Chuyên gia gợi ý năm cách để bạn sống “xanh” và bền vững hơn…
Thông tin tuyên truyền: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
CHUYÊN GIA GỢI Ý NĂM CÁCH ĐỂ BẠN SỐNG “XANH” VÀ BỀN VỮNG HƠN…
Những thay đổi nhỏ trong cách ăn uống, đi lại, sử dụng năng lượng, mặc quần áo và quản lý rác thải có thể giúp cuộc sống hằng ngày của bạn “xanh” hơn.
“The People’s Climate Vote” – một cuộc thăm dò dư luận về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc thực hiện – nhấn mạnh rằng người dân trên toàn thế giới thừa nhận biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và đồng ý rằng chúng ta nên làm mọi điều cần thiết để ứng phó.
Mọi người đang dần hướng đến lối sống bền vững hơn, nhưng nhiều người cảm thấy khó thay đổi thói quen và thường không biết bắt đầu hành trình bền vững của mình từ đâu.
Nếu bạn đang muốn cuộc sống của mình “xanh” hơn vào năm 2024, dưới đây là một số thay đổi mà bạn có thể thực hiện – theo lời khuyên của các nhà khoa học môi trường tại Anh.
Những gợi ý của của Ian Williams – Giáo sư Khoa học Môi trường Ứng dụng và Alice Brock – Ứng cử viên Tiến sỹ Khoa học Môi trường tại Đại học Southampton, được đăng tải trên trang The Conversation như sau:
Ăn uống
Chúng ta vứt bỏ 1 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm. Chất thải thực phẩm thường tạo ra khí methane – một loại khí nhà kính mạnh hơn carbon dioxide.
Có những thay đổi đơn giản mà bạn có thể thực hiện để ăn uống một cách bền vững hơn (và thường với chi phí thấp hơn). Bạn có thể ăn ít thịt và ăn nhiều thực vật hơn, đặc biệt là đậu và rau xanh. Đậu không cần phân đạm (một phần được sản xuất từ khí tự nhiên) nhờ khả năng chuyển đổi nitơ từ không khí thành chất dinh dưỡng.
Không ăn thịt một ngày mỗi tuần sẽ là một khởi đầu tốt. Ăn những món “giả thịt” đã qua chế biến có thể là bước đệm hướng tới lối sống dựa vào thực vật nhiều hơn, mặc dù chúng tương đối đắt tiền.
Lên kế hoạch trước cho bữa ăn và đảm bảo ăn hết thức ăn thừa sẽ giúp bạn giảm lãng phí không cần thiết. Và hãy sử dụng lò vi sóng để nấu ăn nếu có thể vì nó tiết kiệm năng lượng hơn so với nấu trên bếp.
Bạn không cần phải làm tất cả những điều trên – hãy chọn những thứ phù hợp nhất với bạn.
Đi lại
Tất cả chúng ta đều cần phải đi lại – đi làm, đi học, đi học hay đến cửa hàng. Đi lại bền vững là một hành động cân bằng.
Lựa chọn cách di chuyển tích cực – đi bộ hoặc đạp xe – là lựa chọn xanh nhất, giúp chúng ta và con cái chúng ta khỏe mạnh hơn trong khi không tạo ra khí thải carbon. Hãy thử thay thế một hoặc hai chuyến đi ôtô mỗi tuần bằng các lựa chọn di chuyển “tự thân vận động” nếu có thể.
Ở các khu vực thành thị, nơi bạn di chuyển quãng đường ngắn hơn, cách “tự thân vận động” thường nhanh hơn và rẻ hơn so với di chuyển bằng ôtô. Nó cũng làm giảm tắc nghẽn, một nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí đô thị.
Đối với những chuyến đi dài hơn, đi tàu hỏa hoặc xe buýt sẽ thân thiện với môi trường hơn so với ôtô riêng và máy bay. Nhưng bạn thường phải lên kế hoạch trước để có được vé rẻ nhất.
Sử dụng năng lượng
Năng lượng chúng ta dùng ở nhà ngày càng trở nên đắt đỏ và là tác nhân góp phần đáng kể vào tình trạng phát thải khí nhà kính. Thực hiện những thay đổi nhỏ trong việc sử dụng năng lượng hằng ngày có thể giúp chúng ta tạo ra sự khác biệt lớn, cả về lượng khí thải cũng như hóa đơn năng lượng trong gia đình.
Hầu hết những thay đổi này đều dễ dàng và thuận tiện: Tắt đèn khi rời khỏi phòng, đậy vung nồi khi nấu thức ăn, giảm bớt 1 độ C nhiệt độ trong nhà, dùng nước lạnh hơn để giặt quần áo và rửa đồ sành sứ.
Bạn cũng có thể tắm nhanh hơn, rút phích cắm lò vi sóng khi không sử dụng và bộ sạc khi thiết bị đã được sạc đầy, và thay thế bóng đèn Halogen hỏng bằng đèn LED hiệu quả hơn.
Dùng dữ liệu được ghi lại bằng thiết bị đo lường thông minh (nếu có) để theo dõi việc sử dụng năng lượng có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi này.
Quần áo
Mọi người thích mua quần áo mới. Nhưng “thời trang nhanh” có chi phí xã hội và môi trường cao đáng kinh ngạc. Ngành thời trang tạo ra hơn 92 triệu tấn rác thải mỗi năm, phần lớn trong số đó được đốt, đưa đến bãi rác hoặc xuất sang các nước đang phát triển.
Có rất nhiều cách để bạn mặc vừa “thời trang” vừa bền vững. Bạn hãy bắt đầu bằng cách sắp xếp tủ quần áo để biết mình có những gì trước khi mua sắm và bất cứ thứ gì bạn sắp mua sẽ phù hợp với những gì bạn hiện có.
Đừng vứt bỏ những món đồ bị hư hỏng – có rất nhiều video trên YouTube giúp bạn sửa chữa quần áo và phụ kiện. Bạn thậm chí có thể làm cho quần áo của mình trở nên cá tính hơn với những phương pháp sửa chữa như Sashiko – một nghệ thuật khâu vá truyền thống của Nhật Bản.
Mua đồ cũ sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền. Bạn cũng có thể trao đổi quần áo bạn không còn mặc đến với bạn bè và gia đình hoặc tại các cửa hàng trao đổi. Ngoài ra, bạn có thể mua quần áo ít hơn nhưng chất lượng cao hơn. Những món đồ chất lượng thường sẽ bền hơn và dùng được lâu hơn.
Quản lý chất thải
Chúng ta tạo ra hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn đô thị trên toàn thế giới mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng 70% vào năm 2050. Chúng ta có thể giảm lượng rác thải bằng rất nhiều thay đổi nhỏ.
Viết một danh sách mua sắm có thể làm giảm tình trạng mua quá mức và mua sắm bốc đồng. Mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm. Có rất nhiều nơi để mua thực phẩm mà không cần đóng gói quá nhiều như các cửa hàng không rác thải – nơi khách hàng được khuyến khích sử dụng hộp đựng từ nhà để “nạp” thêm thực phẩm.
Hãy chắc chắn rằng bạn biết những gì bạn có thể tái chế ở nơi bạn sống. Giảm chất thải giúp tiết kiệm tài nguyên quý giá cũng như giảm ô nhiễm và chi tiêu hằng tuần của bạn. Bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống, chúng ta có thể cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững hơn./.
// https://www.vietnamplus.vn/
Views: 0