Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2024)
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:
KỶ NIỆM 113 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
(05/6/1911-05/6/2024)
- Cuộc hành trình làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc
- Giải mã lịch sử sự kiện Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước
- Hành trình của trái tim yêu nước, thương dân
- Giới thiệu Sách chuyên đề: Một vài tài liệu về Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận
———————————————————————-
CUỘC HÀNH TRÌNH LÀM THAY ĐỔI VẬN MỆNH CỦA CẢ DÂN TỘC
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville của Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (lúc ấy vừa tròn 21 tuổi), đã rời Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc. Có ai biết được rằng, chuyến đi này không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi chính từ dấu mốc này, Bác đã tìm ra hướng đi đúng đắn, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chúng biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến và dùng mọi thủ đoạn thâm độc khai thác tài nguyên, bóc lột dã man của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc. Phát huy truyền thống yêu nước, nhân dân ta đã đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nhưng đều thất bại. Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã xuất dương tìm đường cứu nước nhưng vẫn chưa tìm ra được con đường thực sự hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Và ngày 5/6/1911 với tên mới Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral La Touche De Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu cho hành trình tìm đường cứu nước.
Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Người quyết định sang Phương Tây, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái”; xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào.
Trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân lâu ở Mỹ, Anh và Pháp. Người hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, như: phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh, làm vườn, vẽ thuê… Vừa làm, Người vừa tranh thủ học tập, nghiên cứu…
Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tuy bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa; đồng thời cũng đem lại cho Người một nhận thức là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.
Sau này, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 tổ chức tại TP Tours (Pháp), Bác ủng hộ Quốc tế cộng sản 3, tổ chức đứng về nhân dân thuộc địa và khẳng định với nữ đồng chí Rose: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” .(1).
* Bước ngoặt lịch sử
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sau này, khi nhắc lại sự kiện quan trọng đó trong bài viết trên báo Nhân dân ngày 22/4/1960 về thời khắc Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin vào giữa tháng 7/1920, Bác viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (2)
Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, với lập trường yêu nước đúng đắn, Người đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (3) và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (4). Kết luận này khẳng định sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản – người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã dần dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
* Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc
Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng.
Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Tháng 8/1945, với tư duy chính trị cực kỳ nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc – Thời đại Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; Là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế…
Trong sự nghiệp đổi mới, trước bao diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, với những khó khăn ở trong nước, Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Trong Diễn văn kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời!”./.
Minh Duyên // https://nvsk.vnanet.vn/
————-
(1): Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2006, t.1, tr.111-112
(2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.562
(3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.30
(4) Hồ chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 563.
———————————————————————-
GIẢI MÃ LỊCH SỬ SỰ KIỆN NGUYỄN TẤT THÀNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Nhìn lại lịch sử dân tộc, đã có hàng triệu cuộc rời xa đất nước, ra đi tìm sự giải mã cho ẩn số lịch sử, ẩn số cuộc đời.
Trong số các cuộc ra đi như vậy trong lịch sử hiện đại, tiêu biểu nhất là cuộc ra đi vì đại nghĩa cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành ngày 5-6-1911, để lại dấu ấn định hình lịch sử cho Việt Nam và cho nhân loại trong thế kỷ XX, đặt tiền đề định hướng khát vọng dân tộc bước sang thế kỷ XXI.
1. Trong thời Bắc thuộc, có một số vị trạng nguyên của người Giao Chỉ bị trưng dụng qua phục vụ các triều đại phong kiến Trung Quốc, dù được trọng đãi nhưng vẫn nặng lòng cố quốc. Thế kỷ XV, Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt và đày qua phương Bắc, tới ải Nam Quan còn căn dặn con trai là Nguyễn Trãi hãy quay trở về tìm đường cứu nước, cứu dân, đó mới là đạo hiếu nghĩa.
Thời Pháp thuộc, có một số ông vua triều Nguyễn bị đày biệt xứ, gửi thân phận ở xứ người (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân); Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều ra đi mỗi người một phương trời, người thì hướng về văn minh phương Tây (đến Pháp), người thì hướng về văn minh phương Đông (sang cầu cứu Nhật Bản), nhưng đều có kết cục không có đường ra cho lịch sử nước nhà. Còn trong nước, có tới vài chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, mang đủ màu sắc, rốt cuộc đều bị kẻ thù “dìm trong biển máu”. Có nhiều lý do biện minh cho sự thất bại, nhưng chung quy có mấy lý do chủ yếu, đó là:
Trong thời đại chủ nghĩa tư bản thịnh trị nửa cuối thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây rất khát khao mở rộng thị trường, tìm nguồn tài nguyên để vơ vét đưa về chính quốc và bóc lột sức lao động ở thuộc địa. Xứ An Nam là một trong những nước phong kiến nghèo nàn, lạc hậu, nên không tránh khỏi họa xâm lăng và mất quyền tự chủ.
Triều đình nhà Nguyễn ra đời từ mối hận thù giai cấp, coi nhà Tây Sơn và giai cấp nông dân là “giặc cỏ”, “phản loạn”, nên đã dồn đủ mọi kế sách để báo oán, tận diệt nhà Tây Sơn, phòng bị đối phó với nông dân. Mặt khác, Nguyễn Ánh chính là người cầu cứu thực dân Pháp qua đánh Tây Sơn, nên triều Nguyễn không đủ tư cách để đại diện cho lực lượng lãnh đạo tối cao trong cuộc kháng Pháp.
Các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ mạnh, lan rộng hầu khắp từ miền Trung ra miền Bắc, tới miền Đông Nam Kỳ, dù dưới danh nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương hay mang tính chất nông dân, thì cũng chỉ bị khuôn lại bởi tư tưởng phong kiến lỗi thời, suy tàn. Có thời điểm sau khi vua Tự Đức băng hà, Pháp đã thao túng triều Nguyễn, bốn tháng thay tới 3 vua; các văn thân, sĩ phu, hay anh hùng nông dân như Hoàng Hoa Thám đều chưa đủ tầm nhìn xa, trông rộng. Duy chỉ có nhận thức của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu hướng tới văn minh tư sản, nhưng các ông cũng chưa vượt lên trên vòng kim cô của chế độ phong kiến. Hơn nữa, các ông cũng chưa đủ khả năng nhận ra bản chất áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc.
Trước họa xâm lăng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bị chia năm xẻ bảy. Trong triều đình thì phái chủ chiến và phái chủ hòa tranh đoạt quyền bính. Bên ngoài thì lòng dân chán ngán triều đình; dân gian bấy giờ rêu rao “vua là tượng gỗ, dân là thân trâu”. Kẻ thù thì lại hoàn toàn khác so với các loại giặc xâm lăng phong kiến trước đây, bọn họ là thế giới tư bản phương Tây, hơn hẳn ta về thang bậc phát triển.
2. Những hạn chế lịch sử nêu trên, chỉ có thể được phát hiện và tìm cách gỡ đúng nút thắt bởi Nguyễn Tất Thành – đây là người được sinh ra cho những quyết định mở đường mới cho lịch sử nước nhà. Sứ mệnh lịch sử của Nguyễn Tất Thành được khởi sự bằng sự kiện cách đây 113 năm, ngày 5-6-1911. Động cơ ra đi của Nguyễn Tất Thành có nhiều điểm khác những thế hệ đi trước và cùng thời. Trước hết là sự “tò mò chính trị” bởi một số thuật ngữ mới lạ từ phương Tây, như: Tự do, bình đẳng, bác ái. Những từ ngữ đó không phải các nước văn minh (tự xưng, tự cao ngạo) cho rằng, họ đã phát kiến như cuộc phát kiến địa lý, mà thực chất là bởi sự tiến hóa của nhân loại từ mông muội tới văn minh, từ áp bức nô dịch tới đấu tranh giai cấp, giải phóng con người.
Những thuật ngữ đó rất cuốn hút tâm trí của Nguyễn Tất Thành, vì hằng ngày, thâu đêm suốt sáng, cậu thiếu niên trạc 13 đến 15 tuổi đã chứng kiến cảnh nô dịch dã man. Phong kiến Nam triều thì là cường hào ác bá, còn thực dân Pháp thì là ác quỷ mắt xanh mũi lõ, thân phận dân ta như kiếp trâu ngựa, biết lối nào mà thoát. Các bậc cha chú của Nguyễn Tất Thành thường tụ nghĩa bàn chuyện cơ sự thâu đêm, nhưng chưa thấy ai thành công, chỉ thấy máu chảy, đầu rơi.
Bản thân gia đình Nguyễn Tất Thành cũng lâm vào cảnh nhà tan, cha bị phế chức, anh trai và chị gái bị giam cầm, bản thân Nguyễn Tất Thành cũng vì tham gia hưởng ứng phong trào Duy Tân mà bị đuổi học, bị truy tìm gắt gao. Như vậy, trong con người Nguyễn Tất Thành đã thừa kế huyết thống yêu nước thương nòi, giàu trí tuệ, sinh ra trên vùng quê giàu truyền thống lịch sử, trong một dân tộc giàu tinh thần bất khuất. Đó là vốn liếng quý báu làm hành trang vô hình cho cuộc hành trình cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành (từ năm 1919 nhân danh là Nguyễn Ái Quốc).
Con đường Nguyễn Tất Thành đi tìm là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng nhân loại cần lao. Thân phận bồi bếp trên tàu buôn của Pháp đã mở ra cơ hội cho Nguyễn Tất Thành thâm nhập vào thế giới những người cần lao trên khắp hành tinh. Con tàu đó cũng là phương tiện phù hợp giúp cho Nguyễn Tất Thành đi được nhiều nơi, tiếp cận được nhiều cảnh đời khốn khổ, thấy cảnh bất công, đến những thành phố cảng hàng đầu thế giới, nơi mà sự phồn vinh của thế giới hiện đại đều hiện hữu. Sự tiếp cận với văn minh hiện đại cũng là ưu thế cho Nguyễn Tất Thành tiếp thu được tinh hoa thế giới một cách đa dạng, sinh động, mở tầm tư duy văn hóa chính trị mang tính toàn cầu.
Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ thắng lợi, cùng với sự ra đời của Quốc tế Cộng sản là chất xúc tác chính trị trực tiếp làm thay đổi nhận thức của Nguyễn Ái Quốc. Cách mạng Tháng Mười Nga giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc câu hỏi lớn: Làm thế nào có được độc lập, tự do? Câu trả lời chuẩn mực, duy nhất đúng là cần có một chính đảng vô sản lãnh đạo quần chúng cách mạng vùng lên giành chính quyền, bước tiếp đi lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Vécxây đã giúp Nguyễn Ái Quốc biết được rằng, chỉ có cách mạng mới đòi lại được quyền độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, kẻ thù không bao giờ ban ơn cho các dân tộc thuộc địa.
Nhờ có các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc đi theo Quốc tế 3, được đọc sơ thảo Luận cương Lênin, bừng sáng niềm tin chân lý cách mạng cho Việt Nam. Điều này càng tạo cơ hội để Nguyễn Ái Quốc có được tầm tư duy thời đại, tư duy bao quát xu hướng cách mạng thế giới, để làm cầu nối đưa cách mạng Việt Nam gắn kết cùng dòng chảy chủ lưu của cách mạng thế giới. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được đặt tiền đề từ Nguyễn Ái Quốc.
Sau 113 năm sự kiện ngày 5-6-1911, suy ngẫm từng dấu mốc trưởng thành về nhận thức và hành động cách mạng của Nguyễn Tất Thành, ta càng thêm cảm phục, càng thêm tin tưởng và kiên định con đường do Người đã lựa chọn, trải qua, sáng lập và rèn luyện Đảng ta; truyền cảm hứng lịch sử cách mạng cho đồng bào ta; để lại kho báu giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh như luồng ánh sáng của hiện tại và tương lai. Khắc ghi công ơn trời bể của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân yêu nước càng thêm vững vàng bước tiếp con đường mà Người đã lựa chọn và dẫn lối cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Trần Viết Lưu // https://hanoimoi.vn/
———————————————————————-
HÀNH TRÌNH CỦA TRÁI TIM YÊU NƯỚC, THƯƠNG DÂN
Cách đây 113 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn – Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh), người thanh niên với tên gọi Văn Ba (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) đã rời Tổ quốc trên con tàu L’amiral Latouche Tréville để đi tìm đường cứu nước. Hành trình của người thanh niên ấy đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó cũng là hành trình của trái tim yêu nước, thương dân sâu sắc của Người.
1.“Đất nước đẹp vô cùng/ Nhưng Bác phải ra đi”…. Đọc những câu thơ chất chứa nhiều nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên, đã thôi thúc mỗi chúng ta tìm về với lịch sử, tìm về với hình ảnh cách đây 113 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên đường đi tìm “hình” của nước.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, khi còn nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc. Câu hỏi: “Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”? luôn day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.
Và độ tuổi 20, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã có suy nghĩ đi ngược với làn sống Đông du lúc bấy giờ. Người đã lựa chọn một mình sang phương Tây để đi tìm câu trả lời cho chính mình. “Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào” – khát vọng đó lớn dần lên theo năm tháng.
Để rồi, ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã theo chuyến tàu lịch sử ra đi tìm đường cứu nước. Trong vòng 10 năm, từ 1911 – 1920, Người đã đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Và cũng trong thời điểm này, người đã làm rất nhiều công việc để sinh sống và hoạt động, như: phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…Người sống hòa mình cùng nhân dân lao động và các phong trào đấu tranh của công nhân. Qua những chuyến đi, gặp những người dân ở các giai cấp, Người thực sự hiểu rằng, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.
2. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Người tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, với lập trường yêu nước đúng đắn, và đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.
Sau hơn 30 năm bôn ba hành trình cứu nước, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước. Người trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. Đây cũng chính là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.
Hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó cũng chính là hành trình của lòng yêu nước, thương dân. Kỷ niệm 113 năm (5/6/1911-5/6/2024), ngày ra đi tìm đường cứu nước của Người là dịp Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định một lần nữa quyết tâm đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra, lựa chọn. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Tự hào là một trong những tỉnh, thành được Bác “dừng chân” trước khi lên tàu tìm đường cứu nước, Bình Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng, phát triển. Bình Thuận đang tiếp tục tiếp tục hành trình thực hiện khát vọng của Người, chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với niềm tin yêu của Người. |
Bảo Ngọc // https://baobinhthuan.com.vn/
———————————————————————-
Giới thiệu Sách chuyên đề:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ HÀNH TRÌNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA BÁC HỒ CÓ TẠI THƯ VIỆN
- Thông tin xuất bản: Tp.Hồ Chí Minh: Nxb.Thành phố, 1985
- Ký hiệu xếp giá: 3K5H6 / B101
- Mô tả vật lý: 126tr., 19cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVN.010497 ; DVN.013235
- Tác giả: Phạm, Quý Thích
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Thanh niên, 2010
- Ký hiệu xếp giá: 335.4346 / B100M
- Mô tả vật lý: 331tr., 21cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.014797; Phòng Mượn: MVV.018356
- Tóm tắt: Sách ghi lại cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác , ngoài ra tập sách còn cung cấp cho độc giả những thông tin quan trọng và xác thực về công việc thiêng liêng là giữ gìn thi hài Bác
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Lao động, 2011
- Ký hiệu xếp giá: 959.704092 / TH205CH
- Mô tả vật lý: 490tr., 27cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.011221; Phòng Mượn: MVL.011390
- Tóm tắt: Sách nêu tóm tắc tiểu sử và biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh, những tác phẩm truyện và ký, tác phẩm chính luận Bác viết ở Pari, các tác phẩm viết trong thời kỳ 1941 – 1945,…
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Thông tin và Truyền thông, 2011
- Ký hiệu xếp giá: 959.7 / D125Â
- Mô tả vật lý: 343tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.011892; Phòng Mượn: MVL.012474 ; MVL.012475
- Tóm tắt: Giới thiệu 26 bài viết của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh theo thời gian sớm nhất từ (1919) tới bài cuối cùng (1969) về vấn đề giải phóng dân tộc của một số nước được vận dụng, liên hệ vào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và 12 bài viết của một số nhà khoa học nghiên cứu về bài báo của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
- Tác giả: Bùi, Đình Phong
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị quốc gia, 2011
- Ký hiệu xếp giá: 959.704092 / Y600NGH
- Mô tả vật lý: 293tr., 21cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.018203; Phòng Mượn: MVV.023747 ; MVV.023748
- Tóm tắt: Tập hợp các bài viết về hành trình của Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tập trung chủ yếu vào thời kỳ tìm đường từ năm 1890 đến năm 1920 khi Nguyễn Ái Quốc tìm được con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Đồng thời một số bài viết đề cập vai trò mở đường (1911-1933), dẫn đường (1930-1945) và thiết kế tương lai (1945 đến nay) của sự kiện Bác Hồ đi tìm đường cứu nước; ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ các khía cạnh …
- Thông tin xuất bản: Bình Thuận: Công ty Cổ phần In và Bao bì Bình Thuận, 2021
- Ký hiệu xếp giá: 959.7043 / Gi-100T
- Mô tả vật lý: 295tr, 21cm
- Vị trí tài liệu: Kho Địa chí: DC.001202; DC.001203
- Tóm tắt: Tập hợp các bài viết nêu bật vai trò, ý nghĩa của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào 5/6/1911, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, lòng tự hào dân tộc
Views: 3371