Du lịch Bình Thuận tăng tốc !

Từ khi 2 tuyến cao tốc được thông tuyến, Bình Thuận đã có sự tăng trưởng rất lớn về số lượng khách du lịch, đặc biệt sau khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Có được kết quả ấy, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của các địa phương trong việc xây dựng, duy trì hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng góp phần giúp cho du lịch của tỉnh đạt được những kết quả khả quan.

Lấy lại “phong độ”

Việc tổ chức thành công Lễ khai mạc và các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 là cơ hội lớn để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước trong thời gian tới. Thấy rõ nhất những ngày cuối tuần trong dịp hè này, các con đường kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP. Phan Thiết tấp nập xe cộ qua lại, có thời điểm kẹt xe. Nghe chắc ít người tin, bởi nội thành Phan Thiết xưa nay luôn thông thoáng, kẹt xe là chuyện xưa nay hiếm, nhưng ngành du lịch đã thực sự lấy lại “phong độ” sau thời gian dài “ngủ đông”. Từ khi có cao tốc, các tour, tuyến mới được hình thành và phát triển mạnh như tuyến du lịch đảo Phú Quý, du lịch Cù Lao Câu, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy… thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và tìm hiểu về các điểm du lịch tại địa phương.

Dịp cuối tuần, Bình Thuận nhộp nhịp khách du lịch (ảnh: N. Lân)

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đón hơn 5,3 triệu lượt khách, tăng 82% so cùng kỳ năm ngoái (trong đó khách quốc tế có khoảng 133.500 lượt, tăng 4 lần so cùng kỳ), đối với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 13.450 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so cùng kỳ… Theo Sở Văn hóa – TT&DL, đây là kết quả vượt kỳ vọng, nhờ sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Những con số nêu trên góp phần mạnh mẽ động viên, khích lệ tinh thần nỗ lực của địa phương, doanh nghiệp vượt khó vươn lên, đồng thời tạo động lực, cổ vũ toàn ngành phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né

Tuy nhiên, hiện nay do tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp: xung đột chính trị, tôn giáo, cạnh tranh thu hút khách giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt… đã tác động không nhỏ đến ngành du lịch nước ta nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng, nên lượng khách du lịch quốc tế đến tỉnh phục hồi tương đối chậm. Ngoài ra, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú có dấu hiệu đi xuống, nhất là khu vực ven biển. Sản phẩm du lịch tuy đã có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Tình trạng buôn bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch vẫn còn và đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng… chưa được xử lý triệt để. Tình trạng xâm thực bờ biển và thiếu sự quản lý và thực hiện đồng bộ trong việc xây dựng các kè biển, đặc biệt là khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan và an toàn bãi tắm…

KDL Suối Tiên – Mũi Né

Sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với rất nhiều hoạt động trong dịp 2/9 sắp tới, nằm trong chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia và sự nỗ lực của các địa phương, có lẽ ngành du lịch của tỉnh sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu đặt ra. Đó là cả năm đón 6,720 triệu lượt khách, tăng 17,48% so cùng kỳ (trong đó khách quốc tế có 220.000 lượt, tăng 2,5 lần) và đạt tổng thu từ khách du lịch là 15.900 tỷ đồng, tăng 16,23% so với năm 2022. Nhìn xa hơn, phấn đấu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 – 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 từ 18 – 20%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10 – 11%.

Bãi đá Ông Địa (ảnh: N. Lân)

Để đạt được mục tiêu này, các địa phương, ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã có. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội độc đáo để thu hút khách… Hiện tại, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: Golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình… Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng – biển – đồi cát, chinh phục thiên nhiên, mạo hiểm; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng – MICE…

Bãi rêu Bình Thạnh (ảnh: N. Lân)

Thời gian tới, ngành du lịch Bình Thuận sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia năm 2023 tại Bình Thuận; Xây dựng xong công trình nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Pô Sah Inư… Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông tại các thị trường khách du lịch quốc tế về chính sách thị thực mới của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023. Cần chú trọng các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm, có lượng khách lớn, nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh… Tập trung chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế bắt đầu từ tháng 9.

Hòn Cau – Tuy Phong

Với những hoạch định cụ thể, cùng với những nỗ lực của ngành du lịch, hy vọng hoạt động du lịch Bình Thuận tiếp tục đạt được kết quả đáng mong đợi trong thời gian tới.

                                                                                                                                            MINH VÂN

Views: 0