Cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản
Ngày 29/12, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố cấp Bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản.
Thanh long Bình Thuận là 1 trong 3 sản phẩm trong Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản”, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, do Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án.
Ngày 7/10/2021, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm thứ hai của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI).
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã trao bằng Chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản cho đại diện lãnh đạo Hiệp hội thanh long Bình Thuận, tổ chức được UBND tỉnh Bình Thuận trao quyền quản lý Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Võ Huy Hoàng cho rằng, đây là niềm tự hào của thanh long Bình Thuận và của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, nhà sản xuất, bà con nông dân trồng thanh long… Hiện, thị trường Nhật Bản có nhiều loại thanh long, trong đó có thanh long của Việt Nam được trồng tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… nhưng người dùng không biết của địa phương nào và có bảo đảm an toàn hay không. Việc thanh long Bình Thuận được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khi bán tại thị trường này có dán logo GI của Nhật Bản là một lợi thế rất lớn, được người tiêu dùng tin tưởng và sẽ có giá bán rất cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh khẳng định, việc đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận thành công tại Nhật Bản là niềm tự hào của nhân dân và chính quyền tỉnh Bình Thuận. Các hoạt động quản lý Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành của tỉnh.
Yêu cầu Hiệp hội Thanh long Bình Thuận chủ động tổ chức, quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quả thanh long sử dụng tem, nhãn hiệu gắn với Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” và tem Chỉ dẫn địa lý do phía Nhật bản cấp trên quả và thùng thanh long khi xuất khẩu qua Nhật Bản. Giám sát quá trình sản xuất sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý của các hội viên thuộc Hiệp hội, bảo đảm các hội viên thực hiện đúng theo quy chế quản lý quá trình sản xuất đã được đăng ký với MAFF Nhật Bản.
Các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thanh long mang Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” đã được bảo hộ tại Nhật Bản; tăng cường công tác tổ chức đào tạo, tập huấn và phổ biến nội dung liên quan đến các quy định theo Luật Chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản. Phổ biến và giám sát việc tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh.
Đình Châu // https://nhandan.vn.- 2021 (ngày 29 tháng 12)
Views: 1