Chiếc mũ của người anh hùng

Thông tin tuyên truyền: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

CHIẾC MŨ CỦA NGƯỜI ANH HÙNG

Trong hơn 150 hiện vật gốc khối và gốc chữ của sưu tập Chiến dịch Điện Biên Phủ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một hiện vật quý hiếm, đó là chiếc mũ nan của liệt sĩ Trần Can – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Mũ có hai phần: Cốt và tán. Nan mũ bằng tre vót trau chuốt, đã ngả màu cánh gián vì nhuộm mưa nắng, khói bom đạn và mồ hôi. Mũ đan theo kiểu lóng một như đan rá, nhưng các ô thưa hơn. Nhờ các ô ấy mà hơi nước, mồ hôi thoát ra dễ dàng. Cốt mũ và vành mũ được lợp một lần vải bông màu xanh lá cây đã bạc màu. Quai mũ buộc bằng ni lông, đoạn tiếp xúc hai má và cằm Trần Can đã chuyển màu nâu, nhẵn bóng và giòn. Chiếc mũ gọn, nhẹ thích hợp với khả năng trang bị của quân đội ta lúc đó và thích hợp với khí hậu nhiệt đới.

Chiếc mũ đã bao lần cùng anh hành quân, bao lần xông vào đồn giặc và chứng kiến phút cuối cùng Trần Can ngã xuống ở chiến hào Điện Biên Phủ.

Chiếc mũ nan của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Can. Ảnh Mai Phương

 Lịch sử ra đời của chiếc mũ nan gắn liền với từng bước phát triển ngành quân trang của Quân đội ta. Năm 1947, nền kinh tế kháng chiến non trẻ, ta hầu như chưa có gì, lại bị địch tàn phá và phong tỏa. Việc cấp phát cho bộ đội không thực hiện được đều đặn. Ăn và mặc chủ yếu dựa vào nhân dân, đồng thời bộ đội tự túc một phần. Chiếc mũ nan và một số trang bị khác như ba lô “nóp”, dép cao su, bi đông tre… của chiến sĩ ta ra đời trong hoàn cảnh đó. Sẵn tre, nứa, giang, vầu của căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do Bắc Khu 4, các chiến sĩ ở vùng quê có nghề đan tre nứa cổ truyền đã mày mò sản xuất ra chiếc mũ nan đầu tiên.

Rồi chiếc mũ xuất hiện khắp nơi, cùng chia ngọt sẻ bùi với Bộ đội Cụ Hồ. Lúc đầu, các chiến sĩ lợp mũ bằng lá rừng hoặc vải bông cắt ra từ quần áo cũ. Dần dần, phía trên lớp vải xuất hiện một vành lưới để cài lá ngụy trang. Đến cuối thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với nhiều trang bị khác, vải mũ được cấp phát. Lưới ngụy trang ít sử dụng lá cây mà phần lớn là cài những miếng vải dù hoa chiến lợi phẩm… Chiếc mũ nan là “em” của những chiếc mũ “phớt”, bê rê, ca lô của các chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và học viên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Nó là “anh” của những chiếc mũ “tai bèo”, mũ “mềm” (mũ vải), mũ “cứng” (mũ cối) hiện nay…

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, Trần Can khâu thêm một miếng vải lên chỗ rách của chiếc mũ thân thuộc đã bạc màu. Ngày lên đường đã tới, tạm biệt rừng cọ đồi chè Phú Thọ, Can và đồng đội lại kín đáo vượt sông Hồng sang Tây Bắc vào một đêm trăng mờ giá rét giữa tháng 12. Giai đoạn này, Can và đồng đội vừa chạy vừa đuổi đánh địch 4 ngày đêm liền ở Nghĩa Lộ, tả ngạn sông Đà; sau đó, vượt sông sang đất Sơn La trong giá lạnh của dòng nước và gió bấc ào ào. Hơn hai năm, từ ngày Trần Can tạm biệt đồng đất Yên Thành (Nghệ An) quê hương, Can đã quen với cái rét của Việt Bắc, Tây Bắc. Qua sông rồi, Can và đồng đội lại tiếp tục hành quân hơn một ngày đêm vượt những núi cao của cao nguyên Mộc Châu để đến tiêu diệt đồn Bản Hoa – nơi có gần một tiểu đoàn quân Maroc của thực dân Pháp chiếm giữ.

Mùa chiến đấu này, Can được bầu Chiến sĩ thi đua, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản khi mới 21 tuổi và đã là một tiểu đội trưởng. Đôi chân của Can và đồng đội lại đi trên con đường quen thuộc: Đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin. 15 ngày đêm không nghỉ, Can và đồng đội đã vượt hơn 500km tới phía Đông thung lũng Điện Biên Phủ để bắt tay ngay vào một công việc nặng nhọc, thầm lặng: Kéo pháo – chuẩn bị cho Chiến dịch “Trần Đình”.

Những ngày mưa liên tiếp. Những đêm tối mịt mùng. Chiếc mũ nan lợp vải và chiếc áo trấn thủ của Can khô rồi lại ướt, ướt rồi lại khô do bao lần gặp mưa và đẫm mồ hôi. Những chiếc nan tre thấm đẫm mồ hôi làm cho nó thêm bền chắc. Sau 9 ngày đêm, Can và đồng đội đã đưa mấy chục khẩu 105mm và pháo phòng không 37mm vào vị trí quy định. Lại có lệnh kéo pháo ra ngay vì ta chuyển phương châm từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Kéo pháo vào đã vất vả, kéo ra càng vất vả hơn. Đôi vai bầm tím, đôi bàn tay rộp phồng, đôi mắt thâm quầng của Can và đồng đội lại căng thẳng vì níu, kéo những khẩu pháo nặng hơn hai tấn trên núi. Mặc dù vậy, những khẩu pháo đã chuyển dịch gần được nửa đường.

Buổi chiều ngày thứ năm, gió bấc thổi mạnh, nắng hanh, Can và đồng đội chợp mắt trong công sự sau nhiều đêm thiếu ngủ. Những khẩu pháo của đơn vị Can đã ngụy trang, nằm ở chân dốc. Bỗng máy bay địch gầm rít rồi từng tràng bom nổ. “Bom cháy”! – Có tiếng thét lên. Như những chiếc lò xo, tất cả bật dậy, ra khỏi công sự. Lửa cháy rừng rực trên đồi cỏ gianh. Theo chiều gió, lửa táp xuống đường, bén vào những khẩu pháo. Mặc bom nổ, không kịp chụp chiếc mũ nan lên đầu, cứ thế Can dẫn tiểu đội lao vút đến bãi pháo như những mũi tên. Can xông vào túm lấy dây kéo pháo đã bén lửa. Đồng đội cũng đã đến. Can hô: “Hai, ba!”. 50 người lôi khẩu pháo ra khỏi đám lửa. Sau gần hai giờ vật lộn với bom đạn, khói lửa, đơn vị Can cứu được 5 khẩu pháo. Cũng may là chiếc mũ Can để bên ngoài, nếu không ngọn lửa đã làm cho nham nhở.

Gần hai tháng rưỡi chuẩn bị hoàn tất mọi mặt, giờ nổ súng của Chiến dịch “Trần Đình” đã tới. Đơn vị Can vinh dự được tiến công mở màn vào trung tâm đề kháng mạnh nhất của địch là Him Lam. Tín hiệu đỏ vút lên: Lệnh xung phong! Can và các chiến sĩ nhảy khỏi chiến hào, lao vào đồn giặc. Đến sát lô cốt tiền duyên, Can chỉ huy một tổ diệt lô cốt, rồi tiến vào lô cốt bên trong. Súng máy địch quét sát mặt đất. Can phân công một tổ vòng ra phía sau ném thủ pháo kết hợp với nghi binh phía trước. Bị một loạt thủ pháo, hỏa điểm địch câm tịt. Chớp thời cơ, Can nhảy lên khỏi giao thông hào, cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc lô cốt cố thủ của địch. Đó là lá cờ đầu tiên quân ta cắm trên đồn giặc tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong chớp đạn, cờ “Quyết chiến quyết thắng” giục giã các đơn vị xông lên diệt địch. Can và các chiến sĩ xộc vào lô cốt địch cố thủ, đánh chiếm hết các ngách, bắt tên quan ba chỉ huy. Đại đội lê dương 11 tinh nhuệ của địch bị đơn vị Can diệt gọn mà Can là người lập công đầu. Hơn 6 giờ, trung tâm đề kháng Him Lam – “cánh cửa thép” che chở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn lê dương 13 – con cưng của Quân đội Pháp bị đại đoàn của Can tiêu diệt.

Sau đợt một của chiến dịch, Can được đề bạt làm Trung đội trưởng và Thi – người bạn chiến đấu ở Bản Hoa làm Trung đội phó. Can bắt tay vào nhiệm vụ chỉ huy trung đội đào giao thông hào, xây dựng trận địa tiến công. Trong đợt hai của chiến dịch, trung đoàn của Can đã nhanh chóng tiêu diệt cao điểm D1, D2, đẩy lùi hàng chục đợt bộ binh địch phản kích có xe tăng yểm hộ và trụ vững ở đó. Đã không ít đồng đội của Can trúng đạn địch khi đang cùng với chiếc xẻng ở đầu nút các nhánh hào. Đó đây, những chiếc mũ nan bị thủng, rách để lại. Với Can, chiếc mũ nan vẫn trên đầu.

Ngày 11-4-1954, theo lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, trung đoàn của Can được giao nhiệm vụ phối thuộc với đơn vị bạn phòng ngự ở cao điểm C1. Địch lại tới. Can hô: “Ném!”. Một đòn ác liệt bằng lựu đạn giáng vào đầu địch. Chúng khiếp đảm tháo chạy. Địch lại lên. Chờ chúng đến thật gần. Theo lệnh Can, hàng chùm lựu đạn quẳng vào giữa đội hình địch.

Chiếc mũ nan bạc màu đầy đất, khói, hơi thuốc đạn vẫn bám chắc trên đầu Can, nhấp nhô ẩn hiện. Nó vẫn ở hàng đầu của những chiếc mũ còn lại ở chiến hào nóng bỏng. Trời hửng sáng. Lực lượng của đại đội tới. Dưới giao thông hào, các chiến sĩ kể với nhau về cuộc chiến đấu đêm qua. Kềnh là người nói to hơn cả: “Can là bức tường đồng”.

Sau hơn một tháng “máu trộn bùn non”, bộ đội ta ở Điện Biên Phủ vừa khắc phục những trận mưa đầu mùa để hoàn chỉnh hệ thống giao thông hào tiến công và bao vây, vừa đánh địch quyết liệt, diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của chúng, giữ vững các vị trí đã đánh chiếm và tiến sát vào trung tâm Mường Thanh.

Đợt chiến đấu cuối cùng

 Đêm mùng 1-5, đại đoàn của Can đánh chiếm các vị trí 505, 505A dưới chân đồi D2, sát đường 41. Sáng ngày 6-5, đánh chiếm vị trí 506. Trong khi đó, ở vị trí 507, trời sáng rõ mà cửa đột phá chưa mở được. Vấp phải hàng rào bùng nhùng, đại đội bạn bị ùn lại. Có lệnh, đại đội Can lên thay. Phải mở cho được cửa đột phá! Trung đội trưởng Trần Can dẫn đầu tổ bộc phá lên đánh. Hàng rào vẫn trơ ra. Chẳng lẽ bó tay? Không thể chần chừ, Can nghĩ tới việc dùng chăn để vượt rào và thực hiện luôn. Tuất trải hai cái chăn và hai cái bạt lên hàng rào. Can lắp băng trung liên và chỉ mục tiêu cho Đoa bắn yểm hộ. Nhưng các chiến sĩ xung kích vẫn không vào được vì người nhô cao.

Trung đoàn trưởng quyết định mở hướng khác. Đường tiến mới được mở, xung kích tiến lên. Một trận mưa lựu đạn của địch cản lại. Tiếng thủ pháo chưa dứt, bóng Can với chiếc mũ nan dẫn đầu tổ xung kích lao lên, theo sau là Tuất. Đến giữa đường mở, tay phải Can trúng đạn. Tuất bị thương ở vai. Hai chiến sĩ phía sau hy sinh.

Can, Tuất quay lại ôm theo hai tử sĩ. Cùng lúc đó, có lệnh: “Đại đội trưởng và Chính trị viên đã bị thương, Trung đội trưởng Trần Can chỉ huy đại đội”. Vết đạn đau nhói, nhưng Can thấy trách nhiệm thật nặng nề. Can tổ chức lại lực lượng củng cố trận địa phòng ngự. Thấy quân ta im lặng, địch tưởng đối phương không còn sức chiến đấu, có thể chiếm lại vị trí. Chúng reo hò, ùa ra. Lập tức, Can chỉ huy đại đội sử dụng lựu đạn thủ pháo diệt gọn tốp địch đó. Mặt trời đã đứng bóng. Trận địa vẫn được giữ vững. Cánh tay phải của Can lại thêm một vết thương nữa. Can dùng tay trái ném lựu đạn và chỉ huy chiến đấu. Xế trưa, pháo địch từ Hồng Cúm bắn dồn dập. Một quả đạn rơi bên cạnh, mảnh đạn bắn vào, thân mình Can đầm đìa máu. Can gục xuống, chiếc mũ nan rơi ra.

Đầu Can như thoáng nhẹ hơn và như có ai níu xuống. Quãng đời niên thiếu cay cực đi ở cho địa chủ thoáng hiện ra. Mùa thu năm 1945, khi Can vừa 14 tuổi, quê hương, đất nước đổi đời. Lần đầu tiên Can nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Can được gặp các chú “Vệ quốc đoàn”. Can lớn lên khi nào không biết và trở thành “Bộ đội Cụ Hồ” khi 21 tuổi. Sau cuộc thử lửa đầu tiên ở Bản Hoa đến Him Lam, Can trở thành một “cựu binh”, một người Cộng sản. Can “đi” từ Bản Hoa đến Him Lam, C1, 507; lần lượt là một tiểu đội trưởng, trung đội trưởng rồi đại đội trưởng. Bóng hình người mẹ kính yêu, Hội trưởng “hội mẹ chiến sĩ, đã suốt đời tần tảo, sau “phát động quần chúng” đã được chia ruộng, được học và tự tay viết thư cho Can. Đại đội trưởng, Chính trị viên, Trung đội phó Thi; Tiểu đội trưởng Đạm và bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, nhìn Can… Nhưng Can thở hắt ra và tim ngừng đập khi bước vào tuổi 23.

Can ngã xuống khi đại đội của mình chỉ còn cách cửa hầm tên tướng chỉ huy De Castries 300m. Can không vào được hầm tên tướng giặc, nhưng các chiến sĩ thuộc đại đội của Can và Đại đội 360 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã bắt toàn bộ Bộ chỉ huy địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tuất ôm lấy người Đại đội trưởng thân thương của mình như không muốn rời ra. Tuất nhặt lên và không rời chiếc mũ mà Can đã vót từng chiếc nan, nắn nót tự đan khi bước vào quân ngũ, chiếc mũ đã thấm mồ hôi, máu và cùng Can qua bao năm tháng chiến đấu…

Can không còn, nhưng chiếc mũ tre nan mang số 1152 T120 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn như một số quân trang của đội quân trùng điệp. Chiếc mũ hiện thân của ý chí và hành động anh hùng mãi mãi có mặt trong hàng ngũ tuổi trẻ trong cuộc chiến đấu mới hôm nay và mai sau.

(Lược trích theo cuốn sách “Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên”, Nxb Quân đội nhân dân, năm 2024)

Hoàng Lâm // https://www.qdnd.vn/

Views: 376