Nâng cao chất lượng, hiệu quả lực lượng dân quân biển

Nguồn nhân lực lao động đánh bắt trên biển khá lớn với 39.740 lao động, trong đó có gần 32.000 lao động là người địa phương. Tổng số tàu, thuyền hiện đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh là 7.472 chiếc/982.563 CV. Hầu hết các tàu, thuyền lớn đều được trang bị các phương tiện thiết bị giám sát hành trình, liên lạc, tầm ngư hiện đại. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm bình quân ước trên 220.000 tấn.

Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh: Duy Thỉnh

Thực hiện Quyết định số 1902 ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình điểm tổ chức, huấn luyện, hoạt động và những biện pháp quản lý lực lượng DQTV biển”. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo và triển khai thành lập ra mắt 2 Trung đội dân quân biển tại xã Tam Thanh, huyện Phú Quý và phường Phước Hội, thị xã La Gi vào tháng 7/2011.

Trên cơ sở làm điểm tại 2 địa phương, tháng 6/2012 tỉnh sơ kết và triển khai giao chỉ tiêu cho các địa phương còn lại tổ chức xây dựng thêm 12 trung đội đồng loạt 6/7 huyện ven biển và đảo (trừ huyện Bắc Bình) quân số DQTV biển đạt tỉ lệ 3,5% so với tổng số lực lượng DQTV.

Sau khi Luật DQTV năm 2019 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, tỉnh ban hành Đề án “Tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng DQTV giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và quyết định giao chỉ tiêu xây dựng và huấn luyện lực lượng DQTV năm 2021, trong đó có cơ cấu lại về tổ chức, biên chế đối với DQTV biển với các tiểu đội ở các xã ven biển, đảo. Trong đó xác định lấy thị xã La Gi là đơn vị xây dựng điểm về mô hình Tiểu đội dân quân biển.

Lực lượng và phương tiện này hàng năm đều được Ban CHQS cấp huyện, xã phối hợp với các đồn Biên phòng tiến hành khảo sát, rà soát nắm chắc số lượng tàu thuyền, chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng và danh sách lao động trên từng tàu, thuyền để điều chỉnh bổ sung thay thế, đảm bảo duy trì lực lượng và phương tiện đúng số lượng và biên chế quy định. Phương pháp tuyển chọn vào lực lượng dân quân biển trong số chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng, người lao động tại địa phương có quan hệ họ hàng hoặc người góp vốn với chủ phương tiện hành nghề gắn bó lâu dài, ổn định trên tàu thuyền để đưa vào lực lượng dân quân biển.

Giao Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương tiện, nhân lực tàu thuyền đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng theo chỉ tiêu trên giao; sẵn sàng huy động tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc. Số tàu, thuyền có DQTV biển tham gia hoạt động đa dạng ở cả tuyến bờ, tuyến lộng và tuyến khơi.

Chất lượng của lực lượng dân quân biển, đảng viên đạt 5,43%, đoàn viên đạt 54,29% so với tổng số dân quân biển.

Công tác huấn luyện hàng năm, tùy thuộc vào điều kiện hoạt động đánh bắt trên biển của lực lượng dân quân và thời tiết trên biển, lực lượng DQTV biển đều được các địa phương tổ chức giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự tập trung với 100% quân số; đúng, đủ thời gian, nội dung theo quy định và được kiểm tra bắn đạn thật các bài bắn như: Bờ bắn biển, biển bắn biển do Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức..

Trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Hội đồng GDQP-AN tỉnh chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác bồi dưỡng KTQP-AN cho nhóm đối tượng khác trong đó có chủ phương tiện tàu thuyền, chủ hộ ngư dân. Đến nay toàn tỉnh tổ chức được 88 lớp/8.741 chủ hộ ngư dân, chủ phương tiện tàu thuyền. Hàng năm vào dịp Tết các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thông báo tình hình, nắm tâm tư, nguyện vọng và tặng quà các hộ gia đình có phương tiện tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Bảo đảm chế độ chính sách cho DQTV nói chung và chế độ đối với DQTV biển đều được các địa phương thực hiện theo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DQTV và Nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ trợ cấp ngày công lao động, hỗ trợ tiền ăn. Việc chi trả chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ chỉ huy dân quân biển được thực hiện hàng tháng khi người chỉ huy thực hiện nhiệm vụ báo cáo tình hình lực lượng dân quân theo biên chế được giao và tình hình, kết quả hoạt động trên biển.

Từ việc tổ chức, biên chế chặt chẽ, có hệ thống, vì vậy lực lượng dân quân biển kết hợp tốt vai trò vừa khai thác đánh bắt trên biển, đồng thời cùng phối hợp với các ngành chức năng như: Kiểm ngư, Biên phòng và các lực lượng khác tham gia quan sát, kiểm soát các hoạt động trên biển, kịp thời phát hiện tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải và các tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển, như: khai thác đánh bắt hải sản bằng chất nổ, khai thác tài nguyên dưới biển trái phép, đồng thời tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển… góp phần bảo đảm trật tự an ninh biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Từ năm 2010 đến nay tổ chức được 12.406 lượt cán bộ, chiến sĩ DQTV biển tham gia tuần tra, kiểm tra hoạt động trị an trên biển; phát hiện 16 chiếc tàu lạ đi vào vùng biển của ta, kịp thời báo cơ quan chức năng theo dõi xử lý. Phát hiện tham gia cứu nạn, cứu hộ 12 tàu, cứu được 108 lao động an toàn về đến đất liền. Tham gia khắc phục hậu quả lụt bão và sạt lở đất ven biển với gần 1.500 lượt người tham gia.

Trong thời gian tới, để nâng cao cất lượng xây dựng và hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV nói chung, đặc biệt là lực lượng dân quân biển, tỉnh Bình Thuận xác định tiếp tục củng cố phát triển lực lượng DQTV biển, thành lập Hải đội DQTT (năm 2023) theo hướng ổn định, chặt chẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động trên biển, đặc biệt trong công tác phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển.

Tập trung tuyển chọn những công dân có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, có trình độ văn hóa, lai lịch chính trị rõ ràng; ưu tiên bộ đội phục viên xuất ngũ chưa biên chế vào các đơn vị DBĐV, thuyền trưởng, máy trưởng, con, em chủ phương tiện tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ biển.

Củng cố, kiện toàn sắp xếp ổn định biên chế bảo đảm trên mỗi tàu, thuyền có lực lượng DQTV được biên chế ít nhất 1 tổ (3 đồng chí), lực lượng dân quân biển tổ chức khai thác, đánh bắt kết hợp với hoạt động trên biển được bố trí phù hợp trên các tuyến biển (tuyến bờ, tuyến lộng, tuyến khơi) và phù hợp với phương tiện, nhân lực và truyền thống đánh bắt hải sản của ngư dân từng địa phương.

Tiếp tục vận động các chủ phương tiện bảo đảm các trang bị cần thiết cho các tàu có DQTV như: Hải đồ, khí tài quan sát, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương tiện thông tin liên lạc và các loại công cụ hỗ trợ cần thiết khác đảm bảo cho DQTV hoạt động có hiệu quả trên biển.

Chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện DQTV biển theo đúng nội dung, thời gian do Bộ Tổng Tham mưu ban hành, chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng cán bộ các cấp, đồng thời tổ chức bắn đạn thật các bài bắn theo quy định, nâng cao chất lượng huấn luyện và nhận thức trách nhiệm đối với DQTV biển.

Tiếp tục nghiên cứu ban hành văn bản chỉ đạo trong xây dựng lực lượng, hỗ trợ chế độ chính sách cho lực lượng DQTV biển theo Nghị định 30, 130 của Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chiến đấu trên biển với các lực lượng Biên phòng, Công an, thủy sản và lực lượng khác có liên quan. Thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án; thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt, giao ban theo định kỳ đối với các cấp tiểu đội, trung đội nhằm nắm bắt và quán triệt kịp thời những thông tin liên quan, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân biển…

 Dương Văn An // https://baoquankhu7.vn.- 2021 (ngày 11 tháng 9)

 

 

 

Views: 389