Công tác xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên thông tin tại Thư viện tỉnh Bình Thuận
Công tác xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên thông tin trong thư viện bao gồm việc chọn lọc, thu thập các loại hình tài liệu khác nhau, thực hiện việc đánh giá, bảo quản và triển khai hợp tác, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện, giữa người đọc với thư viện với nhau. Nguồn tài nguyên thông tin là nguồn tài nguyên bao gồm các nguồn tài liệu, sách, báo, tạp chí, luận án, luận văn, các file tài liệu, Cơ sở dữ liệu, hệ thống tự động được quản lý, kiểm soát và có hệ thống.
Hiện nay hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Thuận đang dần được củng cố và phát triển, phát huy hiệu quả trong phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, tài nguyên thông tin đáp ứng nhu cầu cho người đọc trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Tại Thư viện tỉnh, hiện tổng số tài nguyên thông tin 259.303 bản sách; Tài liệu số, sách điện tử, sách nói 22.461 tài liệu. Kinh phí cấp cho công tác bổ sung tài liệu sách in hàng năm đạt từ 4.000 đến 5.000 bản. So với mục tiêu đặt ra theo Kế hoạch số 3144/KH-UBND ngày 23/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, đến năm 2025 số lượng bản sách trong thư viện công cộng đạt 0,4 – 0,5 bản sách/người và đến năm 2030 đạt 0,8 – 1 bản sách/người, nhưng hiện nay tài nguyên thông tin của hệ thống thư viện công cộng mới chỉ đạt 378.111 bản bằng khoảng 50% so với tổng dân số của tỉnh và kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện công cộng đang triển khai Kế hoạch số 2267/KH-UBND ngày 23/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xây dựng dữ liệu số, thư viện số là điều kiện quan trọng trong hạ tầng số để thư viện áp dụng kết nối, liên thông, chia sẽ và phục vụ người đọc khai thác thông qua hạ tầng kỹ thuật số và mạng internet.
Xuất phát từ thực trạng trên, Thư viện tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển nguồn tài nguyên thông tin hiện nay là yêu cầu cần thiết, nhằm tạo nguồn lực thông tin đầy đủ, đảm bảo yêu cầu đa dang về loại hình tài liệu và phong phú về nội dung, tính phù hợp của tài liệu. Phải xác định phương thức và nguồn bổ sung tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện, nhu cầu của người đọc; tiếp nhận xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh chuyển giao, do Sở Thông tin và Truyền thông.
Bổ sung, mua tài nguyên thông tin với nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình khác nhau và quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số đa dạng do các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân cung cấp theo quy định của pháp luật. Liên thông trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số. Chuyển dạng, số hóa tài nguyên thông tin phục vụ lưu giữ và nghiên cứu. Thực hiện quy trình số hoá và xử lý tài liệu sau số hóa chặt chẽ. Xử lý thông tin theo chuyên đề, xây dựng các bộ sưu tập theo từng lĩnh vực khoa học đảm bảo hỗ trợ tối đa nhu cầu tìm kiến và khai thác thông tin của người dùng và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình chuyển đổi số ngành thư viện. Cùng với đó thanh lọc tài nguyên thông tin cũ, lạc hậu không con giá trị khai thác; bảo dưỡng, phục chế tài liệu đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác và lưu giữ lâu dài. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người cung cấp dịch vụ và người sử dụng thông tin trong môi trường số. Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán phát triển tài nguyên thông tin, đề xuất kế hoạch sưu tầm tài liệu cổ, tài liệu địa chí trên địa bàn tỉnh và trong nước.
Tin tưởng rằng tương lai không xa Thư viện tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển đạt đến trình độ tiên tiến với tài nguyên thông tin phong phú, đa dạng để thư viện trở thành cơ sở bảo tồn di sản thư tịch, trung tâm thông tin hữu ích phục vụ cộng đồng và xứng đáng là bộ mặt văn hóa – tri thức tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận.
Nguyễn Hưng Hạnh – Thư viện tỉnh
Views: 36813