Phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm ở Bình Thuận

Viện Sinh thái học miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ Lòng Sông-Đá Bạc triển khai hoạt động thực địa lắp đặt bẫy ảnh thu số liệu tại lâm phận rừng phòng hộ. Thông qua bẫy ảnh, đã ghi nhận 24 loài chim và thú. Trong đó, phát hiện các loài cực kỳ nguy cấp.

Chà vá chân đen được phát hiện khi đặt bẫy ảnh. Ảnh: CQCN

Các điểm bẫy ảnh được thiết lập theo ô lưới ngoài hiện trường ở sinh cảnh rừng khộp rụng lá. Các điểm bẫy ảnh cách nhau khoảng 500 mét. Các bẫy ảnh được gắn chặt vào các thân cây ở chiều cao từ 20 đến 40cm so với mặt đất nhằm tối đa hóa khả năng ghi nhận loài mục tiêu của nghiên cứu. Tổng cộng có 36 máy bẫy ảnh được lắp đặt.

Thông qua bẫy ảnh, đã ghi nhận 24 loài chim và thú. Trong đó, phát hiện các loài cực kỳ nguy cấp như: chà vá chân đen, tê tê java. Cùng một số loài nguy cấp, sắp nguy cấp như công, sơn dương, khỉ đuôi lợn.

Trong số các loài có giá trị bảo tồn, khỉ đuôi lợn là loài phổ biến, được ghi nhận nhiều nhất với 88 lần tại 22 điểm bẫy ảnh. Các loài nguy cấp, quý, hiếm còn lại đều chỉ được ghi nhận không quá 5 lần ở tối đa 2 điểm bẫy ảnh.

Kết quả trên cho thấy, rừng phòng hộ Lòng Sông – Đá Bạc đang sở hữu tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, độc đáo, có tiềm năng du lịch sinh thái, cần được tăng cường bảo vệ và giám sát đa dạng sinh học.

Hương Trà // https://baodantoc.vn

Views: 379