Hiệu quả từ mô hình trồng mít siêu xốp

Do địa hình có nhiều đồi núi dốc và khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn thường xuyên kéo dài nên một số cây trồng không phù hợp, hiệu quả năng suất thấp đã được bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận chuyển đổi thay thế bằng mô hình trồng mít siêu xốp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn mít siêu xốp kết hợp trồng bắp lai của gia đình chị Đào Thị Ngọc Tha. Ảnh: Xuân Hải

Những ngày giữa tháng 6, tôi có dịp trở lại xã Phan Lâm. Trước đó hơn một tháng, những cơn mưa liên tiếp đã rải đều khắp các địa bàn trong tỉnh. Vậy nên, thời điểm này, trên các cánh đồng, nhiều loại cây trồng trước kia như bắp, sắn, lúa, mè đã được bà con thay thế bởi những vườn mít xanh tốt. Hỏi một số người dân lao động đang làm việc trong các khu vườn thì họ cho hay, loại mít họ đang trồng là mít siêu xốp, xuất xứ từ Đồng Nai, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Mang Xoa, Bí thư Đảng ủy xã Phan Lâm chia sẻ: Phan Lâm có diện tích đất tự nhiên khá lớn, nhưng có nhiều diện tích đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng kéo dài gây khô hạn, mùa mưa lại gây ngập úng những vùng trũng. Vì thế, muốn trồng cây gì hay nuôi con gì cần phải tính kỹ để hướng dẫn cho bà con phát triển kinh tế. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với thổ nhưỡng để mọi người trong xã học tập và làm theo, như mô hình chăn nuôi bò, dê, trồng tre lấy măng, trồng xoài, chuối, mít, bắp lai, lúa… Một số diện tích cây trồng đạt năng suất thấp đã được nhiều hộ gia đình chuyển đổi sang trồng mít siêu xốp vì nó vừa phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng ở Phan Lâm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình này hứa hẹn sẽ giúp nhiều hộ gia đình nơi đây trở nên khá giả trong thời gian tới.

Phan Lâm là một trong 4 xã vùng cao của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nằm giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn xã có 8 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, gồm: Rắc Lây, K’ho, Chăm, Kinh, Nùng, Hoa, Châu Ro, Chu Ru với 639 hộ/2.582 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân ở Phan Lâm chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Những năm gần đây, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, do đã biết sử dụng đồng vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Ông Mang Ngọc Văn, một cán bộ xã nghỉ hưu là một trong những hộ đầu tiên được Hội Nông dân xã Phan Lâm hỗ trợ 70 cây giống mít siêu xốp cách đây 5 năm cho biết, sau khi nhận cây giống do Hội Nông dân hỗ trợ, trồng được hơn nửa năm, thấy mít lớn nhanh mà chăm sóc cũng đơn giản, nên gia đình ông đã mua giống trồng thêm. Hiện, gia đình ông đã trồng được 1.400 cây, trong đó, có 800 cây đã cho thu hoạch được 2 năm. Ông cho biết, nhiều bà con ở đây trồng mít siêu xốp vì giá của mỗi cây mít giống cũng không đắt lắm, chỉ khoảng 30.000 đồng/cây và khi trồng khoảng cách hàng cây là 5m, nên trong thời gian chờ mít lớn, người dân vẫn trồng được các loại cây hoa màu như lúa, ngô, bí, mè… mà không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng. Hơn nữa, trồng mít chủ yếu sử dụng phân chuồng sẵn có tại chỗ nên không mất nhiều vốn đầu tư, chăm sóc cũng thuận tiện, vào mùa nắng, mỗi tuần, bà con chỉ tưới nước một đến hai lần cho mít là được.

Giống như gia đình của ông Văn, gia đình chị Đào Thị Ngọc Tha trồng 3 mẫu đất mít siêu xốp kết hợp với trồng bắp lai. Chị Tha cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi bán 30 quả mít được hơn 10 triệu đồng, khi nhận tiền, tôi cảm thấy bất ngờ, bởi hồi trước trồng lúa, trồng bắp cả mùa, khi trừ các khoản chi phí, cũng chỉ được chừng ấy tiền mà lại vất vả. Năm nay, mít chưa lớn mà đã có nhiều người gọi điện đặt mua rồi, vui lắm”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, hiện nay, mô hình trồng mít siêu xốp đang được nhân rộng ở xã Phan Lâm. Cả xã có trên 50 hộ gia đình trồng mít siêu xốp, nhà nào trồng nhiều thì trên vài ngàn cây, nhà nào trồng ít cũng vài trăm cây. Khi đến tham quan các vườn mít ở đây, tôi nhận thấy niềm vui tươi, phấn khởi kỳ vọng loại cây này sẽ giúp gia đình họ có cuộc sống ấm no, đủ đầy trên chính quê hương của mình.

Xuân Hải // https://www.bienphong.com.vn/.- 2021 (ngày 10 tháng 7)

 

Views: 7478