Dừa Rạng trong ký ức du khách
Biển xứ Rạng (Hàm Tiến, Phan Thiết) như một cái vịnh nhỏ, mặt nước êm ả, bởi dải đất Mũi Né nhô ra biển che chắn sóng và gió.
Với lợi thế đó, sau 28 năm kể từ sau sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra vùng đất Hàm Tiến đã có hơn 100 khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát chạy dài theo bờ biển trong xanh. Bao rặng dừa xứ Rạng che nắng, che gió hai bên con đường ven biển ngày trước (nay là đường ĐT 706) ai cũng thích. Nhất là rặng dừa sát bờ biển, những cây dừa cổ thụ nghiêng mình chồm ra mặt biển, thân hình dẻo dai bám chắc vào gốc trước phong ba bão táp, các lão ngư cao tuổi ở Hàm Tiến còn nói “nhờ có những gốc dừa cổ thụ mà bờ biển ít bị sạt lở. Trước đây, Hàm Tiến có khoảng 150 ha dừa phân tán. Từ Phan Thiết đi Hàm Tiến, dừa xanh rợp bóng. Dừa Hàm Tiến nổi tiếng miền Trung, vì ngoài vẻ đẹp mang lại thì còn làm được nhiều việc như: Nấu dầu dừa, làm bánh tráng dừa, đánh dây xơ, xẻ gỗ làm nhà, lợp nhà. Con gái Hàm Tiến ngày đó da trắng hồng cũng bởi cả ngày không chịu cảnh nắng nôi…”. Thế rồi, khi các dự án du lịch mở rộng, bê tông hóa lối đi, công trình kiến trúc cao tầng theo năm tháng đã chen lấn gần hết rặng dừa xưa, chỉ có vài khu du lịch còn những cây dừa cổ thụ, nhưng cũng không nhiều. Nhiều khu nghỉ dưỡng trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã tận dụng hết đa số các gốc dừa cổ còn sót lại để làm cho khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường. Không những vậy, còn mua thêm dừa về trồng vào khu nghỉ dưỡng để tạo cảnh quan thơ mộng. Điều du khách thích thú là trong cái khu nghỉ dưỡng khá rộng rãi này đã dành phần lớn diện tích cho mảng vườn xanh với rặng dừa có thời gian sinh trưởng gần cả 100 năm. Dưới vườn dừa xanh được đặt các thiết bị sinh hoạt ngoài trời, du khách luôn được đắm mình vào môi trường thiên nhiên của xứ Rạng. Có lẽ các khu nghỉ dưỡng nói trên là số ít cơ sở du lịch ở Hàm Tiến còn giữ được “rặng dừa cổ thụ” có diện tích khá lớn và tuyệt đẹp.
Con đường ven biển ngày trước, bây giờ đã mở rộng, trải nhựa khang trang, sạch đẹp. Hai bên đường là những khu resort nối tiếp nhau, bê tông hóa thay thế rặng dừa xưa. Tuy nhiên, khi cấp dự án cho các nhà đầu tư làm du lịch tỉnh Bình Thuận có quy định “bê tông hóa không quá 30% diện tích”, nhưng các chủ resort vì nguồn lợi nên số cây dừa bị chặt hạ quá nhiều làm cho diện tích dừa bị thu hẹp và khoảng không gian cũng bị che khuất bởi công trình nhà cao tầng. Rặng dừa xứ Rạng ngày nào thơ mộng và quyến rũ lòng người chỉ gợi lại trong ký ức du khách mỗi khi được ngắm nhìn hàng trăm cây dừa cổ thụ cao vút, đung đưa theo chiều gió ở khu nghỉ dưỡng Cà Ty Mũi Né, Sài Gòn Mũi Né hay Hoàng Ngọc resort.
HỒ NHẬT//https://baobinhthuan.com.vn
Views: 0