74 năm Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 (16/9/1950 – 16/9/2024)
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:
74 NĂM CHIẾN THẮNG BIỂN GIỚI THU ĐÔNG 1950 (16/9/1950 – 16/9/2024)
- Nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” trong Chiến dịch Biên giới
- Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950: Thắng lợi và bài học lịch sử
- Nhớ thời quân ngũ: Nhớ mãi kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu
————————————————————————
NGHỆ THUẬT “ĐÁNH ĐIỂM, DIỆT VIỆN” TRONG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI
Trong Chiến dịch Biên giới (diễn ra từ ngày 16-9 đến 14-10-1950), lần đầu tiên quân ta tiến hành vận động tiến công quy mô đại đoàn, tiêu diệt gọn các binh đoàn tinh nhuệ của địch.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh, quân ta quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch “Lê Hồng Phong 2”, tiến công địch trên tuyến phòng thủ Đường số 4 thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới Việt-Trung, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa. Hội nghị cán bộ chiến dịch họp cuối tháng 8-1950, Bộ chỉ huy chiến dịch đã nhấn mạnh nguyên tắc đánh tiêu diệt. “Phải lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính, không đánh tiêu hao hoặc đánh tan… Phàm những trận không tiêu diệt được sinh lực địch đều coi là không hoàn thành được nhiệm vụ chiến đấu”.
Các nhiệm vụ đề ra cho chiến dịch liên quan mật thiết với nhau nhưng nhiệm vụ hàng đầu là “tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch”. Đó là điều kiện chủ yếu để đạt mục đích giải phóng đất đai, khai thông biên giới. Trong điều kiện thực tế lúc đó trình độ trang bị và khả năng chiến đấu của Quân đội ta, thế bố trí của địch, đặc điểm địa hình rừng núi Đông Bắc, cách đánh tốt nhất để tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và hạn chế thương vong của ta là đánh vận động, đánh địch ngoài công sự. Phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính” đã trở thành hành động chủ động, sáng tạo của từng phân đội trong những tình huống rất khẩn trương, nhất là khi hai binh đoàn địch xuất hiện. Trong nhiều trường hợp cụ thể ngoài tầm chỉ đạo, chỉ huy của cấp trên, nhiều phân đội đã “chủ động hiệp đồng theo tiếng súng”.
Trong trận ở Cốc Xá-điểm cao 477, ta sử dụng Đại đoàn 308 vận động đánh địch ở địa hình rừng núi, trong phạm vi gần 60km, thực hiện chia cắt, kiềm chế hai binh đoàn Charton và Le Page cơ động của địch, dồn chúng vào thế bất lợi, tổ chức các bộ phận đón lõng, bao vây, chia cắt để tập trung diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ binh đoàn Le Page ở Cốc Xá. Tiếp đó, Đại đoàn 308 phối hợp với Trung đoàn 209 ngăn chặn, chia cắt rồi vận động tiến công tiêu diệt toàn bộ binh đoàn Charton tại điểm cao 477. Kết quả, quân ta đã diệt và bắt toàn bộ quân địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn vượt xa dự kiến ban đầu của ta.
Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc thực hiện phương châm tác chiến này bộc lộ rõ trong những ngày cuối chiến dịch, khi ta chuyển sang truy kích địch. Do tác động của nhiều yếu tố (tổ chức cơ quan cồng kềnh, mệnh lệnh chuyển đạt chậm, ý thức chấp hành mệnh lệnh của cán bộ thiếu khẩn trương, sức lực bộ đội giảm sút rõ rệt sau nhiều ngày chiến đấu liên tục, tiếp tế khó khăn, địch rút chạy vội vã ngoài dự kiến của ta…) cho nên hiện tượng phổ biến trong mấy ngày truy kích là “ta chỉ chú trọng đuổi địch đi hơn là đuổi cho kịp địch mà tiêu diệt”.
Trong chiến dịch này, quân ta tập trung ưu thế hơn hẳn về binh lực, hỏa lực trong các trận then chốt từ đánh điểm đến diệt viện. Ở trận Đông Khê, ta tập trung binh lực ưu thế (ta 9 địch 1) và hỏa lực, mở cửa đột phá trên nhiều hướng nên giành thắng lợi, mặc dù trận đánh kéo dài hơn và thương vong nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, việc sử dụng hỏa lực và hiệp đồng bộ binh-pháo binh còn nhiều khuyết điểm, nhất là trong ngày đầu: Hỏa khí tập trung nhưng mỗi lần bắn, chỉ bắn một khẩu; về mặt hiệp đồng thì bộ binh và pháo binh hành động không ăn khớp, pháo bắn sau hai giờ thì xung kích mới lên…
Khi chuyển sang đánh viện, ta tập trung lực lượng ở các vị trí cơ động giữa Đông Khê và Thất Khê, nhưng so với trận đánh điểm thì đánh vận động tỷ lệ tập trung thấp hơn. Ngày 2-10-1950, khi quân ta bắt đầu đánh binh đoàn Le Page, ta 13 tiểu đoàn, địch 4 tiểu đoàn. Ngày hôm sau, khi binh đoàn Charton xuất hiện thì ta 16 tiểu đoàn (gồm cả Trung đoàn 174 mới từ phía Nam lên) còn địch có 7 tiểu đoàn. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ đó chỉ là 2/1, vì hai tiểu đoàn của Trung đoàn 174 phải triển khai trận địa đón lõng quân địch ở khu vực sông Bắc Khê.
Suốt 5 ngày, các đơn vị phải tiến hành đồng thời nhiều nhiệm vụ tác chiến: Diệt địch ở Khâu Luông đồng thời với chặn địch ở Cốc Xá; dứt điểm binh đoàn Le Page ở Cốc Xá đồng thời với chặn binh đoàn Charton từ hướng Quang Liệt về điểm cao 477; truy quét tàn binh địch ở Cốc Xá-điểm cao 477 đồng thời với chặn cánh quân của địch…
Nguyên nhân chủ quan có ý nghĩa quyết định thắng lợi của trận đánh trong điều kiện mức tập trung của ta không cao, đó là cách xử trí tình huống của Bộ chỉ huy chiến dịch khi cả hai binh đoàn địch cùng xuất hiện. Việc điều hai tiểu đoàn của Trung đoàn 209 ngày 4-10 lên hướng Quang Liệt, về hình thức có thể coi là phân tán lực lượng của ta, nhưng đó là cách xử trí rất sáng suốt nhằm ngăn chặn bước tiến của cánh quân Cao Bằng, làm cho hai binh đoàn địch chậm lại không phối hợp được với nhau hòng tạo thành sức mạnh đối phó với ta.
Chính với quyết tâm diệt binh đoàn Le Page trước, đồng thời kiềm chế binh đoàn Charton, nên ta tạo được thời cơ và điều kiện tập trung lực lượng, vừa tạo được thế trận chia cắt có lợi cho ta, phá thế co cụm của hai binh đoàn địch, vừa tạo nên sức mạnh đúng lúc, đánh đúng đối tượng cụ thể trước mắt, tiến tới tiêu diệt cả hai binh đoàn địch bằng hai trận then chốt gối đầu, kế tiếp trong ưu thế tương đối về so sánh tương quan lực lượng…
Văn Biền, Đức Hiếu // https://www.qdnd.vn/
————————————————————————
CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI THU – ĐÔNG 1950: THẮNG LỢI VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
Cách đây 74 năm, ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 đã giành thắng lợi to lớn sau 29 ngày đêm quân ta chiến đấu quyết liệt, anh dũng và mưu trí (từ 16/9 đến 14/10/1950). Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp trên tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn. Chiến dịch đã mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
————————————————————————
NHỚ THỜI QUÂN NGŨ: NHỚ MÃI KỶ NIỆM VỀ BÁC HỒ KÍNH YÊU
Trong ký ức của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu, những lần vào sinh ra tử cùng đồng đội chống quân xâm lược và kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu sẽ không thể nào phai mờ trong tâm trí ông.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, trên cương vị Tiểu đội phó, Trung đội 2, Đại đội 671, La Văn Cầu cùng đồng đội nhận nhiệm vụ dùng bộc phá đánh lô cốt địch tại cứ điểm Đông Khê. Dù bị thương ở mặt, nát cánh tay phải nhưng La Văn Cầu vẫn ôm gói bộc phá tiêu diệt lô cốt địch sau khi nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay cho đỡ vướng. Anh hùng La Văn Cầu xúc động kể rằng, dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng ông cảm thấy rất đau đớn. Nỗi đau không phải do mất cánh tay mà bởi trong trận đánh này, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh.
Tháng 5-1951, với những thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Biên giới, La Văn Cầu vinh dự được báo cáo thành tích với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK. Nhận thông báo của cấp trên, chiến sĩ La Văn Cầu phấn khởi, lập tức lên đường. Đi bộ gần hai ngày từ thị xã Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đến cuối giờ chiều hôm sau, La Văn Cầu cùng đồng chí liên lạc viên mới về đến nơi. Trước khi đi, chỉ huy giao nhiệm vụ cho La Văn Cầu thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúc sức khỏe Bác Hồ, nhưng khi gặp Người, La Văn Cầu xúc động chưa kịp nói gì thì Bác Hồ đã ân cần thăm hỏi, động viên.
Anh hùng La Văn Cầu nhớ lại: “Lúc đó, tôi nói tiếng Kinh còn chưa rõ, nhưng Bác Hồ luôn lắng nghe và hiểu được hết. Trước khi gặp Bác, tôi luôn suy nghĩ phải nói như thế nào cho đúng, nhưng khi được ăn cơm, trò chuyện với Bác thì bao nhiêu lo lắng tan biến hết. Người gần gũi và ấm áp, bao dung, giống như người cha đối với người con vậy”.
Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất (từ ngày 1 đến 6-5-1952) tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, sau khi biết hoàn cảnh gia đình La Văn Cầu, Bác Hồ xúc động nói rằng: Mẹ Lục Thị Quý, thân sinh của cháu Cầu, chỉ có một con trai nhưng đã động viên con đi chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Vậy thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi!
Đầu năm 1955, Nhà nước mời các gia đình tiêu biểu có công với cách mạng về gặp mặt tại Hà Nội, bà Lục Thị Quý cùng La Văn Cầu lại được về gặp Bác Hồ, được ăn cơm với Người.
Tấm gương Đại tá, Anh hùng La Văn Cầu đã được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ. Năm nay, dù đã ngoài 90 tuổi, nhiều ký ức có thể phai mờ nhưng những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu đối với ông không thể nào quên.
Views: 11