6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường nông lâm thủy sản

UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Thanh long tỉnh phải vận động gắn chỉ dẫn địa lý Bình Thuận với quả thanh long

Ngày 16.4, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 1340/KH-UBND về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiều đơn vị sở, ngành, hiệp hội cùng thực hiện các nội dung của kế hoạch. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, các tổ chức chính trị – xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh tiếp nhận điều tra các vụ án, vụ việc; tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tổ chức, cá nhân vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và thẩm quyền được phân công…

UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiệm vụ cho Hiệp hội nước mắm Phan Thiết phải vận động gắn chỉ dẫn địa lý Phan Thiết với các sản phẩm nước mắm

UBND tỉnh Bình Thuận giao Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết vận động các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia chứng nhận quả thanh long gắn với chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”, chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết…

Theo kế hoạch trên, UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 gồm: rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường; ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, gia tăng chế biến và phát triển thị trường; triển khai công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Cũng theo kế hoạch trên, UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra chỉ số về an toàn thực phẩm trong năm 2024: tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,1%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 93,0%; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10% (so với năm 2023); tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng 10% (so với năm 2023); tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 20%; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt – GAP (như VietGAP, GAHP và tương đương tăng 10% (so với năm 2023); lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng 20% (so với năm 2023); số lượng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 10% (so với năm 2023)…

Quang Phương // https://daibieunhandan.vn/

Views: 746