Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời mình, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp giáo dục. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.


Trong xã hội mới, bản chất của nền giáo dục đã khác trước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: ”Thời trước, giáo dục là gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn. Có cơm chùa thì đánh chuông. Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước… Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”(1).
Giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, phải gắn liền với đời sống và sản xuất của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ thực tế. Trong giáo dục, học tập phải chú trọng kết hợp và phát triển hài hòa giữa tài năng và đạo đức. Có đạo đức tốt mà không đủ tài năng thì khó lòng giúp ích, ngược lại có tài năng mà không đạo đức là điều đáng ngại hơn cả. Vì vậy, việc dạy phải thế nào, việc học phải thế nào?
Trước hết, người dạy phải tâm huyết với nghề nghiệp, phải thấy được lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài: ”Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người chỉ ra nhiệm vụ, phương pháp giáo dục của từng cấp học là phải căn cứ vào lứa tuổi, tâm sinh lý của các em. Đó vừa là phương pháp giáo dục cơ bản, vừa là phương pháp giáo dục khoa học. Chẳng hạn: Dạy mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy thì phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây non lên tốt. Dạy trẻ nhỏ được tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Bậc tiểu học cần giáo dục các cháu yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu. Thầy cô giáo phổ thông phải đảm bảo cho học trò phổ thông những kiến thức chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây đựng phát triển của đất nước. Sinh viên đại học đã đến tuổi trưởng thành, thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực giúp cho công cuộc xây dựng nước nhà.
Người cũng nhấn mạnh công tác giáo dục phải có ”dịện” và ”điểm”. ”Diện” tức là phải phổ cập giáo dục cho toàn dân, làm cho đồng bào ta từ 8 tuổi trở lên ai cũng biết đọc, biết viết. Phát triển tinh thần này, Đảng và Nhà nước ta thực hiện phổ cập giáo dục rộng rãi trong nhân dân, tiến tới xã hội hóa giáo dục. Còn ”Điểm”’ tức là coi trọng việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Hằng năm, chúng ta tổ chức nhiều cuộc thi nhằm tìm kiếm nhân tài và tạo mọi điều kiện để tài năng đó phát triển toàn diện.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên tắc giáo dục là phải toàn diện: Về thể dục, làm cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và chung; Trí dục, ôn lại điều đã học và học thêm những tri thức mới; Mỹ dục, phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp; Đức dục, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, quý trọng của công, đồng thời cần rèn luyện đức tính thật thà và dũng cảm. Ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà thì yêu kính cha mẹ. Ở xã hội thì tùy sức mình mà tham gia làm những việc ích lợi chung cho xã hộị. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì công tác giáo dục là một mặt trận quan trọng. Giáo dục cung cấp độì ngũ cán bộ có tri thức xây dựng nền kinh tế bền vững và phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta tiến lên ngang tầm với các nước trên thế giới như Bác từng mong mỏi: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, đất nước Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”(2).
Giáo dục là sự nghiệp vĩ đại. Vì “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên bước phát triển mới.

(Sưu tầm)

Views: 433