Nhà báo vĩ đại, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Trước khi trở thành lãnh tụ của Đảng ta, nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một nhà báo cách mạng. Quan điểm nhất quán về báo chí của Người là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Và viết như thế nào?” – những tư tưởng, những bài học về làm báo và nghề báo của Người vẫn còn nguyên tính thời sự đối với người làm báo hiện nay.
Nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
Theo các tài liệu được công bố, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó với báo chí, coi báo chí là phương tiện để tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng cách mạng nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả. Trong mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng, Người đều sáng lập, trực tiếp quản lý, viết báo. Từ tháng 3/1922 lúc còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1/1941, Người đã sáng lập, trực tiếp tổ chức, viết, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo chủ lực: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh niên, Công nông, Lính kách mệnh, Thân ái, Đỏ, Việt Nam độc lập và Cứu quốc. Tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập là Le Paria xuất bản ở Paris (Pháp). Nhưng tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản bằng tiếng Việt là tờ Thanh niên.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và thành lập Báo Thanh niên. Báo Thanh niên số đầu tiên ra ngày 21/6/1925 (sau này, ngày 21/6 được lấy là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam), đến tháng 4/1927 ra được 88 số bằng tiếng Việt. Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận. Báo Thanh niên xuất bản tại Quảng Châu nhưng được bí mật chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thủy, lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc… Nội dung chính trị cơ bản của Báo Thanh niên là vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được; khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng.
Từ năm 1926 – 1930, Bác sáng lập các tờ báo khác như: Công nông (1926); Lính kách mệnh (xuất bản năm 1927, là tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay); tạp chí Đỏ (1930). Đầu năm 1941, Bác về nước, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập tờ báo Việt Nam độc lập năm 1941 và báo Cứu quốc năm 1942.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) ngừng xuất bản. Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân – một cơ quan ngôn luận thiết thực hơn, gần gũi hơn, sâu rộng hơn – và số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Bác còn viết và có hơn 1.200 bài đăng trên Báo Nhân Dân với nhiều bút danh khác nhau.
Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Bác đã viết, đăng hơn 2.000 bài viết. Bài viết cuối cùng của Người với tiêu đề “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25/8/1969 chỉ trước khi Người mất 1 tuần. Trọn cuộc đời, từ khi còn là một thanh niên yêu nước, sống bằng nhiều nghề để hoạt động cách mạng, cho đến khi là một lãnh tụ, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đều gắn bó với báo chí và viết báo không ngừng nghỉ.
Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí là để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Ngay ở thời điểm Việt Nam chưa có các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp như hiện nay, Bác đã thể hiện những quan điểm khoa học và hiện đại về làm báo. Bác nói: Là người viết, phải luôn quan tâm đến các câu hỏi “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Và viết như thế nào?”. Những câu hỏi này cũng trùng với lý luận báo chí hiện đại ngày nay. Trên thực tế cho thấy, nếu mỗi tin, bài đều trả lời được những câu hỏi mà Bác đã đặt ra thì đó thực sự đã là những tin, bài báo có chất lượng. Nếu mỗi phóng viên luôn ghi nhớ và luôn áp dụng tuyệt đối việc trả lời 4 câu hỏi trên, chắc chắn sẽ nhanh chóng trưởng thành trong nghề viết.
Người cũng nhắc nhở “Mỗi tờ báo nên có đặc điểm riêng của nó”. “Viết báo phải có căn cứ”, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Không được vội vàng, mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ. Sau hơn nửa thế kỷ, suy nghĩ về những điều Người nhắc nhở đối với người làm báo, chúng ta vẫn thấy còn nguyên tính thời sự. Bởi trên thực tế những năm qua cho thấy, báo chí càng phát triển, càng hiện đại thì dường như bản sắc, tôn chỉ, đặc điểm riêng của mỗi tờ báo ngày càng mờ nhạt. Trên các tờ báo, thông tin bị trùng lắp, báo này “xào” lại tin, bài của báo kia với mật độ khá cao. Và cũng có không ít người làm báo, cơ quan báo chí để lọt các bài viết vội vàng, không có tìm hiểu thực tế rõ ràng, thiếu căn cứ, mang tính chất quy chụp làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của tổ chức, cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người từng căn dặn: “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”. Mỗi người làm báo ngày nay không chỉ có cây bút và trang giấy, họ đã có những trang thiết bị hiện đại hơn hỗ trợ đắc lực cho nghề nghiệp, song đạo đức vẫn là cơ sở, là tài sản quý, bất biến đối với người làm báo. Có đạo đức để chúng ta không bị sa ngã, bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất trước mắt, quên đi đạo đức nghề nghiệp, mà như lời Bác dạy, là người làm báo phải luôn tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, vì dân, vì nước.
95 năm kể từ ngày tờ báo cách mạng đầu tiên ra số đầu, hơn nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, đội ngũ những người làm báo cũng không ngừng trưởng thành. Bằng tất cả tình cảm và lòng kính yêu dành cho người thầy vĩ đại, nhà báo Hồ Chí Minh đã trao truyền cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo Việt Nam hôm nay vẫn luôn nỗ lực học tập và làm báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng nền báo chí vì nhân dân, vì Tổ quốc trường tồn.
(Sưu tầm)
Views: 751