả năng thích nghi với năng lực của mỗi học sinh và cho phép các em theo học với tốc độ phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng nên các nhà giáo dục sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến việc dạy học sinh cách tự học chứ không chỉ đơn thuần chuyển tải kiến thức. Đó là dạy cho học sinh cách tư duy, cách đánh giá các tình huống để hình thành năng lực giải quyết vấn đề.
Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, hệ thống giáo dục phải tập trung vào việc phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo.
Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì điều hiển nhiên là chúng ta phải áp dụng Công nghệ 4.0 trong giáo dục. Người học được giáo dục kiến thức và kỹ năng liên ngành, nhất là các kỹ năng quản trị và kỹ năng điều khiển máy móc.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và cũng là kỷ nguyên số thì vai trò và nhận thức của giáo viên trong việc giảng dạy có sự thay đổi lớn so với quan niệm truyền thống. Giáo viên không chỉ đơn thuần là người truyền tải tri thức mà còn phải là người có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, phải chịu khó tìm tòi và sáng tạo những phương pháp học tập mới, hiệu quả.
Các trường đại học, các cơ sở đào tạo nghề phải thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như cách đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên theo những tiêu chuẩn có thể đáp ứng điều kiện của thị trường lao động mới.
“Trồng người” cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một trọng trách lớn và điều này không hề dễ dàng. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể – thầy cô giáo là động lực – nhà trường làm bệ đỡ – gia đình là điểm tựa – xã hội là nền tảng”./.
Trần Quang Vinh // https://nvsk.vnanet.vn/
————————————————————–
LẶNG THẦM “GIEO CHỮ ” Ở VÙNG CAO
Dẫu đường xa, điều kiện còn nhiều khó khăn, song các thầy giáo, cô giáo Trường THCS Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn bám lớp, bám trường, lặng thầm “gieo chữ” nơi vùng cao, mong các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng.
Lặng thầm “gieo chữ”
Trong không khí Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi có dịp về Trường THCS Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) để hiểu thêm về hành trình “gieo chữ” của những thầy giáo, cô giáo nơi đây. Nằm ngay trung tâm xã, Trường THCS Đa Mi nay được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên trường lớp xanh – sạch – đẹp. Đặc biệt, các lớp học được trang bị các thiết bị hiện đại như camera, tivi, phòng máy tính… không thua các trường học ở vùng đồng bằng. Có được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của tập thể nhà trường cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, mạnh thường quân đối với giáo dục vùng cao.
Trường THCS Đa Mi có 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên, điều đặc biệt có đến 18 thầy cô giáo ở vùng đồng bằng tình nguyện lên đây dạy học. Mặc dù nhà cách trường xa, không còn hưởng chế độ đặc thù của vùng khó khăn nhưng nhiều giáo viên đã không ngại khó, ngại khổ vẫn tình nguyện gắn bó nhiều năm với ngôi trường vùng cao này. Cô Giang Thị Mỹ Hồng – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Đa Mi có hơn 15 năm công tác tại vùng sâu, trong đó có 8 năm gắn bó với Trường THCS Đa Mi. Hằng ngày, cô Hồng phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị cho kịp giờ đến trường. Xuất phát từ TP. Phan Thiết lúc 5 giờ sáng, băng qua nhiều đoạn đường núi ngoằn ngoèo, sau hơn 1 giờ 30 phút di chuyển bằng xe máy cô Hồng mới đến trường. Theo cô Hồng, trước đây, đường sá gồ ghề, dốc đá đi lại rất khó khăn nhưng bây giờ đường đã trải nhựa cũng thuận lợi đi lại. Ngày nào dạy xong tiết sớm thì cô tranh thủ về lại đồng bằng trong ngày, còn muộn hoặc bận tham gia các hoạt động, phong trào của trường thì sẽ ở lại nhà công vụ đến cuối tuần mới về. Cô Hồng chia sẻ: “Dẫu biết dạy học ở vùng cao còn nhiều khó khăn, chế độ như giáo viên ở vùng đồng bằng. Nhưng tôi luôn thầm động viên bản thân phải quyết tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, dạy thật tốt, để học trò của mình có thêm tri thức, có thêm những kỹ năng cơ bản làm hành trang giúp các em có thể thay đổi tương lai của bản thân, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn”.
Còn thầy Trịnh Tiến Trung – giáo viên dạy môn lịch sử, địa lý cũng hơn 20 năm giảng dạy ở vùng cao thì có hơn 10 năm công tác tại Trường THCS Đa Mi. Dù quãng đường từ nhà đến trường cách hơn 75 km nhưng thầy Trung vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “gieo chữ” nơi vùng cao, mong các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng. Thầy Trung chia sẻ: “Học sinh vùng cao nơi đây điều kiện còn khó khăn, đa số các em theo cha mẹ di cư đến đây làm kinh tế. Nhiều em nhà cách xa trường hơn 20 km nhưng tinh thần ham học của em rất cao. Đó chính là nguồn động lực lớn và bồi đắp thêm tình yêu nghề và giúp tôi gắn bó hơn với vùng cao”.
Theo tâm sự của các giáo viên nơi đây, khi tình nguyện đến vùng cao dạy chữ, mỗi giáo viên đều mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng. Rất nhiều người phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trường, bám lớp để cho giấc mơ con chữ, của học trò vùng cao được trọn vẹn. Không chỉ cô Hồng, thầy Trung mà rất nhiều thầy, cô giáo ở Trường THCS Đa Mi cũng đã và đang tiếp tục gắn bó, cùng nhau gieo chữ, thầm lặng đưa từng chuyến đò tri thức sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người.
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao
Với nỗ lực và quyết tâm bám lớp, bám trường, các thầy cô giáo nơi đây đã không ngừng sáng tạo, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học, thu hút học sinh đến trường. Thầy Phạm Quốc Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Mi cho biết: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các mạnh thường quân Trường THCS Đa Mi được đầu tư, xây dựng khang trang hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy học. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nơi đây đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. Nhất là việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo theo yêu cầu đề ra và phù hợp với điều kiện của nhà trường. Cũng như ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào giảng dạy. Qua đó, giáo viên đã tiếp cận được với phương pháp dạy học mới, còn học sinh cũng dần bắt nhịp với chương trình. Những kết quả đó, không chỉ tiếp thêm niềm tin phấn đấu học tập cho học sinh mà còn tạo động lực cho đội ngũ giáo viên thêm yêu nghề, cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.
Thêm mùa hiến chương là dịp để các thế hệ học trò tri ân đến những “người đưa đò” thầm lặng. Theo chia sẻ của các thầy cô dạy học nơi đây, món quà trong ngày 20/11 không phải là đóa hoa hồng được thắt nơ lấp lánh, cũng chẳng phải những món quà sang trọng, đắt tiền. Điều đặc biệt mà học sinh vùng cao dành tặng thầy cô trong ngày 20/11 có khi là mớ rau rừng, bó hoa dại, buồng chuối, quả bầu, bí… hay là bức thư tri ân thầy cô, điểm 10. Những món quà bình dị, trong trẻo ấy chính là nguồn động viên lớn lao giúp các giáo viên gắn bó hơn với sự nghiệp trồng người ở vùng cao.
Thanh Thủy // https://baobinhthuan.com.vn/
————————————————————–
GẶP GỠ NHÀ GIÁO TIÊU BIỂU TOÀN QUỐC NGUYỄN THÀNH TRUNG
Thầy giáo Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1984) – giáo viên dạy môn âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đức Linh) là một trong ba nhà giáo tiêu biểu toàn quốc của tỉnh Bình Thuận vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét công nhận và tuyên dương vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.
Tốt nghiệp Đại học sư phạm, năm 2005 thầy Trung được phân công về giảng dạy bộ môn âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Nguyễn Du cho đến nay. Gần 19 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Trung luôn tâm huyết, trách nhiệm, tiên phong trong quá trình đổi mới, sáng tạo, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Trong giảng dạy chuyên môn âm nhạc và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thầy luôn đổi mới phương pháp, tìm cái mới, sáng tạo và đa dạng về cách thức truyền đạt trong từng tiết dạy để thu hút học sinh, tạo môi trường cho học sinh chủ động trong học tập, trải nghiệm, lĩnh hội và khắc sâu kiến thức.
Với nhiệm vụ kiêm nhiệm là Tổng phụ trách, thầy luôn nghiên cứu xây dựng và triển khai các mô hình hoạt động phong trào thi đua sôi nổi, phát huy tính tự quản, sáng tạo trong học sinh. Nhiều cuộc thi, hội thi, chuyên đề gắn với việc đẩy mạnh công tác số hóa trong học đường đã mang lại kết quả đáng mừng, góp phần vào kết quả chung trong công tác dạy và học của nhà trường. Cùng với đó, thầy đã tổ chức nhiều mô hình hay trong công tác Đoàn, Đội và phong trào thiếu nhi tại đơn vị. Tiêu biểu như mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện”, mô hình “Heo đất tình bạn”, mô hình “Trải nghiệm sáng tạo trong giờ ra chơi”, mô hình “Mỗi người một màu xanh”, mô hình “Trường học an toàn”, “Cơ sở giáo dục điển hình” về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được các cấp công nhận và nhân rộng… Bên cạnh đó, thầy còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội hữu ích giúp đỡ người già neo đơn, học sinh nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường được địa phương tuyên dương, khen thưởng nhiều năm liền. Đặc biệt, thầy Trung đã có nhiều sáng kiến hữu ích, trong đó có sáng kiến “Nâng cao chất lượng công tác đội trong trường THCS” được UBND tỉnh công nhận có mức độ ảnh hưởng trong toàn tỉnh.
Theo thầy Trung, việc học như chèo thuyền ngược dòng, nếu không tiến lên bạn không phải đứng yên mà sẽ bị trôi ngược lại. Do vậy, thầy Trung luôn hướng đến sự tiến bộ mỗi ngày. “Bản thân tôi sẽ tiếp tục tìm và theo học thêm các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, học thêm tiếng Anh để ứng dụng trong giao tiếp, công tác và hội nhập như kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã tâm huyết xây dựng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai trong phát triển và hội nhập”, thầy Trung cho biết.
Thầy Trung đạt danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
Với những nỗ lực trên, nhiều năm liền thầy Trung đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2020 – 2021 và nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; trong Công tác Đội và phong trào thiếu nhi; trong học tập và làm theo gương Bác… Đặc biệt, thầy Trung đã đạt danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen và tuyên dương nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chia sẻ về danh hiệu vừa đạt được, thầy Trung cho biết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được xét chọn là “Nhà giáo tiêu biểu” toàn quốc năm 2024 và được mời về dự lễ trao khen tại Hà Nội. Tại lễ tuyên dương, tôi được gặp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được giao lưu với các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, được nghe những chia sẻ tâm huyết về ngành giáo dục. Từ đó, thêm yêu nghề và tin tưởng vào sự đổi mới mạnh mẽ của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại hiện nay”.
“Với tôi, nghề giáo là nghề hạnh phúc bởi nó tạo nên hạnh phúc cho mọi người. Khi đã mang trong mình trái tim rực đỏ như màu hoa phượng vĩ, tôi tự ví mình như ngọn hải đăng dẫn lối tri thức cho các thế hệ học trò, lấy niềm vui, sự tiến bộ và trưởng thành của học trò làm điểm tựa và đích đến”, thầy Trung tâm niệm. |
Thanh Thủy // https://baobinhthuan.com.vn/
————————————————————–
Giới thiệu Sách:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ CHỦ ĐỀ NHÀ GIÁO VIỆT NAM CÓ TẠI THƯ VIỆN
- Tác giả: Vũ, Ngọc Khánh
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Quân dội nhân dân, 2011
- Ký hiệu xếp giá: 371.10092 / NH100G
- Mô tả vật lý: 321tr., 21cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.018622; DVV.021143 ; Phòng Mượn: MVV.024077; MVV.024078; MVV.024079; MVV.028472; MVV.028473
- Tóm tắt: Sách giới thiệu đến bạn đọc thân thế và những cống hiến về giáo dục của các nhà giáo Việt Nam thời phong kiến, những nhà giáo thời kỳ lịch sử kế tiếp,…
- Tác giả: Bain, Ken
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Dân trí, 2023
- Ký hiệu xếp giá: 378.12 / PH120C
- Mô tả vật lý: 317tr., 21cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.029735 ; Phòng Mượn: MVV.042572; MVV.042573
- Tóm tắt: Định nghĩa và khái niệm về nhà giáo ưu tú; Những phẩm chất và công việc giảng dạy của giáo viên; Phương pháp chuẩn bị công việc giảng dạy và cách họ hướng dẫn sinh viên; Cách đánh giá sinh viên và đối xử với sinh viên của họ
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Lao động, 2018
- Ký hiệu xếp giá: 344.597 / C120N
- Mô tả vật lý: 399tr., 28cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Mượn: MVL.017821
- Tóm tắt: Gồm kỹ năng sống và giáo dục kỹ năng trong trường học; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học và trung học phổ thông; phương pháp dạy học và phương tiện dạy học hiện đại;…
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2018
- Ký hiệu xếp giá: 371.4 / T103L
- Mô tả vật lý: 223tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.015197 ; Phòng Mượn: MVL.017950; MVL.017951
- Tóm tắt: Gồm 8 chuyên đề: Một số vấn đề chung về tư vấn cho học sinh và nhu cầu tư vấn của học sinh; Các kỹ năng tham vấn học đường cơ bản; Tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh; Tư vấn học sinh gặp khó khăn về tâm lý;…
- Tác giả: Nguyễn, Văn Tịnh
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017
- Ký hiệu xếp giá: 372.210721 / GI-108T
- Mô tả vật lý: 276tr., 21cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.025014 ; Phòng Mượn: MVV.034901; MVV.034902
- Tóm tắt: Giới thiệu chung về khoa học, công nghệ và nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non; phương pháp luận nghiên cứu khoa học và phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non; tổ chức thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non
- Tác giả: Nguyễn, Đức Sơn
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2016
- Ký hiệu xếp giá: 371.10019 / S550H
- Mô tả vật lý: 183tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.014479 ; Phòng Mượn: MVL.016760; MVL.016761
- Tóm tắt: Nghiên cứu về sự hài lòng với công việc của người giáo viên. Trình bày một số vấn đề lý luận, hướng dẫn phương pháp tổ chức và nghiên cứu, khảo sát sự hài lòng với công việc của người giáo viên phổ thông. Đề xuất các biện pháp nâng cao sự hài lòng với công việc của người giáo viên
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Lao động, 2013
- Ký hiệu xếp giá: 344.597 / NH556Q
- Mô tả vật lý: 344tr., 27cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.012727; DVL.012959 ; Phòng Mượn: MVL.013764; MVL.014184
- Tóm tắt: Nội dung cuốn sách giới thiệu về quy định mới về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, nâng nghạch cán bộ, công chức ngành giáo dục – đào tạo; quy định mới về đào tạo, bồi thường chuẩn nghiệp vụ, thi giáo viên dạy giỏi, quản lý, sử dụng, quyết toán chi phí đào tạo cán bộ công chức ngành giáo dục – đào tạo;…
- Thông tin xuất bản: Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2023
- Ký hiệu xếp giá: 398.092 / NH100G
- Mô tả vật lý: 511tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.017081 ; Phòng Mượn: MVL.020880; MVL.020881
- Tóm tắt: Tập hợp các trích dẫn từ 5 công trình trong cuốn “Văn hoá dân gian – Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại” của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Chu Xuân Diên cùng với những bài viết cảm nhận, suy nghĩ của đồng nghiệp và học trò về ông.
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị quốc gia sự thật, 2019
- Ký hiệu xếp giá: 320.092 / GI-108S
- Mô tả vật lý: 728tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Mượn: MVL.018809
- Chủ đề: Nhà chính trị–Việt Nam; Giáo sư; Tiểu sử; Nhà giáo Nhân dân–Việt Nam
Views: 1