Câu chuyện cái giường của Bác

Khoảng tháng năm 1964, Văn phòng Phủ Chủ tịch cùng Bộ trưởng Bộ Nội thương và Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Cơ khí Nội thương bàn việc đóng cho Bác một chiếc gường cá nhân.

Lúc đó, Nhà máy cơ khí Nội thương mới được thành lập và chịu sự quản lý của Cục kiến thiết cơ bản Bộ Nội thương. Ngoài phần cơ khí nhà máy còn sản xuất cả đồ mộc. Tuy là nhà máy của một ngành, nhưng biên chế cũng mới chỉ có vài chục người, máy móc cũng không nhiều. So với các nhà máy “đàn anh” khác như Trần Hưng Đạo, với một số máy móc và đội ngũ kỹ thuật viên giỏi thì nhiệm vụ này thật bất ngờ đối với Nhà máy Cơ khí Nội thương.

Người được giao nhiệm vụ vinh dự này là đồng chí Phó Giám đốc kỹ thuật Trần Vĩnh Xương, người từng tham gia thiết kế và chế tạo nhiều sản phẩm cơ khí, kể cả vũ khí, các sản phẩm đồ gỗ cao cấp, chuyên dụng. Tuy nhiêu, đóng giường cho Bác Hồ lại là một việc hoàn toàn khác, vì đây không phải là chiếc giường đặc biệt, khác kiểu dáng hay có thiết bị đặc biệt. Đồng chí Trần Vĩnh Xương bối rối và lo lắng. Khi trao đổi, đồng chí cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch cũng không đưa ra yêu cầu cụ thể mà chỉ nói chung chung, làm sao để Bác có thể chấp nhận.

Sau vài ngày suy nghĩ, nhận thấy Bác là người sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên và nhân dân, luôn chú trọng giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng chí Trần Vĩnh Xương chủ trương phải làm chiếc giường theo những chủ trương đó. Chiếc giường cá nhân của Chủ tịch dần dần hình thành trong ý đồ thiết kế của tác giả: đó là chiếc giường gỗ đơn giản, rộng 1m2, không chạm trổ cầu kỳ. Bốn chân giường choãi ra, vững chãi như mang dáng hình của chiếc chõng tre mộc mạc. Dát giường bằng gỗ bào nhẵn để mùa hè đến, Bác có thể bỏ chiếu ra, chiếc giường sẽ trở thành chiếc phản gỗ mát mẻ và cũng rất Việt Nam.

Sau ba ngày, đồng chí Xương cùng một số công nhân có kỹ thuật cao tìm chọn loại gỗ chắc, bền, đẹp để đóng giường theo thiết kế. Chiếc giường làm xong nhưng mọi người càng hồi hộp hơn, chờ ý kiến nhận xét của Bác. Anh em chỉ nhận được một thông báo ngắn: “giường đã được kể ở phòng ngủ trong nhà sàn Bác Hồ”. Mọi người tương đối yên tâm vì biết Bác đã ưng sản phẩm của mình.

Vào một ngày giáp Tết Ất Tỵ (1965), đồng chí Trần Vĩnh Xương đang ở nhà thì có chiếc xe con đến đỗ trước cửa. Một người khách xuống xe, xách theo hai con cá mè khá to. Đó là đồng chí Vũ Kỳ, người giúp việc của Bác, đem quà của Người đến tặng. Và thật cảm động, đó là chính là những con cá do Người chăm nuôi hàng ngày trong ao, cạnh nhà sàn. Nhân đó, đồng chí Xương đã mời cán bộ, công nhân trong nhà máy đến liên hoan và cùng chia sẻ món quà đầy ý nghĩa của Bác.

Chiếc gường đó đã được Bác dùng trong suốt những năm chống Mỹ cứu nước, cho đến ngày đi xa. Nó đã trở thành một di vật thiêng liêng trong căn nhà sàn bình dị của Người. Nó không chỉ là sản phẩm riêng của tác giả Trần Vĩnh Xương của Nhà máy Cơ khí Nội thương, mà còn là sản phẩm của một đức tính: cần kiệm, giản dị đến mực thước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(st)

Views: 2263