Khai thác tiềm năng, phát triển bền vững nghề cá

Nhờ khai thác tốt lợi thế và sự đầu tư phát triển đúng hướng ngành thủy sản, tỉnh Bình Thuận đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước.

30 năm qua từ khi tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022), cùng với sự đổi mới của tỉnh Bình Thuận, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh, ổn định, vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tàu cá của ngư dân Bình Thuận. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh/TTXVN

Khai thác tối ưu lợi thế 

Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, với chiều dài bờ biển trên 192 km, vùng biển rộng 52.000 km2, tiếp giáp và liên thông với các ngư trường lớn, có nguồn lợi thuỷ sản đa dạng về chủng loại và trữ lượng, với nhiều loài hải đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao; đặc biệt do chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản.

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ sau khi tái lập tỉnh Bình Thuận (năm 1992) đến nay, thực hiện các Nghị quyết, chương trình phát triển thủy sản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành thủy sản Bình Thuận đã từng bước cơ cấu lại toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành và đạt được những kết quả tích cực.

Bình Thuận hiện có hàng nghìn tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên. Đội tàu khai thác xa bờ tiếp tục gia tăng, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, có đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục nghìn lao động biển.

Hiện nay, phần lớn tàu cá đều được trang bị an toàn và ứng dụng trang thiết bị hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu… góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 225 nghìn tấn (tăng gần 3 lần so năm 1992); trong đó, sản lượng khai thác vùng khơi, xa bờ chiếm trên 52%. 

Những năm gần đây, mặc dù, giá cả của nhiều vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào của sản xuất biến động không ngừng, thời tiết khắc nghiệt đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khai thác trên biển. Tuy nhiên, ngư dân Bình Thuận khắc phục khó khăn, vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển.

Ông Phan Văn Tình, ngư dân thành phố Phan Thiết cho biết, nghề đi biển vốn nhiều rủi ro, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên chuyến được, chuyến mất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc đánh bắt không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán thủy hải sản, cải thiện thu nhập mà còn bởi đây là nghề truyền thống lâu đời của gia đình. 

Cùng với sự nâng cao năng lực khai thác, Bình Thuận chú trọng tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản theo hình thức tổ, đội, nghiệp đoàn được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/ 982 thuyền/ 4.910 lao động và 5 nghiệp đoàn khai thác hải sản, góp phần giúp ngư dân hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Sau 30 năm, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chuyển dần theo hướng thâm canh công nghiệp, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, sản xuất tôm giống được hình thành và trở thành lợi thế nổi trội, có uy tín về chất lượng trên thị trường cả nước. Sản lượng tôm giống năm 2021 đạt 26 tỷ post. 

Chế biến thủy sản từng bước phát triển và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng năm, có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 231 cơ sở thủy sản; trong đó có 28 doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp, ủy thác xuất khẩu sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng qua các năm. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt hơn 170 triệu USD, chiếm 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. 

Hướng đến phát triển bền vững nghề cá 

Quyết tâm chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, nhiều giải pháp về phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là ngăn chặn tàu khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài hiện được tỉnh Bình Thuận thực hiện quyết liệt. Mọi nỗ lực đều hướng đến phát triển một nghề cá bền vững. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp khắc phục tình trạng không kiểm soát được tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, hạn chế các hoạt động khai thác bất hợp pháp, nhất là tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tính đến tháng 3/2022, Bình Thuận có 98% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên lắp đặt đạt tỷ lệ 100%. Nhờ đó, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Thái, ngư dân thành phố Phan Thiết cho biết, việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá không chỉ làm theo quy định của Luật Thủy sản mà thiết bị này còn trở thành những người bạn đồng hành của ngư dân trong mỗi chuyến biển bởi nó giúp ngư dân biết vị trí, vùng biển đang khai thác. Cùng với đó, mỗi chuyến khai ông đều ghi, nộp sổ nhật ký khai thác khi cập cảng theo quy định.

Hiện nay, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý tái diễn trở lại tại một số địa phương sau hơn 2 năm được kiểm soát. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài được tỉnh thực hiện quyết liệt.

Tại thị xã La Gi, từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đã có 3 trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, điều này đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung chống khai thác IUU của địa phương và của tỉnh. Để chấm dứt tình trạng, Thị ủy La Gi yêu cầu Đảng ủy, UBND các phường, xã, các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân thị xã khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Người đứng đầu cấp ủy, UBND các phường, xã, các ngành và các cơ quan chức năng liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thị ủy nếu để tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn quản lý tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép từ tháng 2/2022 trở đi.

Cùng với việc tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trước cộng đồng, Thị ủy La Gi yêu cầu các lực lượng tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm IUU để răn đe, giáo dục. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2022, Bình Thuận tiếp tục bám sát khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC, nỗ lực triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp về chống khai thác IUU; đồng thời tăng cường kiểm tra đối với tàu cá rời cảng, cập cảng và giám sát sản lượng hải sản khai thác đối với tàu cá cập cảng trong tỉnh; xác nhận, chứng nhận thủy sản đầy đủ, chính xác hơn theo quy định; đảm bảo thực hiện tốt cập nhật thông tin quản lý tàu cá lên phần mềm Vnfishbase…

Hồng Hiếu // https://baotintuc.vn/.- 2022 (ngày 1 tháng 4)

 

Views: 1