Phan Thiết mùa nào đẹp?
Phan Thiết có diện tích khoảng 200 km2, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có tuyến đường ven biển đẹp dài hàng chục km và những di tích lịch sử của nền văn minh Chăm Pa hưng thịnh một thời.
Phan Thiết nằm ở trong vùng khô hạn thuộc khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiều nắng, gió. Vẫn có hai mùa mưa – nắng nhưng thời gian mưa không dài. Nơi đây cũng ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão và không có sương mù nên du khách có thể đến Phan Thiết vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tháng 6 và 7 hoặc từ tháng 12 đến tháng 2 là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Phan Thiết.
Di chuyển
Phan Thiết cách Hà Nội khoảng 1.500 km và cách TP HCM khoảng 210 km, không có sân bay nên phải di chuyển bằng các phương tiện như xe khách, ôtô tự lái, tàu hỏa…
Nếu sử dụng phương tiện cá nhân từ TP HCM, du khách sẽ mất khoảng 2 tiếng di chuyển trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết mới khánh thành dịp 30/4/2023.
Tới Phan Thiết từ Hà Nội, du khách mua vé máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) hoặc Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi tiếp tục đi ôtô đến Phan Thiết. Giá vé máy bay dao động trong khoảng 2 đến 4 triệu đồng, tùy thời điểm.
Từ ga Sài Gòn đến ga Phan Thiết mất gần 4 tiếng, giá vé tàu 250.000-350.000 đồng. Xe khách từ TP HCM đến Phan Thiết giá khoảng 200.000-450.000 đồng tùy loại. Xe khách từ Khánh Hòa đi Phan Thiết giá khoảng 150.000-300.000 đồng. Giá vé xe khách từ Hà Nội đến Phan Thiết dao động trong khoảng từ 1 đến 1,2 triệu đồng.
Từ TP Phan Thiết thường có xe trung chuyển đến các khách sạn, resort tại Mũi Né.
Khách sạn
Nơi tập trung nhiều khách sạn, resort nghỉ dưỡng ở Phan Thiết nhất là phường Mũi Né. Tại đây có những khu nghỉ dưỡng sang trọng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thể thao biển, nhà hàng, bể bơi, quán bar và spa. Một số khách sạn nổi tiếng ở Mũi Né như The Anam Mũi Né, Anantara Mũi Né Resort, Victoria Phan Thiết Beach Resort & Spa, Pandanus Resort, The Cliff Resort & Residences, Meraki Oasis.
Bên cạnh đó, du khách có thể lựa chọn ở những nhà nghỉ giá bình dân ngay trung tâm thành phố. Những nhà nghỉ với tiêu chuẩn cơ bản, đầy đủ tiện nghi có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một đêm.
The Anam Mũi Né – khu nghỉ dưỡng mới khai trương năm 2023.
Chơi đâu?
Bản đồ du lịch của Phan Thiết chia thành 4 khu vực chính: trung tâm thành phố, Mũi Né, Mũi Kê Gà và Hòn Rơm. Xuất phát từ một trong bốn điểm này, bạn có thể khám phá các địa danh nổi tiếng khác tại Phan Thiết.
Phan Thiết thường chỉ là điểm dừng chân của du khách kết hợp nghỉ ngơi tại Mũi Né. Vì thế, nên nếu ở thành phố chỉ cần 1-2 ngày, ghé qua những điểm nổi tiếng dưới đây.
Công viên biển Đồi Dương
Công viên biển Đồi Dương trước đây thường được gọi là bãi biển Đồi Dương, nằm ở trung tâm thành phố. Trên đường ra bãi biển, du khách sẽ đi qua những hàng dương chắn gió được trồng hai bên. Bước chân khỏi hàng dương là bãi cát trắng lớn, kéo dài thành hình vòng cung, phù hợp cho các hoạt động thể thao trên biển như bóng chuyền, đắp cát. Nước biển Đồi Dương rất nông và êm, ít sóng lớn nên khá an toàn. Du khách đến tắm biển miễn phí.
Công viên biển Đồi Dương
Tháp nước Phan Thiết
Tháp nước Phan Thiết là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận, được xây dựng năm 1928 và hoàn thành vào năm 1934 do kiến trúc sư, hoàng thân Souphanouvong (sau này là Chủ tịch nước CHDCND Lào) thiết kế. Tháp nước được xây dựng bằng gạch nung, có chiều cao 32 m. Nhìn từ xa, tháp như một bông hoa sen khổng lồ.
Tháp nước Phan Thiết.
Khu di tích trường Dục Thanh
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Phan Thiết, khu di tích trường Dục Thanh (1907 – 1912) ra đời và hoạt động theo chủ trương chung của phong trào Duy Tân. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, trước khi đi tìm đường cứu nước.
Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật gắn liền với thời gian dạy học ở Phan Thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích trường Dục Thanh. Ảnh: Nguyên Vũ
Dinh Vạn Thủy Tú
Dinh Vạn Thủy Tú là nơi tôn thờ Thủy Tổ nghề biển của ngư dân Bình Thuận. Bên trong vạn là nơi thờ cúng hơn 100 bộ xương cá voi, trong đó có bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng là nơi lưu giữ 24 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn.
Khi đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính hàng trăm năm mà còn có thể biết nhiều thêm về các lễ nghi, lễ hội gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp.
Lầu ông Hoàng
Tọa lạc tại đỉnh đồi Bà Nài, lầu Ông Hoàng là tàn tích còn sót lại của khu biệt thự được Công tước De Montpensier xây dựng vào năm 1911. Tuy nhiên, hiện biệt thự chỉ còn phần đế âm. Nơi khách du lịch thường tới là một lô cốt do Pháp làm trong chiến tranh nằm gần đó.
Đây cũng từng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của nhà thơ Hàn Mạc Tử (1912 – 1940) với người tình Mộng Cầm. Một trong số những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ về Lầu Ông Hoàng là bài “Phan Thiết Phan Thiết”.
Phần lô cốt của người Pháp tại khu vực lầu Ông Hoàng cũ. Ảnh: jadenng0
Tháp Po Sah Inư
Cách lầu Ông Hoàng chưa tới 2 km là ngọn tháp Po Sah Inư. Đây là một trong những nhóm đền tháp cổ kính nhất của vương quốc Champa ở Bình Thuận, có niên đại từ đầu thế kỷ VIII đến thế kỷ IX.
Chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng ngọn tháp này là kết tinh những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa. Du khách có thể vào trong tháp tham quan với giá vé 10.000 đồng một lượt.
Biển đá Ông Địa
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 10 km, biển Đá Ông Địa là một bãi tắm sạch, cát mịn, trải dài và không có sỏi, lòng biển nông, nước trong và rất êm. Đến biển Đá Ông Địa, du khách có thể lựa chọn các thú vui dạo biển, ngồi cà phê và check-in cùng những chiếc thúng đủ màu sắc, bờ kè chắn sóng hoặc trải nghiệm các loại hình thể thao biển như lướt sóng.
Biển Đá Ông Địa. Ảnh: Mạnh Huy
Đặc sản
Bánh hỏi làm từ bột gạo, qua nhiều công đoạn chế biến cho ra chiếc bánh được kết từ những sợi mì trắng nhỏ, nhìn giống sợi bún. Bánh hỏi Phan Thiết sẽ ăn kèm lòng heo luộc. Khi thưởng thức, lòng heo được cuộn chung cùng bánh hỏi, bánh tráng, chấm nước chấm chua ngọt.
Bánh hỏi lòng heo. Ảnh: Phan Thiết Phố
Bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn dân dã thường được bán vào buổi chiều. Món ăn đơn giản gồm trứng luộc dầm nát, xoài chua, dưa chuột thái sợi, bánh tráng nướng bẻ vụn cuốn cùng bánh tráng. Nước chấm bánh tráng là mắm ruốc, thường được cho thêm ớt tươi băm nhỏ và vắt thêm chanh rồi đánh đều. Người Phan Thiết sử dụng thịt cá để làm chả, xương cá để nấu nước dùng và mắm cá để nêm.
Cá lồi cắt từng miếng, xếp vào đĩa hoặc để nguyên con rồi hấp cách thủy. Thịt mỡ được cắt nhỏ, rán vàng, thêm hành lá. Khi cá được hấp chín, xối một lớp mỡ hành lên cá rồi rắc thêm đậu phộng giã nhỏ cho dậy mùi thơm, ăn cùng nước chấm pha chua ngọt hoặc nước mắm me. Nhiều người sành ăn sẽ cho miếng gan của cá vào nước chấm, đánh nhuyễn, khi ăn sẽ có cảm giác bùi, ngậy.
Cá lồi xối mỡ hành. Ảnh: Phan Thiết Phố
Views: 0