Kỷ niệm 25 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:

KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6)

  • Những việc làm ý nghĩa trong Ngày Gia đình Việt Nam
  • Gia đình hiện đại phát triển cùng công nghệ
  • Xúc động với những lá thư thời chiến nhân Ngày Gia đình Việt Nam
  • Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về chủ đề “Gia đình” có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận

——————————————————————-

NHỮNG VIỆC LÀM Ý NGHĨA TRONG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Ngày 28/6 hằng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, qua đó gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đó. Đây cũng là dịp để các gia đình dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ và cùng nhau làm những việc có ý nghĩa để tăng cường sự gắn bó giữa các thành viên.

// https://infographics.vn/

——————————————————————-

GIA ĐÌNH HIỆN ĐẠI PHÁT TRIỂN CÙNG CÔNG NGHỆ

Trong thời đại số, công nghệ không chỉ là công cụ tiện ích mà còn trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống gia đình. Từ việc kết nối các thành viên cho đến tổ chức hoạt động chung, công nghệ đang góp phần xây dựng một mô hình gia đình hiện đại, năng động và gắn bó hơn bao giờ hết.

Công nghệ hiện đại giúp các thế hệ trong một gia đình dễ dàng kết nối bất chấp khoảng cách địa lý. Ảnh: AFP

Không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của công nghệ đối với đời sống gia đình hiện đại. Từ cách mọi người liên lạc, sắp xếp thời gian đến việc học tập và giải trí, mọi thứ đều ít nhiều chịu tác động từ các thiết bị điện tử, phần mềm và nền tảng trực tuyến. Sự thay đổi này mở ra nhiều cơ hội mới cho các gia đình trong việc kết nối và hỗ trợ lẫn nhau, bất chấp khoảng cách địa lý hay sự bận rộn của cuộc sống. Với một chiếc điện thoại thông minh, ông bà ở xa có thể nhìn thấy nụ cười của cháu nhỏ chỉ trong vài giây. Với một ứng dụng lịch trực tuyến, cha mẹ và con cái dễ dàng nắm bắt kế hoạch sinh hoạt chung, tránh xung đột và tăng cường phối hợp.

“Trước đây, mỗi khi một đứa cháu đi học xa hay du học nước ngoài, tôi rất ít khi được nói chuyện, hỏi thăm chúng. Từ khi con gái mua tặng chiếc điện thoại thông minh, các cháu có thể gọi hỏi thăm tôi thường xuyên hơn, đỡ nhớ nhau hơn”, bà Phạn, ở Thái Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng như mọi công cụ khác, công nghệ không hoàn hảo. Những tiện ích đi kèm với sự đánh đổi. Các bữa cơm gia đình đôi khi bị ngắt quãng bởi chuông báo tin nhắn, những buổi tối chung bị chia nhỏ bởi màn hình cá nhân. Sự kết nối ảo có thể làm suy giảm kết nối thực. Trong hoàn cảnh đó, việc hiểu rõ cách công nghệ ảnh hưởng đến gia đình, cả tích cực lẫn tiêu cực, là điều cần thiết để hướng tới một cuộc sống hài hòa và bền vững.

Lấp đầy những khó khăn trong quá khứ

Trước khi có internet, chỉ một cuộc gọi đường dài cũng có thể khiến một gia đình phải cân nhắc chi phí. Ngày nay, nhờ các ứng dụng gọi video, việc trò chuyện mặt đối mặt trở nên dễ dàng và hoàn toàn miễn phí, bất kể khoảng cách địa lý. Những người thân sống ở các thành phố khác nhau, thậm chí ở quốc gia khác, có thể tham dự những khoảnh khắc quan trọng của nhau, từ tiệc sinh nhật, lễ tốt nghiệp đến buổi họp mặt cuối tuần. Công nghệ đã làm mờ đi những rào cản không gian, cho phép sự hiện diện cảm xúc lan rộng hơn bao giờ hết.

Không chỉ là kết nối, công nghệ còn đóng vai trò hỗ trợ trong tổ chức và vận hành đời sống gia đình. Những ứng dụng chia sẻ lịch biểu giúp các thành viên biết lịch học của con, cuộc họp của cha mẹ hay kỳ nghỉ cuối tuần của cả nhà. Nhờ sự minh bạch về thời gian, những hiểu lầm hay trùng lặp trong sinh hoạt được giảm thiểu, giúp gia đình hoạt động như một đơn vị thống nhất.

“Chồng tôi hiện đi công tác xa nhà, nhưng đến giờ ăn cơm, hai vợ chồng cùng các con đều gọi video gia đình để ăn cơm với nhau. Tuy không được ngồi ăn bên nhau nhưng ít nhất gia đình vẫn có thể kết nối trong giờ ăn cơm”, bà Hoàng Anh, sống tại Hà Nội chia sẻ.

Trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ mở ra cánh cửa đến với kiến thức đa dạng và sinh động. Trẻ em có thể học toán, khoa học, ngôn ngữ thông qua các ứng dụng tương tác hấp dẫn. Quan trọng hơn, nhiều cha mẹ cùng học và tương tác với con qua những nền tảng này, tạo nên trải nghiệm học tập chung, từ đó tăng cường sự gắn bó và thấu hiểu giữa các thế hệ. Việc học không còn bị giới hạn trong sách vở mà trở thành một hành trình trải nghiệm được cả gia đình cùng tham gia.

Công nghệ cũng góp phần không nhỏ trong việc giải trí và thư giãn tại gia. Những trò chơi gia đình trên thiết bị điện tử, các ứng dụng theo dõi hành trình leo núi, ghi lại nhật ký ảnh số… mang lại cơ hội để các thành viên chia sẻ niềm vui, cùng nhau khám phá những điều mới mẻ. Một chuyến dã ngoại có thể trở nên thú vị hơn khi cả nhà cùng dùng ứng dụng nhận diện thực vật hoặc cùng nhau thiết kế cuốn album số từ những khoảnh khắc đã ghi lại.

Bằng cách tích hợp công nghệ vào cuộc sống thường nhật, các gia đình hiện đại không chỉ tối ưu hóa sinh hoạt mà còn tăng cường sự kết nối tình cảm. Khi được sử dụng một cách có ý thức và đúng liều lượng, công nghệ trở thành chiếc cầu nối, giúp hàn gắn những mảnh ghép mà trong quá khứ có thể bị rời rạc vì thời gian, không gian hay áp lực cuộc sống. Gia đình giờ đây không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn là một cộng đồng nhỏ với những tương tác phong phú, hiện đại nhưng vẫn mang đậm chất nhân văn.

Thách thức về khoảng cách thế hệ

Dù công nghệ mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho đời sống gia đình, nhưng không thể bỏ qua những khó khăn mà nó tạo ra, đặc biệt là khoảng cách giữa các thế hệ. Trẻ em sinh ra trong thời đại số được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, khiến chúng trở nên thành thạo và thoải mái hơn hẳn so với cha mẹ, thậm chí là ông bà. Sự chênh lệch về kỹ năng số này dễ dẫn đến tình trạng hiểu lầm, bất đồng quan điểm và thậm chí là mất kiểm soát trong việc sử dụng công nghệ.

Khi một đứa trẻ tiếp cận thông tin qua mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến, chúng có thể bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng, lối sống khác biệt so với giá trị truyền thống của gia đình. Những góc nhìn trái chiều về xã hội, đạo đức hay cách ứng xử có thể tạo nên căng thẳng giữa cha mẹ và con cái. Thêm vào đó, việc trẻ em có quyền tự do thể hiện quan điểm qua các nền tảng số cũng làm thay đổi vai trò quyền lực trong gia đình, buộc các bậc phụ huynh phải đối diện với sự thay đổi trong mối quan hệ vốn đã quen thuộc.

Để thu hẹp khoảng cách này, điều quan trọng không nằm ở việc cha mẹ phải trở nên “sành công nghệ” như con, mà là sự sẵn sàng đối thoại và học hỏi lẫn nhau. Khi cha mẹ thể hiện sự quan tâm đến thế giới số của con, sẵn lòng học hỏi và chia sẻ, mối quan hệ sẽ được xây dựng trên nền tảng tin cậy và thấu hiểu. Ngược lại, trẻ em cũng cần được hướng dẫn về cách sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, từ đó phát triển khả năng tư duy phản biện và hiểu rõ hơn về giá trị gia đình.

Thách thức không chỉ dừng lại ở nội dung tiếp cận mà còn ở thời gian sử dụng. Khi mỗi người trong gia đình dành nhiều giờ đồng hồ trước màn hình riêng, khoảng thời gian chung trở nên ít ỏi. Những bữa ăn chung bị gián đoạn bởi tin nhắn, những tối quây quần bị thay thế bằng việc “mỗi người một thiết bị”. Sự hiện diện vật lý không đồng nghĩa với sự kết nối tinh thần, và đó là điều mà nhiều gia đình hiện nay đang phải đối mặt.

Giải pháp cho tình trạng này nằm ở việc thiết lập các giới hạn rõ ràng về thời gian sử dụng công nghệ. Những khu vực “không công nghệ” trong nhà, như bàn ăn hay phòng khách vào buổi tối, có thể trở thành không gian giao tiếp và gắn kết. Khi công nghệ được sử dụng có chủ đích, hướng tới kết nối chứ không làm gián đoạn, gia đình sẽ tìm lại được sự gần gũi vốn có.

Bên cạnh những thách thức, khoảng cách thế hệ về công nghệ còn là cơ hội để xây dựng mối quan hệ dựa trên sự cộng tác. Khi trẻ em dạy ông bà dùng ứng dụng video call hay khi cha mẹ hỏi con cách cài đặt một phần mềm học tập, sự trao đổi này không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật mà còn nuôi dưỡng tinh thần tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Gia đình hiện đại không cần loại bỏ sự khác biệt, mà nên học cách cùng tồn tại và phát triển nhờ sự khác biệt đó.

Anh Vũ // https://laodong.vn/

——————————————————————-

XÚC ĐỘNG VỚI NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Trong thư gửi mẹ 5 ngày trước khi hy sinh, liệt sĩ Võ Thị Tần viết: “Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện… Mẹ! Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá!”.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm hoạt động viết thư tay – Ảnh: ĐỨC ANH

Hướng tới kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 – 28-6-2025), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức chương trình “Lá thư thời chiến – Nghĩa nước tình nhà”, giới thiệu những bức thư xúc động về tình cảm gia đình, đất nước giữa thời chiến.

Chương trình với các hoạt động như “Hộp thư thời gian”, “Giọng đọc từ trái tim” và “Lời từ trái tim”, không chỉ tôn vinh giá trị thiêng liêng của gia đình Việt Nam mà còn lan tỏa tình cảm sâu nặng hậu phương – tiền tuyến trong những năm tháng đạn bom kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Những dòng thư xúc động của liệt sĩ Võ Thị Tần trước ngày hy sinh

Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá! 

Một trong những kỷ vật xúc động được trưng bày tại đây là bức thư của liệt sĩ Võ Thị Tần – tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, C552 – gửi mẹ 5 ngày trước khi hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc vào ngày 22-7-1968.

“Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. 

Mẹ! Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá! Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều… Thôi mẹ nhé. Con của mẹ!”.

Đó là lời từ biệt cuối cùng của người con gái 22 tuổi trước khi ngã xuống, cô đã chiến đấu đầy lạc quan song hành với nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ da diết.

Một bức thư khác cũng chan chứa cảm xúc của cậu bé Trần Trung Tín – con trai Thiếu tướng Trần Văn Phác – gửi cha vào đúng sinh nhật 12 tuổi của cậu, giữa những ngày chiến tranh ác liệt (ngày 26-11-1968).

Trong thư gửi bố, cậu bé Tín viết: “Bố kính mến của con! Hôm nay đúng ngày 26-11 là ngày sinh nhật của con..

Bố ạ! Con chỉ mong sao lớn nhanh lên để cùng cha anh đánh Mỹ bảo vệ nước nhà. Nhưng bây giờ nhiệm vụ trước mắt là học tập, lao động tu dưỡng để trở thành cháu ngoan Bác Hồ. Con sẽ hứa với bố làm đúng việc trên”.

Dòng chữ thơ ngây nhưng mạnh mẽ ấy đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho người cha nơi tiền tuyến, đồng thời là minh chứng về sức mạnh từ hậu phương, những thế hệ được hun đúc tình yêu nước từ thuở ấu thơ.

Các thương binh nặng của Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và Điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam chia sẻ cảm xúc khi viết những bức thư gửi về cho người thân thời chiến tranh với các bạn nhỏ

Dịp này Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng trưng bày nhiều bức thư về tình cảm gia đình xúc động trong thời chiến: Thư gửi người cháu của Tướng Phạm Văn Trà, thuộc Đoàn 61, Sư đoàn 338 năm 1964 (sau này là bộ trưởng Bộ Quốc phòng); thư của ông Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm chính trị trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, gửi cho vợ là Phan Thị Tuệ năm 1954, hay bức thư đầy xúc động của vợ liệt sĩ Võ Văn Phương gửi cho chồng…

Các lá thư được trưng bày sẽ được tích hợp mã QR, giúp người xem dễ dàng quét mã để nghe giọng đọc, chia sẻ, lan tỏa.

Chương trình còn mở rộng với hoạt động tương tác như “Giọng đọc từ trái tim”, giới thiệu các ấn phẩm, tài liệu, sách viết về thư thời chiến và giọng đọc truyền cảm từ các chiến sĩ, học sinh, người yêu lịch sử.

Dịp này, bảo tàng cũng kêu gọi mọi người có thể tham gia viết thư tay gửi người thân, bày tỏ tình cảm nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Những bức thư giàu cảm xúc sẽ được giới thiệu trên website của bảo tàng và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nam Trần // https://tuoitre.vn/

——————————————————————-

Giới thiệu Sách:

THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ CHỦ ĐỀ “GIA ĐÌNH”CÓ TẠI THƯ VIỆN

  1. Văn hóa gia đình Việt Nam
  • Tác giả: Vũ, Ngọc Khánh
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2023
  • Ký hiệu xếp giá: 8509597/ V115H
  • Mô tả vật lý: 259tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.030013; Phòng Mượn: MVV.043103; MVV.043104
  • Tóm tắt: Khái quát văn hóa gia đình Việt Nam; Văn hóa gia đình Việt Nam và ảnh hưởng từ các khuynh hướng, tôn giáo, tín ngưỡng; Văn hóa gia đình Việt Nam qua văn học nghệ thuật.
  1. Văn hoá gia đình Việt Nam
  • Tác giả: Vũ, Ngọc Khánh
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Văn hoá thông tin, 2008
  • Ký hiệu xếp giá: 85/ V115H
  • Mô tả vật lý: 331tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.012498; DVV.015432; Phòng Mượn: MVV.014287; MVV.014288
  • Tóm tắt: Văn hoá gia đình Việt Nam và ảnh hưởng các khuynh hướng tôn giáo triết học. Văn học nghệ thuật phản ánh vấn đề này.
  1. Văn hoá gia đình Việt Nam
  • Tác giả: Vũ Ngọc Khánh
  • Thông tin xuất bản: H.: Thanh niên, 2007
  • Ký hiệu xếp giá: 09597/ V115H
  • Mô tả vật lý: 377tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.009879; Phòng Mượn: MVV.009895; MVV.009896
  • Tóm tắt: Văn hoá gia đình Việt Nam và ảnh hưởng các khuynh hướng tôn giáo triết học. Văn học nghệ thuật phản ánh vấn đề này
  1. Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với văn hóa gia đình Việt Nam
  • Tác giả: Vũ, Diệu Trung
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Văn hóa dân tộc, 2020
  • Ký hiệu xếp giá: 8509597/ T101Đ
  • Mô tả vật lý: 231tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.028254; Phòng Mượn: MVV.040145; MVV.040146
  • Tóm tắt: Lý giải những thay đổi về văn hoá gia đình ở Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới; từ đó đưa ra một số đề xuất, giải pháp nhằm phát huy tính tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của phương tiện truyền thông mới đối với văn hoá gia đình Việt Nam
  1. Hệ giá trị gia đình Việt Nam từ hướng tiếp cận xã hội học
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Khoa học xã hội, 2016
  • Ký hiệu xếp giá: 8509597/ H250G
  • Mô tả vật lý: 334tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.023743; Phòng Mượn: MVV.032837; MVV.032838
  • Tóm tắt: Trình bày vấn đề lý luận và phương pháp luận về hệ giá trị gia đình Việt Nam từ khởi nguồn đến khi tiếp xúc với văn hoá, văn minh phương Tây (1862), đến trước đổi mới (1986) và thời kỳ đổi mới qua khảo sát xã hội học. Sự tương đồng và khác biệt trong lựa chọn giá trị giữa các nhóm xã hội cũng như tính liên tục và biến đổi giá trị giữa các thế hệ trong gia đình ở nước ta trong thời đổi mới
  1. Sách xanh gia đình Việt Nam
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Công ty TNHH SX – TM Hưng Hà, 2015
  • Ký hiệu xếp giá: 8509597/ S102X
  • Mô tả vật lý: 96tr., 27cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Địa chí: DC.001089
  • Tóm tắt: Gồm 3 phần: Các sự kiện truyền thông tiêu biểu của năm 2014; Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; Tuyên truyền trong lĩnh vực gia đình ở Việt Nam.
  1. Sách xanh gia đình Việt Nam
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Lao động, 2013
  • Ký hiệu xếp giá: 8509597/ S102X
  • Mô tả vật lý: 200tr., 19cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Địa chí: DC.001094
  • Tóm tắt: Giới thiệu về Thông điệp năm gia đình Việt Nam; Đặc trưng, thực trạng, quản lý nhà nước và văn hóa gia đình Việt Nam.
  1. Hỏi đáp văn hoá trong gia đình Việt Nam
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Quân đội nhân dân, 2009
  • Ký hiệu xếp giá: 85/ H428Đ
  • Mô tả vật lý: 197tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.015329; Phòng Mượn: MVV.018948; MVV.018949
  • Tóm tắt: Thể hiện một mảng, một nét văn hóa dưới dạng hỏi đáp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và làm bật lên được nét văn hóa đặc sắc riêng của từng vùng, miền; từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
  1. Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam
  • Thông tin xuất bản: H: Khoa học xã hội, 1996
  • Ký hiệu xếp giá: 018/ NH556
  • Mô tả vật lý: 335tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.002456
  • Chủ đề: Nghiên cứu; Xã hội học; Việt Nam
  1. Cuộc sống gia đình những điều nên tránh
  • Tác giả: Minh Dũng
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2025
  • Ký hiệu xếp giá: 7/ C514S
  • Mô tả vật lý: 180tr., 23cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.030681; Phòng Mượn: MVV.044397; MVV.044398
  • Tóm tắt: Giới thiệu về những điều nên biết khi chăm sóc nhà cửa, khi chăm sóc vẻ bề ngoài, để phòng – chống một số loại bệnh và một vài điều bình thường nên biết.
  1. Những điều cần biết khi chăm sóc sức khỏe gia đình
  • Tác giả: Thái Vũ
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2025
  • Ký hiệu xếp giá: 024/ NH556Đ
  • Mô tả vật lý: 164tr., 23cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.030839; Phòng Mượn: MVV.044682; MVV.044683
  • Tóm tắt: Gồm cách xử lý những trường hợp khẩn cấp; Tự chăm sóc sức khỏe khi mắc những bệnh thông thường; Những điều cần biết khi mang thai, sinh nở, Giữ mãi tuổi thanh xuân
  1. Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay
  • Tác giả: Bùi, Xuân Mỹ
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2025
  • Ký hiệu xếp giá: 09597/ L250T
  • Mô tả vật lý: 387tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.030803; Phòng Mượn: MVV.044611; MVV.044612
  • Tóm tắt: Viết về những văn hóa, lễ nghi – tập tục của con người từ sơ sinh – thơ ấu đến trưởng thành, hôn nhân cho đến khi về già hay tang ma; Về các mối quan hệ với gia đình, họ tộc, làng xã, xã hội, về thờ phụng tổ tiên, các tín ngưỡng dân gian cùng các lễ tiết trong năm.
  1. Kĩ năng xã hội cho học sinh tiểu học – Cư xử trong gia đình
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Kim Đồng, 2023
  • Ký hiệu xếp giá: 374/ K300N
  • Mô tả vật lý: 154tr., 24cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Thiếu nhi: TN/VL.005517; TN/VL.005518; TN/VL.005519
  • Tóm tắt: Gồm 5 chương với 36 hoạt cảnh sinh hoạt gia đình thường gặp nhất mà trẻ cần thể hiện trong cuộc sống hằng ngày ở nhà khi giao tiếp với bố mẹ, ông bà và những người thân khác.
  1. Nấu ăn gia đình
  • Tác giả: Triệu, Thị Chơi
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2024
  • Ký hiệu xếp giá: 1/ N125Ă
  • Mô tả vật lý: 213tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.030906; Phòng Mượn: MVV.044789; MVV.044790
  • Tóm tắt: Cung cấp kiến thức tổ chức bữa ăn hợp lí trong gia đình; xây dựng khẩu phần, thực đơn và hướng dẫn cách chuẩn bị nguyên liệu, chế biến 30 thực đơn cơm gia đình hàng ngày, 52 món ăn ngày Chủ nhật

Views: 0