Hiểu về Hiệp định Paris qua những cuốn sách
Các cuốn sách là nguồn tư liệu phong phú và quý giá về một trong những cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Ngày 27/1/1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ và các quân đội liên quan khỏi miền Nam Việt Nam.
Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết hiệp định, nhiều tác phẩm đã được xuất bản hoặc tái bản để độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn về một trong những cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
“Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoạt động ngoại giao của ta phong phú, đa dạng. Nhà nước ta đã cử đại biểu dự nhiều hội nghị quốc tế. Hình như chưa một hội nghị nào kể trên được thuật lại từ đầu chí cuối và in thành sách. Những người quan tâm đến hoạt động đối ngoại cho đó là một thiệt thòi lớn”, tác giả Nguyễn Thành Lê, viết trong Lời nói đầu của tác phẩm Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam (1968-1973).
Tác giả Nguyễn Thành Lê là người đã có vinh dự là nhân chứng lịch sử, thành viên kiêm phát ngôn báo chí của Đoàn đàm phán đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về các sự kiện, diễn biến xoay quanh cuộc đàm phán Paris về Việt Nam.
Nội dung cuốn sách gồm 2 phần. Phần 1 trình bày bối cảnh và cuộc đàm phán chính thức đòi Mỹ chấm dứt ném bom và các hành động chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ ngày 10/5/1968 đến ngày 31/10/1968). Phần 2 nói về hội nghị bốn bên và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (từ ngày 18/1/1969 đến ngày 27/1/1973). Trong lần tái bản kỷ niệm 50 năm ký kết hiệp định, tác phẩm được bổ sung thêm hai bài của tác giả viết về cuộc đàm phán Paris, đăng trên báo Nhân dân.
Cũng trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao xuất bản cuốn sách ảnh Hiệp định Paris 1973 – Bước ngoặt tiến tới hòa bình nhằm ôn lại một sự kiện quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Được biên soạn và xuất bản vào những ngày đầu tiên của năm mới 2023, Hiệp định Paris 1973 – Bước ngoặt tiến tới hòa bình kể lại bằng hình ảnh cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Cuốn sách có bài viết của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, 1 trong 4 trưởng đoàn đã tham dự đàm phán và đặt bút ký bản Hiệp định lịch sử. Với những tư liệu lịch sử quý, sách dày 196 trang in trên giấy chất lượng cao, được trình bày song ngữ Việt – Anh. Tác phẩm nhằm giúp độc giả Việt Nam và cả độc giả trên thế giới hiểu thêm về bối cảnh cũng như những cảm xúc của người trong cuộc về cuộc đấu trí đầy cam go, cân não trong quá trình đàm phán với đoàn Chính phủ Mỹ.
Được ra mắt vào dịp kỷ niệm 45 năm ký Hiệp định Paris, cuốn sách Hội nghị Pari – Cánh cửa đến hòa bình là một tập hợp từ những tài liệu được lưu trữ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các cơ quan trung ương thuộc chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.
Cuốn sách được biên soạn theo trình tự thời gian, được chia thành ba phần kéo dài từ sau Hiệp định Geneve năm 1954 đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất diễn ra vào tháng 7/1976, tương ứng với ba giai đoạn: Đường đến Hội nghị Paris, Hội nghị Paris – cánh cửa đến hòa bình và Từ Hội nghị Paris đến Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Ngoài ra, tác phẩm còn bao gồm nhiều hình ảnh gốc chụp lại các tài liệu về Hội nghị Paris của các bên tham gia – những thông tin ghi dấu một chương vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tác phẩm Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris do các tác giả Lưu Văn Lợi (Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và Nguyễn Anh Vũ (Nguyên Đại sứ tại Italy) biên soạn, được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết.
Cả hai tác giả đều là những cán bộ ngoại giao lâu năm, từng tham gia theo dõi, nghiên cứu các chủ trương và hoạt động đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Đồng chủ biên Lưu Văn Lợi còn là một chuyên viên trong đoàn đàm phán của Lê Đức Thọ và Xuân Thủy với đoàn của Mỹ do Henry Kissinger dẫn đầu tại Paris.
Tác phẩm giới thiệu những cuộc vận động ngoại giao của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, nêu lên những sự kiện chính liên quan tới những cái được gọi là “sáng kiến hòa bình” của Johnson trong những năm 1964-1967, trước Hội nghị Paris.
Bên cạnh đó, cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu phong phú và quý giá, lần đầu tiên được công bố về các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều cán bộ ngoại giao nước ta với các chính khách và nhà ngoại giao nhiều nước khác nhau.
Cuốn sách Hiệp định Pari – 40 năm nhìn lại được xuất bản trên cơ sở chọn lọc những tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước tại Hội thảo khoa học cùng tên do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Các tác giả đã đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử, diễn biến của quá trình đàm phán, vai trò và những tác động của cuộc hội đàm hòa bình đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta cũng như đối với dư luận tiến bộ trên thế giới.
Xuyên suốt nội dung cuốn sách là sự khẳng định: thắng lợi của Hiệp định Paris là thắng lợi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, là cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Đông Miên // https://zingnews.vn
Views: 6333