Nắm chắc thông tin cơ sở!
Có một lần chuẩn bị cho bài viết về Tết trồng cây, Bác Hồ cho mời đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp lên làm việc. Sau một hồi nghe đồng chí báo cáo về kết quả trồng rừng, về việc phát động phong trào Tết trồng cây với những con số rất cụ thể và ấn tượng, bỗng Bác ra hiệu cho đồng chí dừng lại và hỏi: “Chú khuếch đại không đấy? Những con số này chú lấy từ đâu?”. Đồng chí Tổng cục trưởng thưa: “Thưa Bác, con số này được tổng hợp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Lâm nghiệp nên rất đáng tin tưởng ạ”. Nghe vậy Bác hỏi tiếp: “Thế trong số 800 triệu cây trồng mới theo chú nói thì có tính cả cây sú, cây vẹt không?”. Đồng chí Tổng cục trưởng báo cáo: “Thưa Bác, nếu tính cả loại sú, vẹt thì không thể đếm xuể ạ”. Nghe đến đây Bác cười và nói: “Thế mà vừa rồi Bác xuống Nam Định khi nghe báo cáo về kết quả trồng cây, Bác hỏi có tính cả cây sú và vẹt vào không, các đồng chí Nam Định báo cáo với Bác là có tính cả đấy. Chú không đi cơ sở thì làm sao biết được sự thật. Chú đừng tự biến mình thành loại cán bộ lãnh đạo chỉ quen biết “sự thật” qua báo cáo”…
Câu chuyện trên có thể để lại nhiều bài học lớn cho các cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Trước hết, đó là phải nắm chắc thông tin từ cơ sở. Việc nắm đó có thể qua nhiều cách, nghe báo cáo trực tiếp, qua báo cáo bằng văn bản, qua báo chí, qua đội ngũ tham mưu…, nhưng dù bằng cách nào cũng cần có sự phối kiểm, thẩm định, để bảo đảm thông tin được khách quan, chính xác. Nếu cán bộ lãnh đạo nắm thông tin không đầy đủ, không chính xác thì có thể ra quyết định lãnh đạo không đúng đắn, thậm chí sai lầm. Chẳng hạn, lãnh đạo cấp trên hỏi về số doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động sau dịch nếu không nắm được con số chính xác thì không thể có chỉ đạo, định hướng phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp của địa phương hoạt động thuận lợi, phù hợp, hiệu quả.
Vấn đề đi cơ sở đương nhiên rất quan trọng. Chỉ nghe báo cáo mà không trực tiếp nắm bắt thông tin, sự việc từ cơ sở thì rất dễ tiếp nhận các con số, các thông tin rất “đẹp” mà tính chân thực có thể ở chiều ngược lại. Có khi, do sự trùng lắp, nhận thức khác nhau mà dẫn đến thông tin khác nhau, chứ chưa nói đến sự cố tình ngụy tạo số liệu “đẹp”, nếu không bám sát cơ sở thì lãnh đạo có thể tiếp nhận các thông tin sai lệch. Chẳng hạn, ở phường nọ, theo báo cáo, tổ chức phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đều cho thấy từng đơn vị hỗ trợ được 10 trường hợp khó khăn nên phường báo cáo lên quận là có 30 trường hợp được chăm lo. Nếu cán bộ của quận không tìm hiểu kỹ có khi thực tế cả 3 đơn vị cùng chăm lo chỉ bao nhiêu đó người nên đúng ra chỉ có 10 trường hợp chứ không phải “cộng dồn” thành 30 như báo cáo!
Bài học nữa đó là phải có sự hoài nghi khoa học khi tiếp nhận thông tin, báo cáo. Câu chuyện trên cho thấy, chỉ một câu hỏi “vặn” của Bác Hồ thì đồng chí Tổng cục trưởng đã bộc lộ “điểm hở”, từ đó cho thấy đồng chí không nắm chắc vấn đề. Do đó, khi nhận thông tin, cán bộ lãnh đạo không thể máy móc tiếp thu mà phải có cách thức ứng xử với các thông tin đó, nhằm bảo đảm thông tin đó là chính xác, phù hợp. Chẳng hạn, khi được cấp dưới báo cáo về các mô hình rất tích cực, hiệu quả thì phải tìm các điểm hợp lý và bất hợp lý để xác tín rằng các mô hình đó có trung thực, chính xác hay không. Trong trường hợp chưa có cách kiểm tra thông tin mà đã tin ngay rồi đề nghị lan tỏa, học tập kinh nghiệm… thì có khi bị “việt vị”!
Ngoài ra, phải nghe nhiều chiều, có đối chiếu, so sánh, kể cả ở những địa phương, đơn vị khác nhau chứ không nhất thiết ở những cơ quan có sự tương đồng. Như trong chuyện kể trên, từ “diện” là thông tin tổng ở cả nước, Bác Hồ đã đối chiếu với “điểm” ở một tỉnh và nhận ra ngay “độ vênh” giữa các thông tin, từ đó có thể chỉ ra được đâu là thông tin sai lệch. Thí dụ, quận nắm số liệu về chăm lo cho trẻ mồ côi do Covid-19 nhân dịp chuẩn bị năm học mới, thấy các số liệu của một số phường “chênh” quá nhiều, có thể đối chiếu tỷ lệ so với quy mô dân số, với tổng số trẻ mồ côi do dịch bệnh đã được thống kê là bao nhiêu, từ đó có thể phần nào đánh giá được sự chăm lo của các phường có đầy đủ không, hoặc có diễn biến nào bất thường không…
Trên thực tế, hiện nay việc nắm chắc tình hình thực tế ở cơ sở có nhiều điểm thuận lợi. Chẳng hạn, hệ thống lưu trữ được công nghệ hóa nên việc đối chiếu, truy xuất khá dễ dàng, trong trường hợp cần thiết chỉ điện thoại, gửi email, gửi tin nhắn để xác tín, từ đó có thể tìm ra được thông tin gần đúng nhất. Hay thông tin, báo cáo có được từ nhiều nguồn, vốn độc lập với nhau, khi cần có thể phối kiểm được ngay (như từ các địa phương, các ngành, của báo chí, của cá nhân…). Đồng thời, ngay cả việc giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân cũng được nâng cao về quy mô và hiệu quả nên qua đó có thể tìm ra các “đáp số” một cách nhanh chóng. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực đã có phần mềm, ứng dụng bảo đảm tính liên thông trong toàn hệ thống, có thể trích xuất theo từng “trường” khác nhau (như địa phương, cơ quan, lĩnh vực…) và số liệu đó sẽ bảo đảm sự chính xác, hợp lý.
Suy cho cùng, các phương tiện, công cụ là rất quan trọng nhưng thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên vẫn có ý nghĩa quyết định. Nếu cán bộ lãnh đạo không xem trọng thông tin, số liệu từ cơ sở báo lên thì có thể vô tình “tiếp tay” cho các báo cáo thiếu trung thực tồn tại, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Nếu cán bộ cấp dưới tắc trách, lơ là, làm đại khái… thì dù lãnh đạo có nhiều cách thức kiểm tra, giám sát vẫn khó bảo đảm luôn chính xác trong mọi trường hợp. Do đó, cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật trong việc xây dựng báo cáo, cung cấp thông tin, bởi nó không chỉ thể hiện tính thứ bậc hành chính mà còn liên quan đến việc phục vụ nhân dân. Trong các trường hợp cấp dưới cố tình báo cáo sai lệch, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh chung.
Vì vậy, cán bộ lãnh đạo phải biết “đọc” sự thật bằng nhiều cách, chứ không chỉ qua báo cáo!
Trúc Giang
(Sưu tầm)
Views: 5