Thầy giáo bỏ phố về quê, miệt mài ‘cõng chữ lên non’

Lắng nghe chuyện của những đứa trẻ phải quá giang xe tải đến trường, thầy Phúc tin rằng: Sự cho đi dù không nhiều nhưng đúng thời điểm, vẫn có thể tạo nên giá trị

Bỏ phố về quê, nguyện gắn bó với những “ngôi trường làng”

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, vốn có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn ở thành phố lớn, song, với tình yêu quê hương, tinh thần nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm đam mê nghề giáo, thầy Nguyễn Dương Phúc (sinh năm 1996) đã hạ quyết tâm sẽ gắn bó thanh xuân với những “ngôi trường làng”.

Năm 2017, sau một thời gian giảng dạy chính thức trong một ngôi trường quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Dương Phúc quyết định bỏ lại sau lưng một công việc với nhiều thuận lợi và mức lương hấp dẫn, trở về quê hương, làm việc tại Trường Trung học cơ sở Suối Kiết (xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).

Thầy giáo Nguyễn Dương Phúc – giáo viên Mỹ thuật tại Trường Trung học cơ sở Suối Kiết (xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về quyết định đầy bất ngờ trong mắt bạn bè này, thầy giáo trẻ cho biết: “Ai cũng có một câu chuyện riêng, và tuổi trẻ của chính tôi cũng vậy. Tôi nghĩ, khi đã có những suy nghĩ, những lối đi, thì phải thực hiện để sau này nhìn lại, sẽ không phải hối tiếc về quãng thời gian đó. Và tôi muốn cống hiến tuổi trẻ của mình cho môi trường giáo dục của vùng quê…

Trước đây, tôi vốn là một học sinh “trường làng” hồi còn tiểu học, đến khi lên trung học cơ sở mới bắt đầu được chuyển lên thị xã học. Có lẽ vì thế, phần nào tôi hiểu được sự khác biệt giữa học sinh ở nông thôn và thành phố, hiểu được sự thiếu thốn của những đứa trẻ ở vùng quê… nên mong muốn sẽ dành tuổi trẻ để đồng hành với các em”.

May mắn thay, quyết định ấy nhận được sự ủng hộ của mẹ và chị gái, nên Phúc càng có thêm động lực cống hiến sức trẻ ở quê hương. “Cả mẹ và chị gái đều là những giáo viên đầy nhiệt huyết, là những tấm gương đã đưa tôi đến với cơ duyên học sư phạm và nhen lên ngọn lửa yêu nghề ngày càng nồng nhiệt” – Phúc tâm sự.

“Những ngày đầu mới về, thực sự tôi cũng có chút lạ lẫm vì đột ngột đổi từ môi trường quốc tế với những trang thiết bị hiện đại về một ngôi trường thậm chí còn những khoảng sân đất hay vẫn dùng những bộ bàn ghế cũ từ hồi xưa… Tuy nhiên, càng lúc tôi càng yêu những hình ảnh bình dị nơi đây, cũng như yêu những đổi thay từng ngày khiến diện mạo của ngôi trường đang dần trở nên khang trang hơn” – thầy Phúc không ngần ngại giãi bày.

Thầy Phúc trong một chuyến thiện nguyện “cõng chữ lên non”. Ảnh: NVCC.

Gần 7 năm gắn bó với Trường Trung học cơ sở Suối Kiết, thầy Phúc đã có không ít kỷ niệm với môi trường nơi đây. Lớp học của thầy Phúc thường có 25-30 học sinh, trong đó, nhiều học sinh là dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có những ngày, thầy Phúc cũng phải đến tận nhà để vận động học sinh đi học. Đối với thầy giáo trẻ, đó cũng là một trong những trải nghiệm đáng nhớ.

Chính sự hồn nhiên, ngây ngô trong đáy mắt của những đứa trẻ nơi đây đã khiến thầy giáo Phúc ngày một trưởng thành hơn, ngày một yêu nghề hơn và khát khao “chắp cánh cho những thế hệ học trò” ngày càng lớn hơn.

“Cõng chữ lên non” đến với học sinh vùng cao

Không chỉ là một giáo viên trẻ năng động và yêu nghề, thầy giáo Nguyễn Dương Phúc được biết đến là người lên ý tưởng cho dự án “Cõng chữ lên non” được triển khai từ tháng 3/2022, nhằm tiếp sức đến trường cho trẻ em vùng cao.

Nhớ lại những hành trình đầu tiên, thầy Phúc dường như vẫn không giấu nổi cảm xúc của mình: “Từ khá lâu trước đây, tôi vẫn luôn muốn tham gia các hoạt động có ý nghĩa, và vì bản thân là thầy giáo, nên tôi ưu tiên bắt đầu sự chia sẻ và lan tỏa từ chính những em học sinh. Dự án “Cõng chữ lên non” được ra đời từ những suy nghĩ đó.

Trên khắp dải đất hình “chữ S” này, ở đâu cũng sẽ có những hoàn cảnh khó khăn, ở đâu cũng sẽ có những đứa trẻ thiệt thòi hơn trong cơ hội tiếp cận với giáo dục… nhưng Phúc muốn chọn những ngôi trường ngay tại quê hương của mình làm điểm dừng chân trong những hành trình đầu tiên”.

Dự án “Cõng chữ lên non” đã được thầy giáo Nguyễn Dương Phúc triển khai tại hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận và một chuyến “cõng chữ” lên tỉnh miền núi Sơn La… Tính đến nay, dự án đã trao tặng hơn 2.000 phần quà đến học sinh. Thời gian đầu triển khai dự án, thầy Phúc hoàn toàn tự bỏ tiền túi để giúp đỡ học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng, tặng dụng cụ học tập và nhu yếu phẩm… Sau này, kêu gọi được nhiều nhà tài trợ lớn cùng sự chung tay của một số gương mặt nổi tiếng, dự án hướng tới giúp đỡ thêm nhiều học sinh ở nhiều ngôi trường hơn.

Chuyến “cõng chữ lên non” tại Sơn La của thầy Phúc. Ảnh: NVCC.

Tháng 5/2022, thầy Phúc phối hợp với Xã đoàn Đức Phú (huyện Tánh Linh) đến thăm Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Tà Pứa, và trao tặng 6 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gần 160 phần quà và tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh cùng giao lưu.

Ấn tượng nhất của thầy giáo trẻ trong chuyến đi ấy, có lẽ là khi được lắng nghe những câu chuyện sẻ chia từ chính các em học sinh.

Trao tặng xe đạp cho học sinh Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Tà Pứa, thầy Phúc được lắng nghe những câu chuyện của các em học sinh phải quá giang xe tải để đến trường. Ảnh: NVCC.

“Thú thực, nơi tôi công tác vẫn chưa lấy gì làm khó khăn, khi đặt chân đến Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Tà Pứa chỉ cách đó độ mấy chục cây số. Các em học sinh ở đây hầu hết chỉ có thể đi bộ đi học, có những em nhà xa nhưng không có điều kiện để sắm một chiếc xe cho riêng mình, phải quá giang xe tải để đến trường… Nghe những câu chuyện như vậy, tôi thấy thương các em nhiều… Song, bên cạnh đó, cũng có thêm động lực để làm những điều ý nghĩa. ‘Sự cho đi dù không nhiều nhưng đúng thời điểm thì vẫn có thể tạo nên giá trị’ – tôi thầm nhủ như vậy và tiếp tục những hành trình…” – thầy Phúc nhớ lại.

Có lẽ chính điều đó đã thôi thúc thầy giáo Nguyễn Dương Phúc nghĩ đến ngày càng nhiều dự án hơn để lan tỏa những giá trị trong tầm tay.

Những ngày đầu tháng 6/2023, thầy Phúc đã lên kế hoạch cho những chuyến đi “Tô màu vùng xa”, thay đổi diện mạo cho những ngôi trường vùng cao, vùng xa thuộc huyện Tánh Linh và huyện đảo Phú Quý.

Thầy Phúc lên ý tưởng cho dự án “Tô màu vùng xa”, thay đổi diện mạo cho những ngôi trường vùng cao, vùng xa. Ảnh: NVCC.

Mỗi tuần, thầy Phúc cùng những người bạn đồng hành sẽ đặt chân đến một ngôi trường mới và dành khoảng 3-5 ngày để cùng vẽ lên những bức tranh đầy màu sắc, sống động, với mong muốn sẽ làm mới không gian, khiến các em học sinh thêm yêu trường lớp, để các em cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Điểm dừng chân đầu tiên của “Tô màu vùng xa” là Trường Tiểu học Măng Tố, tiếp đến là Trường Mẫu giáo Suối Kiết tại huyện Tánh Linh.

Nhắc đến những kỷ niệm khó quên khi thực hiện dự án, thầy giáo Nguyễn Dương Phúc tâm sự: “Kỷ niệm thì có kể mãi cũng không hết, nhưng với Phúc, vui nhất là khi hành trình của cả nhóm rất được đón nhận, các em học sinh tíu tít đến trường xem chúng tôi vẽ tường, có những em còn hào hứng tham gia cùng tô màu, góp phần tạo nên bức tranh đẹp với những gam màu yêu thích.

Các em học sinh cũng hào hứng tham gia tô màu để thay đổi diện mạo những bức tường cũ của nhà trường. Ảnh: NVCC.

Cả nhóm đã có những ngày bận rộn thật ý nghĩa, có khi vẽ tới 12 giờ đêm nhưng không có ai cảm thấy mỏi mệt gì, sáng sớm hôm sau đã lại tiếp tục dù trời nắng hay mưa…

Nhìn ánh mắt trong veo và nụ cười hồn nhiên của các em học sinh khi reo vui với những bức tranh tường sống động, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn động lực lớn”.

Một góc tranh tường hoàn thiện với những hình ảnh gần gũi, thân thương với học sinh. Ảnh: NVCC.

Những nguồn động lực ấy đã khiến thầy giáo Nguyễn Dương Phúc nối dài những chuyến đi, những dự án thiện nguyện của mình.

Muốn tạo động lực cho học trò

Sau gần 7 năm gắn bó với ngôi trường nơi quê hương, thầy Phúc đang ngày càng được học sinh yêu mến, không chỉ bởi sự trẻ trung, năng động và hài hước, mà còn là chính những trải nghiệm cuộc sống mà thầy chia sẻ.

“Trong số các em học sinh của tôi, có những em rất yêu thích và muốn đi theo nghề giáo. Tôi rất vui vì điều đó. Song, tôi cũng luôn phải nhắc nhở các em: Đã yêu nghề giáo thì sau này, dù có gặp khó khăn, vất vả gì phía trước, hãy dũng cảm bước qua. Có thể các em không thể làm giàu về của cải vật chất chỉ với nghề giáo, nhưng đó là một nghề thiêng liêng, cao quý, sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho các thế hệ học trò, và cho chính các em.

Nhắn nhủ vậy thôi, chứ thực tế hiện nay, các em học sư phạm xong cũng có rất nhiều cơ hội việc làm có thu nhập hấp dẫn, nhất là tại các trường ngoài công lập, các trường quốc tế… nên chắc chắn các em sẽ có nhiều lựa chọn trong tương lai” – thầy Phúc hóm hỉnh chia sẻ.

Nhận xét về thầy giáo Phúc, thầy Võ Văn Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Suối Kiết cho biết: “Thầy Nguyễn Dương Phúc là một thầy giáo trẻ nhiệt huyết, đam mê với nghề. Thầy Phúc luôn năng động, sáng tạo trong các hoạt động của nhà trường. Đối với các dự án, hoạt động thiện nguyện của thầy Phúc, Ban Giám hiệu và các thầy cô trong trường luôn sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện về mặt thời gian để thầy có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, vừa tham gia hoạt động xã hội.

Bên cạnh những chuyến đi đến các trường học vùng xa, hằng năm, thầy Phúc cũng trích kinh phí, trao tặng học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ngay tại trường”.

Ngân Chi // https://giaoduc.net.vn

Views: 373