Bác Hồ viết nhân dịp Tết Mậu Tý – 1948

Năm 1948, cả nước đã thực hiện theo chỉ thị của Đảng ta và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cầm cự, giành nhiều thắng lợi mới, đặc biệt là các trận đánh ở quy mô chiến dịch. Thế và lực của dân tộc ta đi lên với sức Xuân mới, tiến bộ mới. Bác Hồ viết thư động viên các đơn vị, tập thể, cá nhân, trong năm 1948, Người đều gửi lời chúc “Chào thân ái và quyết thắng” như một thông điệp mang sức xuân bất hủ, cho Tổ quốc mãi mãi đoàn kết và thành công.

Tết Mậu Tý 1948, Bác Hồ ở và làm việc tại Bản Ca, Bình Trung, Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Người đã họp trù bị với một số vị ủy viên Trung ương về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương mở rộng; sau đó, Người chủ tọa Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (mở rộng) để đánh giá những diễn biến trong so sánh lực lượng giữa ta – địch và đề ra những nhiệm vụ về chính trị, quân sự, kinh tế, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong năm 1948.

Từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1948, Người chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn một số vấn đề về nhân sự, việc phong quân hàm cho một số tướng lĩnh, việc khen thưởng, vấn đề tài chính, ngân sách năm 1948, vấn đề nông nghiệp, giao thông, giáo dục, tư pháp, y tế.

Ở cương vị là Chủ tịch nước, Người đã ký 27 Sắc lệnh, trước Tết âm lịch, trong đó có sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp-Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ, kể từ ngày 20-1-1948.

Chào xuân kháng chiến thứ hai, đón Tết Mậu Tý 1948, Bác Hồ viết Thơ chúc Tết Mậu Tý, bài báo “Thanh niên phải làm gì?” Người gửi thơ cho Thứ trưởng Bộ giao thông công chính Đặng Phúc Thông, gửi Thư tới Ban biên tập Báo Bạn chiến đấu, thư gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện của ba tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Bài Thơ chúc tết gửi tới đồng bào và chiến sĩ cả nước là bài thơ 5 chữ với 8 câu, soi sáng con đường và niềm tin cho Tổ quốc:

Năm Hợi đã đi qua

Năm Tý vừa bước tới.

Gửi lời chúc đồng bào,

Kháng chiến được thắng lợi.

Toàn dân đại đoàn kết,

Cả nước dốc một lòng

Thống nhất chắc chắn được,

Độc lập quyết thành công.

Điểm nhấn trong bài Thơ chúc Tết là hai câu thơ “Toàn dân đại đoàn kết, Cả nước dốc một lòng”; năm 1948 sẽ là năm khởi đầu phong trào thi đua ái quốc, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Nhân dịp đầu Xuân, Người tặng một chiếc áo cho Thứ trửơng Bộ Giao thông công chính Đặng Phúc Thông và gửi kèm một bài Thơ Xuân thân tình, lạc quan, giàu tình cảm. Bài thơ như sau:

Chú Thông,

Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi,

Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi.

Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.

Chú mang cho ấm cũng như tôi.

Với thanh niên, tuổi trẻ, sức xuân của dân tộc kháng chiến, kiến quốc trên báo Sự thật, số 89, số Tết Mậu Tý, với bút danh A.G, Bác Hồ đăng bài: “Thanh niên phải làm gì?”. Người chỉ rõ những nguyên nhân làm cho Đoàn thanh niên Việt Nam hoạt động còn kém hiệu quả và năm tới, Thanh niên Việt Nam phải phấn đấu về phẩm chất và năng lực về nhiều mặt Người nêu một số nhiệm vụ chính:

“Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập.

Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị.

Phải có quyết tâm đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được.

Phải có lòng ham tiến bộ ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp

Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do.

Như thế mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà”(1)

Người cũng viết một bức thư gửi báo Bạn chiến đấu. Đây là tờ báo địch vận của ta. Cơ quan báo đóng giữa một khu rừng sâu Việt Bắc. Báo xuất bản bằng tiếng Đức, nhằm thức tỉnh lính Lê Dương người Đức, người Áo, trong đội quân viễn chinh của thực dân Pháp ở Việt Nam. Báo Bạn chiến đấu tuyên truyền để họ phản chiến, chấm dứt cuộc đời làm lính đánh thuê cho thực dân Pháp ở Việt Nam.

Trong thư gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bác Hồ đã nêu rõ những khuyết điểm, yếu kém của các cấp chính quyền địa phương trên các mặt quân sự, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Người yêu cầu và động viên các đồng chí ở ba tỉnh:

“Các đồng chí cần phải căn cứ vào những khuyết điểm mình tự nhận thấy, mà lập tức lập một chương trình thiết thực, bệnh nào thuốc ấy để sửa chữa ngay những khuyết điểm đó.

Các đồng chí phải theo sát hoàn cảnh, đi sát với dân chúng. Phải đem cả lòng vì nước, vì dân, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính mà làm cho ba tỉnh ta mau tiến bộ.

Các đồng chí có thể làm, các đồng chí phải làm cho kì được.

Chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 9 tháng 2 năm 1948

Hồ Chí Minh”(2)

Điều đáng lưu ý là trong bức thư trên Bác Hồ đã nêu rõ những phẩm chất đạo đức của người cán bộ, những nét đạo đức hết sức cần thiết và cơ bản vừa trước mắt vừa lâu dài, như: Vì nước, vì dân, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, theo sát hoàn cảnh, đi sát với nhân dân, sửa chữa khuyết điểm, lập chương trình hành động thiết thực. Và do vậy, bức thư gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện của ba tỉnh có giá trị phổ biến và lâu dài.

Ngày 28 tháng chạp năm Đinh hợi, (ngày 7-2-1948) Bác Hồ đã chủ động mời đại biểu Ban thường vụ trung ương Đảng, Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy… dự bữa cơm tất niên, đón mừng năm mới.

Nhân dịp này, người kể những mẩu chuyện hồi hoạt động ở Trung Quốc, ở châu Âu, những lần bị giam, những kỷ niệm ngày Tết nơi đất khách quê người. Từ đó, Người chuyển sang bàn việc năm mới. Người nói, đại ý: Trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến.

Với tinh thần chủ đạo nói trên, ngay sau tết âm lịch – Mậu Tý 1948, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào thi đua ái quốc rộng khắp trên cả nước. Các cơ quan Trung ương của Đảng và các Đoàn thể, Chính phủ vừa lãnh đạo chỉ đạo, vừa bước ngay vào phong trào thi đua sớm nhất. Tiếp đó là các giới, các ngành, các địa phương.

   Trần Quang Vinh

Nguồn:Tạp chí Lịch sử Đảng. 4/2/2008.

Views: 6453