Chủ tịch Hồ Chí Minh – tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về sự thống nhất giữa lời nói và việc làm

Không chỉ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải rèn luyện và nêu gương về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Ở Người, thống nhất giữa nói đi đôi với làm không chỉ là nguyên tắc đạo đức, là lẽ sống mà còn là biểu hiện sinh động của sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng, đạo đức và tác phong. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Người cũng luôn nhất quán thực hành, tu dưỡng đạo đức, kiên quyết phê bình, đấu tranh phòng và chống bệnh nói không đi đôi với làm. Tất cả những việc Người nói, những việc Người làm đều không ngoài một “sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. ​​​​​​​

Trong quan hệ và ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ dựa vào quyền lực, dùng quyền lực để hưởng đặc quyền mà luôn gương mẫu chấp hành quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 06/01/1946) tại Hà Nội, khi được đề nghị không phải ra ứng cử, Người viết thư cảm tạ và đề nghị đồng bào để mình được thực hiện quyền công dân: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ra ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ đồng bào nam, phụ, lão ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới, mà biểu hiện rõ nhất là tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu Tổ quốc và Nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hòa bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong những năm qua, toàn Đảng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và quy định này là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phòng, chống và ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần rèn luyện nhân cách của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp nói chung, các đồng chí lãnh đạo cấp cao nói riêng, củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Được xây dựng trên nguyên lý có xây, có chống và xây trước, chống sau, kết hợp giữa nói và làm, mà điểm cốt lõi là cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. Theo tinh thần của các chỉ thị, nghị quyết và quy định nêu trên, cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, ở mỗi cấp phải gương mẫu đi đầu và nêu gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp sự gương mẫu đi đầu trong rèn luyện đạo đức cách mạng và nâng cao bản lĩnh chính trị của mỗi người, nhất quán giữa nói và làm, nói trước và gương mẫu làm trước trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường tại mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị hay nơi địa bàn cư trú. Việc nêu gương, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp, lãnh đạo cấp cao phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, liên tục theo 8 nội dung “phải gương mẫu đi đầu thực hiện” và 8 nội dung “phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống” của Quy định số 08-QĐi/TW.

Cụ thể, “đối với tự mình”, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; về mọi mặt, công tác và việc thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú để cấp dưới và Nhân dân noi theo; phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà Nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Quá trình thực hiện nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bắt đầu từ việc xây dựng nội dung, kế hoạch và cam kết thực hiện; thể hiện ở tác phong, tinh thần, thái độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; thể hiện trong quan hệ với cán bộ, đảng viên ở cơ quan, địa phương, đơn vị, với Nhân dân nơi địa bàn cư trú.

“Đối với người phải” được thể hiện bằng hành động nói đi đôi với làm trong mọi mặt công tác và quan hệ với Nhân dân; được thể hiện toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ để xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phải nêu gương tự phê bình và phê bình trên tinh thần trân trọng nhân cách con người, trân trọng đồng chí, đồng nghiệp. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công việc cũng như khi tiến hành tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên “phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau” và chú trọng “tinh thần nhân ái và lập trường cách mệnh” để thuyết phục, cảm hóa, tránh dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Điều quan trọng của sự nêu gương chính là tự mình soi, tự mình sửa và luôn “phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình”, giúp đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm và ngày càng tiến bộ.

“Làm việc phải” chính là nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, kiên quyết chống thói nói một đằng làm một nẻo, hứa mà không làm; thường xuyên, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, v.v…

Việc triển khai thực hiện sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp nói chung, các đồng chí lãnh đạo cấp cao nói riêng đã tạo sự chuyển biến quan trọng từ nhận thức đến hành động trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền… Tuy nhiên, sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nói riêng có nơi, có lúc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tính tự giác, gương mẫu đi đầu, vai trò nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền chưa thật rõ nét, còn hình thức, chung chung, chưa tạo sự tâm phục, khẩu phục trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Trước tình hình trên, trong nhóm các giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ, Đảng đặc biệt chú trọng đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cụ thể sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, cần thấu triệt sâu sắc hơn những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần nêu gương thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XII để mỗi người tự soi, tự sửa, tự rèn luyện theo 3 chuẩn mực đạo đức cách mạng: “Tự mình phải”, “Đối với người phải”, “Làm việc phải”; coi đó là việc làm thường xuyên, liên tục, nề nếp, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên.

Hai là, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương đạo đức cách mạng trong công việc lẫn đời tư, tại nơi công tác cũng như địa bàn cư trú. Thông qua đó, nâng cao tinh thần, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi cán bộ, đảng viên và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ, đảng viên suy thoái, tham ô, tham nhũng.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ; trong đó, xây dựng những chuyên đề cụ thể về nêu gương thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nêu gương về tự phê bình và phê bình; nêu gương trong đảm nhận việc khó với những nội dung thiết thực, để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Thông qua đó, xây dựng tác phong, lề lối làm việc tận tụy phụng sự Nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên./.

Views: 748