94 năm Ngày Xô Viết – Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2024)

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:

94 NĂM NGÀY XÔ VIẾT – NGHỆ TĨNH (12/9/1930 – 12/9/2024)
  • Xô Viết – Nghệ Tĩnh: Đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931
  • Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do
  • Sáng mãi tinh thần Xô Viết – Nghệ Tĩnh
  • Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về Xô Viết – Nghệ Tĩnh có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận

————————————————————————–

XÔ VIẾT – NGHỆ TĨNH: ĐỈNH CAO CỦA CAO TRÀO CÁCH MẠNG 1930 – 1931

Cách đây 94 năm, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ – cao trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt mạnh mẽ từ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.

Ngày 9/12/1961, về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh 1930 – 1931.

Ở Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh bùng nổ vào sáng ngày 1/5/1930 với sự tham gia của công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua Xử ủy Trung Kỳ, cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình của công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng nhân dân 5 xã ven thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) vào ngày 1/5/1930.

Các cuộc biểu tình diễn ra đồng loạt, mạnh mẽ đã làm cho bộ máy chính quyền thực dân và bộ máy chính quyền tay sai lâm vào tê liệt, tan rã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tổ chức Nông hội (xã bộ nông) đã được thành lập. Song, phải sang đến tháng 9 phong trào đấu tranh mới lên đến đỉnh cao. Ngày 1/9/1930, 20.000 nông dân huyện Thanh Chương biểu tình đòi bỏ thuế, thả tù chính trị. Lính Pháp nổ súng nhưng những người biểu tình vẫn tiến vào huyện đường, phá nhà giam, thả tù nhân, đốt hồ sơ, sổ sách và dinh trị huyện. Trước sự tấn công ồ ạt của nhân dân, bọn hào lý địa phương phải bỏ chạy. Hầu hết các thôn thuộc huyện Thanh Chương rơi vào tình thế không có chính quyền quản lý. Nhân dân xã Võ Liệt đã tự động đứng ra tổ chức điều hành các công việc trong xã.

Ngày 5/9/1930 nông dân huyện Anh Sơn biểu tình ủng hộ nhân dân huyện Thanh Chương với các khẩu hiệu “bãi bỏ thuế thân”, “chia lại ruộng đất”, “thả tù chính trị”. Tiếp đó, trong 2 ngày (5/9 và ngày 7/9) nông dân 2 huyện Diễn Châu, Can Lộc đốt phá nhà giam. Từ ngày 8/9 đến ngày 11/9/1930, khí thế đấu tranh càng sục sôi khi hàng chục nghìn nông dân của các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Can Lộc… đồng loạt nổi dậy.

“….Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước

Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên

Nam Ðàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên

Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi

Trên gió cả cờ đào phất thẳng

Dưới đất bằng giấy trắng tung ra

Giữa thành một trận xông pha

Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng…”.

Phong trào được đẩy lên đỉnh cao bằng cuộc biểu tình đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930 với các khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến”, “Bỏ sưu thuế, bớt giờ làm, chống khủng bố trắng, đòi bồi thường cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc bạo động Yên Bái… đòi chia lại ruộng đất…”. Đoàn biểu tình này xếp hàng dài hơn 1 cây số, tập trung kéo về thành phố Vinh. Theo mô tả, đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là đội viên tự vệ được trang bị các loại dao, gậy. Trên đường đi, đoàn biểu tình có lúc dừng lại để diễn thuyết và chỉnh đốn đội ngũ; dòng người càng đi càng được bổ sung thêm cho đến khi đến gần Vinh con số đã lên tới 30.000 người và xếp hàng dài tới hơn 4 km. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, bị thương 125 người, đốt cháy 177 nóc nhà. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị thiêu rụi hoàn toàn. Song điều đó cũng không ngăn cản được phong trào đấu tranh của quần chúng nông dân mà càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi khiến cho chính quyền thực dân hoảng sợ.

Tượng đài Xô Viết – Nghệ Tĩnh (tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ Tĩnh, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý điều hành hoạt động trong làng xã. Những người cách mạng đã lập ra chính quyền Xô viết đầu tiên ở Việt Nam (chính quyền cách mạng sơ khai do giai cấp công nhân lãnh đạo). Chính quyền mới đã ban hành nhiều chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chính trị, nhân dân được quyền tự do hội họp, thảo luận và hoạt động trong các tổ chức đoàn thể: Nông hội, Công hội, Đoàn thanh niên cộng sản… Về kinh tế, nhân dân được chia ruộng, bãi bỏ các thứ thuế vô lý, bất công, thực hiện giảm tô và xóa nợ cho dân nghèo. Về văn hóa, chính quyền cách mạng đã tổ chức đời sống mới, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ, xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Đến giữa năm 1931, thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố – trấn áp. Nhiều cơ quan đầu não của Đảng, các cơ sở trong dân bị phá vỡ, nhiều đảng viên, người biểu tình bị bắt giam hoặc hành quyết. Mặc dù bị kẻ địch khủng bố, đàn áp phong trào trong biển máu, hàng ngàn đồng bào, chiến sĩ cách mạng của Đảng đã hy sinh và bị địch bắt bớ, tù đày nhưng Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã mang lại thành quả to lớn, ý nghĩa và bài học lịch sử sâu sắc đối với Đảng ta và cách mạng nước ta.

Cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh được đánh giá là đỉnh cao của phong trào cách mạng trong những năm 1930-1931. Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên trong cả nước để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đây là cao trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công nông do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, đánh dấu sự chuyển biến căn bản từ tính chất đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác của phong trào cách mạng Việt Nam.

Tuy chỉ tồn tại trong 7 tháng nhưng cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.

Thành quả lớn nhất của cao trào cách mạng 1930 – 1931 và Xô Viết – Nghệ Tĩnh là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 – 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

94 năm đã trôi qua song khí thế cách mạng ngất trời của cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh trong những năm 30 của thế kỷ XX cho đến nay vẫn luôn bừng cháy trong lòng những người dân yêu nước Việt Nam. Tinh thần Xô Viết – Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà nó sẽ còn tiếp tục được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Huỳnh Thái Dương // https://baobinhthuan.com.vn/

————————————————————————–

DẤU ẤN XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH TRÊN HÀNH TRÌNH ĐẤU TRANH VÌ ĐỘC LÂP, TỰ DO
Xô viết Nghệ – Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931, một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định một liên minh giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam trong tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 90 năm sau, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Xô viết Nghệ-Tĩnh vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử.

Trong giai đoạn 1929 – 1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ các nước tư bản, trong đó có Pháp đã lan nhanh sang các nước thuộc địa và phụ thuộc. Dù ở Pháp, cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra muộn hơn so với một số nước tư bản khác, song trước ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giới cầm quyền nước này đã thi hành nhiều chính sách nhằm cứu vãn quyền lợi cho giai cấp tư sản Pháp và tay sai bản xứ.

Tinh thần quật khởi của Xô viết Nghệ Tĩnh

Những chính sách mà Pháp thi hành ở Đông Dương tác động xấu đến tình hình kinh tế – xã hội, làm cho nền kinh tế Đông Dương vốn phu thuộc nặng nề vào nền kinh tế Pháp đã nhanh chóng suy thoái, kinh tế điêu đứng, nông nghiệp nghèo nàn, công nghiệp suy sụp, xuất và nhập khẩu đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang, đồng thời cũng làm cho tình hình chính trị ngột ngạt, đời sống của nhân dân Đông Dương sa sút nghiêm trọng, nhất là giai cấp công nhân và nông dân…

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Việt Nam, từ thành thị cho tới nông thôn, tình trạng thất nghiệp, đói kém ngày càng trầm trọng. Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội đã làm cho những mâu thuẫn vốn có trong xã hội bộc lộ sâu sắc hơn, gay gắt hơn, nhất là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa gai cấp nông dân với giai cấp địa chủ, phong kiến. Trước tình hình đó, bất chấp việc đàn áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp, phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân ngày càng sục sôi. “Sự áp bức bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, nông dân đòi ruộng đất, nhà buôn nhỏ đóng cửa hàng, nhân dân cả nước đang vùng lên chống bọn đế quốc”[1].

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, trong đó khẳng định “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]. Đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, vai trò và sức ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam ngày càng phát triển. Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp công nông dân cũng diễn ra ở nhiều nơi với các hình thức như đòi chia ruộng đất công của làng xã, đòi lại các khoản bị hào lý tham nhũng… và rầm rộ nhất là từ ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Cụ thể, ở Nghệ An, công nhân và nông dân thành phố Vinh biểu tình lớn. Cùng với đó, nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Tân Hợp cũng biểu tình kéo vào thành phố phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm thuế, phản đối chính sách khủng bố của chính quyền thuộc địa… Ở Hà Tĩnh, trong ngày 1-5, cờ đỏ được treo trước Tòa sứ thị xã Hà Tĩnh, trên nóc nhà thờ huyện Nghi Xuân, nhiều truyền đơn của Đảng xuất hiện ở huyện Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, nhiều cuộc mít tinh được tổ chức ở Can Lộc, Thạch Hà…

Tiếng vang của những sự kiện chính trị diễn ra ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngày 1-5 không chỉ khẳng định thắng lợi của giai cấp công nhân và nông dân hai tỉnh trong tiến trình đấu tranh cách mạng để giành độc lập, tự do mà còn cho thấy: “Đứng về cả nước mà xét, ngày 1-5-1930 có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên vô sản Đông Dương xông pha lửa đạn để biểu dương tinh thần đoàn kết cách mạng quốc tế của mình”[3]. Có thể nói, sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 là mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là sự ra đời của các Xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh sau đó và đây cũng là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù.

Sau ngày 1-5, phong trào đấu tranh lan rộng và phát triển mạnh trên cả nước, nhất là ở Trung Kỳ và Nam Kỳ (từ tháng 6 đến cuối năm 1930). Làn sóng đấu tranh cách mạng của quần chúng đã buộc chính quyền thuộc địa phải thi hành một số chính sách đối với người lao động như trả tự do cho một số người bị bắt trong một số cuộc biểu tình, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, hoãn thuế cho nông dân… Vì thế, để duy trì và đẩy mạnh phong trào đấu tránh cách mạng ở cả ba miền, nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Đảng kêu gọi công nhân, nông dân và các tầng lớp khác không lơ là, cảnh giác trước một số nhân nhượng của kẻ thù mà phải tiếp tục đoàn kết để đấu tranh và kiên trì đấu tranh ủng hộ giai cấp công-nông Nghệ – Tĩnh.

Trên đà tiến lên, những ngày tháng 9, phong trào đấu tranh ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân nhà máy rượu Chợ Lớn, ở công ty Dầu lửa Sài Gòn và các cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân ở Hóc Môn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Sa Đéc… Còn ở Trung Kỳ, ngày 1/8, nhân ngày Quốc tế Đỏ, toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh- Bến Thủy tổng phản công phản đối chiến tranh đế quốc, kêu gọi công nhân đoàn kết với nông dân và binh lính đấu tranh chống chính quyền thuộc địa. Tiếp đó, nhiều cuộc biểu tình, bãi công diễn ra ngày càng quyết liệt, nhiều cuộc biểu tình còn có sự phối hợp giữa công nhân và nông dân khiến chính quyền thuộc địa lo ngại. Cụ thể, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy đấu tranh liên tục và được công nhân nhà máy Xe lửa Trường Thi, công nhân bốc vác thành phố Vinh hưởng ứng và ủng hộ. Các cuộc đấu tranh của nông dân Thanh Chương biểu tình đòi hoãn thuế, bỏ thuế hoa lợi, nông dân Anh Sơn, Nghi Lộc, Nam Dàn, Quỳnh Lưu biểu tình đòi khất sưu, hoãn thuế… đã lan rộng ra hầu khắp các huyện ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong cuộc vận động 1-8, Đảng Cộng sản hô hào quần chúng đấu tranh theo các khẩu hiệu lớn: “Ủng hộ Liên bang Xô viêt và phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa”, “Đánh đổ đế quốc Pháp, địa chủ và quan làng!”, “Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập”, “Tịch ký hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ bổn xứ và ngoại quốc và đem phát cho dân cày!”|, “Phản đối khủng bố trắng. Thả hết thảy tù chính trị!”, “Mỗi ngày làm tám giờ!”[4].

Tháng 9-1930, phong trào của công nông phát triển tới đỉnh cao. Ngày 1-9, cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra ở Thanh Chương (Nghệ An) có sự tham gia của các đội tự vệ đỏ canh gác để cô lập huyện đường Thanh Chương với các xã và tự vệ các tổng Xuân Lâm, Đại Đồng…, bao vây trấn áp tổng lý ở các làng để cắt đứt liên lạc của địch từ Vinh lên. từ Đô Lương xuống. Cũng ngày này, hơn hai nghìn nông dân có tự vệ hỗ trợ đã biểu tình, giương cao các biểu ngữ yêu cầu thả những công nhân Bến Thủy đã bị bắt, giải tán Hội đồng đề hình đòi được lập hội…; đồng thời kéo về bao vây huyện lỵ, thiêu hủy huyện đường và truy bắt tri huyện phá nhà lao… dẫn đến sự tan rã của chính quyền thực dân ở các làng, xã trong huyện. Khi đó, các ban chấp hành Nông hội đỏ (xã bộ nông) đã đứng lên nắm quyền cai quản nông thôn. Sau cuộc biểu tình ngày 1-9, “trong số 76 lý trưởng (76 làng, xã). Ở Thanh Chương đã có 35 người đem sổ sách và con dấu nộp cho “xã bộ”. Toàn huyện có 65/76 làng, xã có Ban Chấp hành nông hội đỏ nắm quyền cai quản nông thôn”[5].

Các “làng đỏ” đã hình thành ở một số vùng nông thôn Nghệ-Tĩnh. Tại Nghệ An, sau các cuộc biểu tình quyết liệt, đầu tháng 9-1930, chính quyền Xô viết hình thành gần như khắp các làng, xã của huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn… Còn ở Hà Tĩnh, các Xô viết cũng xuất hiện ở nhiều xã của huyện Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… Trong các Xô viết, quần chúng nhân dân tự tổ chức, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội và chính đó là những xô viết đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam – Xô viết Nghệ – Tĩnh.

Trước thực tế, phong trào dâng cao ở Nghệ An- Hà Tĩnh, nhất là việc bạo động lập Xô viết, Trung ương Đảng nhận định chủ trương đó là “chưa đúng hoàn cảnh vì trình độ dự bị của Đảng và quần chúng trong nước chưa đủ, vũ trang bạo động cũng chưa có – bạo động riêng lẻ trong vài địa phương trong lúc bấy giờ là quá sớm, là manh động”[6]. Cho nên, “những chỗ đã lập Xô viết rồi phải huấn chỉnh cho chu đáo, làm sao cho các hạng cố, bần, trung nông hết sức ủng hộ Xô viết và cho Xô viết là chính quyền của mình mới được- Mỗi việc trong làng đều lấy danh nghĩa Xô viết chớ không bao giờ lấy danh nghĩa đảng hay nông hội”[7]. Đồng thời, Trung ương cũng chỉ thị các cấp ủy đảng hai tỉnh vừa phải tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Đảng, của các Xô viết trong lòng quần chúng, vừa phải “tổ chức” lại huyện bộ và cán sự chi bộ dự bị bí mật, còn những đảng bộ bây giờ thì cứ hoạt động công khai”.

 Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm

Xô viết Nghệ-Tĩnh là kết quả cao trào đấu tranh cách mạng của quần chúng  nhân dân và tại các “làng đỏ”- các Xô viết, Ban Chấp hành Nông hội đỏ (xã bộ nông) đã lãnh đạo quần chúng thực thi một số biện pháp đầu tiên của chính quyền cách mạng: 1) Chính quyền thực dân và những luật lệ cũ bị xóa bỏ, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân và mọi người dân đều được tự do thảo luận và góp sức vào công việc chung; 2) Thi hành tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công để chia cho dân cày nghèo, bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối, xóa nợ cho người nghèo, thực hiện giảm tô… 3) Quần chúng nhân dân được hưởng cuộc sống mới, sách báo và tài liệu của cách mạng được phổ biến rộng rãi. Việc học chữ quốc ngữ được coi trọng gắn với đẩy mạnh phong trào bài trừ hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội. 4) Các đội tự vệ đỏ được thành lập để bảo vệ chính quyền nhân dân, giữ gin an ninh trật tự, trấn áp kẻ thù, chống khủng bố. Các tổ chức quần chúng hoạt động mạnh, trong đó phụ nữ và thiếu niên tham gia sinh hoạt đoàn thể và nhiều hoạt động xã hội như tự vệ, liên lạc, tuyên truyền, cổ động, rải truyền đơn; 5) Tình làng nghĩa xóm gắn kết chặt chẽ; trong đó, nhiều hội ái hữu, tương tế được thành lập, người neo đơn, ốm đau được chăm sóc…

Lo sợ trước cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thực dân Pháp đã tiến hành các biện pháp khủng bố dã man. Ngày 12-9, cuộc biểu tình của 8.000 nông dân ở Hưng Nguyên và Nam Đàn bị máy bay ném bom của Pháp sát hại hơn 200 người và làm hơn 100 người bị thương. Những ngày sau đó, nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn vẫn tổ chức biểu tình phản đối hành động dã man của chính quyền thực dân. Công nhân nhà máy khu Vinh – Bến Thủy cũng đấu tranh quyết liệt hơn để đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sa thải công nhân, ủng hộ các cuộc biểu tình của nông dân… Thực hiện: “Tuyên bố về việc bảo vệ Nghệ An đỏ chống khủng bố trắng” của Trung ương Đảng ở Trung Kỳ, Nam Kỳ và Bắc Kỳ, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển rộng lớn, làn sóng biểu tình to lớn diễn ra với nhiều hình thức phong phú, thể hiện tinh thần đoàn kết, ủng hộ, bảo vệ Xô viết Nghệ-Tĩnh, chống “khủng bố trắng” thiết thực, chống chính sách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân phong kiến.

Dù còn sơ khai, song thực sự các Xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã thực thi chức năng của chính quyền nhà nước, tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình, thực sự là một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian không dài do bị chính quyền của thực dân phong kiến địa phương đàn áp song Xô viết Nghệ-Tĩnh với chính quyền kiểu mới thực sự do nhân dân làm chủ vẫn khắc sâu trong tâm trí quần chúng; đồng thời cũng để lại những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo của Đảng ta.

Một là, cao trào cách mạng 1930- 1931 nói chung và Xô viết Nghệ-Tĩnh nói riêng là “tổng diễn tập” đầu tiên của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xô viết đã đánh dấu bước ngoặt phát triển của cao trào cách mạng 1930- 1931, trong đó Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân đã khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của mình. Đồng thời sự phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh cách mạng giữa giai cấp công nhân và nông dân cho thấy vai trò quan trọng của mối liên minh công- nông trong quá trình tập hợp lực lượng cách mạng đấu tranh chống đế quốc và phong kiến ở Việt Nam.

Hai là, cao trào 1930- 1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh là minh chứng cho thấy “dây là lần đầu tiên dân cày, thợ thuyền và lính khố xanh đã siết chặt tay nhau  trên chiến trường, đoàn kết lại để hình thành một đoàn thể duy nhất, một đạo quân duy nhất… Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa dân cày, công nhân Nghệ An và những kết quả đạt được… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh để xóa bỏ các giai cấp, kỷ nguyên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, thói bạo ngược của bọn cường hào quan lại”[8].Đồng thời cũng để lại cho Đảng bài học kinh nghiệm về việc xây dựng chủ trương, đường lối đúng đắn; đề ra khẩu hiệu đấu tranh phù hợp đáp ứng nhu cầu[9] và khát vọng của quần chúng nhân dân, những người đã và đang đói khát, lại phải chịu “sưu thuế nặng nề và nạn áp bức xã hội và chính trị làm cho cảnh ngộ của họ cùng cực hơn”.

Ba là, thông qua cuộc thử lửa đầy gay go, ác liệt này Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ được tôi luyện trong thực tiễn mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo và sức ảnh hưởng trong quần chúng. Thông qua cuộc “tổng diễn tập” này, Đảng rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, nhất là việc cần phải nắm sát tình hình, chuẩn bị tốt lực lượng, đón đúng thời cơ khi tương quan lực lượng cho phép và phải được chuẩn bị chu đáo mới tiến hành khởi nghĩa…

Bốn là, diễn tiến phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng cùng những báo cáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cách mạng Việt Nam nói chung và Xô viết Nghệ- Tĩnh nói riêng đã giúp Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc Quốc tế Cộng sản cùng các đảng cộng sản hiểu rõ hơn về những “biểu hiện của một Đảng Bônsơvich mặc dầu còn ấu trĩ mắc phải tả khuynh và nhiều thiếu sót trong công tác”[10] và phương pháp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Thông qua đó ghi nhận “phong trào cách mạng bồng bột trong cả xứ Đông Dương dã góp phần tăng thêm ảnh hưởng cộng sản trong các xứ thuộc địa nhất là các nước phương Đông”[11], kịp thời cổ vũ, động viên phong trào của quần chúng; đồng thời, đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp, uốn nắn và giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương khắc phục hạn chế trong công tác./.

Hồng Vui // https://nghean.dcs.vn/

———————-

[1], 2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, H.2011, t.3, tr.21,1.

[3] Hồng Thế Công (Hà Huy Tập): Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, 1993, Tài liệu Viện Lịch sử Đảng.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1998, t.2, tr.53-54.

[5] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H.2018, t1, quyển 1 (1930- 1945), tr.188.

[6], 7 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1998, t.2, tr.83, 84.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1998, t.2, tr.61-62.

[9] Hồng Quang: Mấy ý nghĩ về vấn đề nghiên cứu ý nghĩa và tác dụng lịch sử của Xô viết Nghệ Tĩnh. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 35, tháng 2/1962.

[10], 11Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1999, t.1, tr.251, 251.

————————————————————————–

SÁNG MÃI TINH THẦN XÔ VIẾT – NGHỆ TĨNH

Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 – 1931, với đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam. Đánh dấu việc Đảng ta – một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta.

Xô Viết – Nghệ Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu (hatinh.gov.vn).

Cách đây 94 năm, khi Nhân dân ta còn phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” lầm than nô lệ dưới xiềng xích thực dân, phong kiến. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 03/02/1930, vừa mới ra đời Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh, xưa nay chưa từng có trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.

Ngày 01/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ – Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 04/8), Nam Đàn (ngày 06/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh.

Tháng 9/1930, phong trào công – nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết.

Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho Nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý… Chính quyền Xô Viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình – thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân lao động trong cả nước.

Ngay từ khi ra đời, Nông hội đã thực hiện các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội cho nông dân. Những chính sách và biện pháp được các Xã bộ nông – Xô Viết thực hiện đã tạo ra một khí sắc mới trong nông thôn. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng và cách mạng được thể hiện rõ rệt. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để chống lại chính sách khủng bố của đế quốc Pháp, bảo vệ Xô Viết.

Phong trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao Xô Viết – Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Từ phong trào này, lần đầu tiên công nhân và nông dân liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; chính quyền cách mạng ở một số vùng nông thôn đã ra đời. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 – 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”(1).

Từ Xô Viết – Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu của con đường đã lựa chọn.

Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng có tác dụng sâu xa vào tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam trong hiện tại và mãi mãi về sau. Đó là bài học về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; về đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, thường xuyên đấu tranh chống “tả khuynh” và “hữu khuynh” để đảm bảo tính chất giai cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bài học to lớn về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn của Đảng, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học về nghệ thuật sử dụng những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành, giữ chính quyền…

Kỷ niệm 94 năm Ngày Xô Viết – Nghệ Tĩnh là dịp để chúng ta cùng ôn lại một mốc son chói ngời trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bản lĩnh, khát vọng vươn lên của cả dân tộc, khát vọng độc lập tự do, của ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, nhất là tinh thần tiến công cách mạng, huy động sức mạnh toàn dân, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng giàu mạnh trong giai đoạn mới./.

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 10. tr. 9.

————————————————————————–

Giới thiệu Sách:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ XÔ VIẾT – NGHỆ TĨNH CÓ TẠI THƯ VIỆN
  1. 90 năm Xô viết Nghệ – Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử 1930 – 2020
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị Quốc gia sự thật, 2020
  • Ký hiệu xếp giá: 959.703 / CH311M
  • Mô tả vật lý: 823tr., 24cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.016359
  • Tóm tắt: Tập hợp bài viết theo các chủ đề: sự lãnh đạo của Đảng đối với cao trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ – Tĩnh; giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm; phát huy tinh thần Xôviết Nghệ – Tĩnh trong công cuộc đổi mới hiện nay
  1. Xô Viết Nghệ tĩnh
  • Thông tin xuất bản: H.: Sự thật, 1981
  • Ký hiệu xếp giá: 3KV1(V212) / X450V
  • Mô tả vật lý: 110tr., 19cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVN.005616; DVN.005617; Phòng Mượn: MVN.006002; MVN.006932
  • Tóm tắt: Cung cấp một số tư liệu lịch sử phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thông qua đó bước đầu nêu lên một số nhận định về ý nghĩa lịch sử và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của phong trào này
  1. Ngọn cờ Bến Thủy
  • Tác giả: Nguyễn Phúc
  • Thông tin xuất bản: H: Thanh niên, 1975
  • Ký hiệu xếp giá: V24,9(V)1 / NG527P
  • Mô tả vật lý: 155tr., 19cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVN.008792
  • Tóm tắt: Nhắc tới Bến Thủy, người ta nhớ ngay đến bến nước của những chứng tích anh hùng trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nơi thổi bùng ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), “tọa độ lửa” trong những ngày cả nước sục sôi đánh Mỹ giờ đây đang ngân lên “cung đàn xanh” trữ tình. Đã qua đợt nắng quay quắt và gió lào thổi táp mặt, trong sắc biếc mùa thu, hào khí đất trời đang nhập vào dòng chảy lịch sử Bến Thủy. Ngày ấy, những lá truyền đơn với thể lục bát đã trở thành tiếng nói đồng hành của những người cần lao, đau khổ bị áp bức trong đêm dài nô lệ. Họ dám đương đầu với “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng” của ách thống trị thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
  1. Tiếng đàn người hát dạo
  • Tác giả: Trần Thanh Tâm
  • Thông tin xuất bản: H: Thanh niên, 1960
  • Ký hiệu xếp giá: V23 / TR121T
  • Mô tả vật lý: 99tr., 19cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVN.009077
  • Tóm tắt: Tập Tiếng đàn người hát dạo không phải là tài liệu lịch sử về Xô viết Nghệ Tĩnh. Cũng chưa phải hoàn toàn là một tác phẩm thật đúng với ý nghĩa của chữ sáng tác trong văn học. Đây là một số chuyện mà bạn Trần Thanh Tâm, một cán bộ Bảo tồn Bảo tàng, trong quá trình công tác ở Nghệ An, đã sưu tập được, dựa vào những người thật, việc thật của lịch sử mà sắp xếp, hệ thống hoá lại, xây dựng và nâng sự thực ấy lên với ít nhiều tính chất văn học góp phần giúp bạn đọc chúng ta tìm hiểu kỹ về Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.

 

 

Views: 12