Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lê-nin về quyền con người vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cách mạng Việt Nam. Những giá trị về quyền con người trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn chỉ đạo về tư tưởng, đường lối và hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta.

Giá trị phổ quát mà các quốc gia trên thế giới hiện nay đều ghi nhận là mọi cá nhân đều có quyền con người, cần được tôn trọng và được đối xử bình đẳng mà không có sự phân biệt đối xử về giới tính, ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, quốc tịch, tôn giáo, nơi cư trú, nghề nghiệp, tình trạng khuyết tật, địa vị xã hội hay bất cứ tình trạng nào khác. Các quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thông qua các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các văn bản trong hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia. Khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người đã được hình thành, được các quốc gia thừa nhận, theo đó, đòi hỏi mọi thiết chế, tổ chức trong xã hội phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Quyền con người dưới xã hội xã hội chủ nghĩa bảo đảm tất cả các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa; bảo đảm cả quyền cá nhân và quyền tập thể; bảo đảm tự do và công bằng, bình đẳng, quyền con người thống nhất với quyền công dân.

quyen cn
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở khu Lương Yên,
thành phố Hà Nội (ngày 27-3-1956)_Nguồn: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận vấn đề quyền con người xuất phát từ truyền thống dân tộc Việt Nam và bối cảnh thực tiễn cụ thể của đất nước, đồng thời, kế thừa tinh hoa tư tưởng quyền con người trên thế giới, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người và xã hội của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trên cơ sở đó, Người đã đưa ra những luận điểm mới, sâu sắc và toàn diện về quyền con người, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể ở Việt Nam. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người thể hiện:

Một là, thực hiện quyền con người trên nền tảng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra một chân lý phổ biến là: Độc lập cho dân tộc là điều vô cùng quý giá, là tiền đề tiên quyết để giải phóng con người, bảo đảm quyền con người. Người cho rằng, giành được độc lập dân tộc rồi thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi chủ nghĩa xã hội không chỉ là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, mà còn tạo cơ sở để hiện thực hóa quyền con người một cách toàn diện. Xây dựng một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa chính là để cho nhân dân lao động có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hưởng công bằng; con người thực sự được giải phóng về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, có điều kiện để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần. Người viết: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(1) và “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2).

Hai là, tiếp cận vấn đề quyền con người trong mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Về lý luận, quyền con người mang tính tự nhiên – xã hội của bản chất con người, thể hiện lý tưởng giải phóng – phát triển con người toàn diện và tự do. Về thực tiễn, Đảng và Nhà nước có vai trò quan trọng trong thực hiện quyền con người; đồng thời, bảo đảm quyền con người luôn có tính đặc thù về xã hội, như truyền thống văn hóa dân tộc, trình độ sản xuất vật chất – tinh thần của xã hội, các quyền con người có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói năm 1955, Người chỉ rõ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ ta có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(3). Ngay khi cách mạng thành công, chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 3-9-1945), Người đã chỉ ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ ban hành hiến pháp để bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân và đề nghị tổ chức sớm nhất cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền ứng cử và bầu cử theo luật định không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo và giống nòi. Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta do Người trực tiếp làm trưởng ban soạn thảo đã được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946, trong đó xác định: “Bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân” là một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 đã dành cả chương II nói về “quyền lợi và nghĩa vụ công dân” gồm 18 điều cụ thể quy định các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội…

Ba là, để thực hiện quyền con người, cần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới là con đường giải phóng nhân loại khỏi bị áp bức, bóc lột và mang lại các quyền con người cơ bản cho đa số nhân dân lao động. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(4) và “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”(5). Vì thế, Người chỉ rõ: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(6). Đây chính là tư tưởng thể hiện sinh động và sâu sắc truyền thống đề cao vai trò nhân dân, quyền tự chủ của dân tộc Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người chỉ rõ: Nhà nước Việt Nam dân chủ kiểu mới là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cơ sở xã hội của nhà nước đó là toàn thể dân tộc Việt Nam, dựa trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(7).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm quyền con người, cần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân – nhà nước đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ngắn gọn, súc tích, giản dị, dễ hiểu:

Nhà nước của nhân dân: Là nhà nước trong đó nhân dân là chủ, là người có địa vị cao nhất, có quyền lực cao nhất và có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, đất nước. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1946: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Nhà nước do nhân dân: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương xây dựng nhà nước do nhân dân, nghĩa là nhà nước đó do nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình, nhân dân làm chủ, nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để Nhà nước hoạt động và nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước.

Nhà nước vì nhân dân: Nhà nước đó luôn phục vụ cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Trong nhà nước đó, cán bộ là “công bộc” của dân. Nên việc gì có lợi cho dân dù nhỏ mấy cũng phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ mấy cũng phải hết sức tránh. Cán bộ của nhà nước phải là những người biết đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân, bảo vệ nhân dân và không được vi phạm đến các quyền con người và quyền công dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.

Xây dựng nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ấy có nhiệm vụ xóa bỏ mọi sự nghèo khổ, bất công, bất bình đẳng và mang lại tự do cho nhân dân lao động.

Như vậy, có thể thấy, nội dung quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh được phát triển rất phong phú cả về bề rộng và chiều sâu, tạo ra một hệ thống về quyền con người theo quan điểm khoa học và cách mạng.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Nhận thức vai trò của quyền con người đối với cách mạng Việt Nam, kế thừa tư tưởng quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định: “Tất cả vì con người, tất cả vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú và toàn diện cho mỗi người trong quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên”(8). Tiếp tục khẳng định tư tưởng đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”(9). Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”(10). Trên phương diện xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thực hiện quyền con người, “Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống phát luật mới được ban hành và sửa đổi”(11).

quyen con nguoi 1
Trẻ em trao đổi, thảo luận và trình bày nội dung vấn đề được giao tại tổ ở Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 5 – năm 2017, với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”_Ảnh: TTXVN.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra phương hướng: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”(12).

Những quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đã được cấp ủy đảng và chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc, tạo chuyển biến nhận thức một cách cơ bản, tích cực trong hệ thống chính trị. Để bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, ngày 20-7-2010, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW “Về công tác nhân quyền trong tình hình mới”. Việc thể chế hóa đường lối của Ðảng, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, thực thi quyền con người và ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người.

Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công tác bảo đảm quyền con người đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Hiện nay, Việt Nam đã tích cực tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người, như Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế – xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em…(13). Trên cơ sở đó, Việt Nam tiến hành luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật về quyền con người.

Thành công trong việc phát huy quyền con người còn được thể hiện thông qua hệ thống chính sách an sinh xã hội không ngừng được hoàn thiện và mở rộng đối tượng thụ hưởng góp phần cải thiện đời sống của nhân dân; “tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở được quan tâm; đã hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”(14).

Thời gian tới, để phát huy và thực hiện tốt quyền con người, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, quán triệt, nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò của quyền con người trong từng chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội. Từ đó, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, hướng đến mục tiêu phát triển vì con người.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người.  Bảo đảm nguyên tắc quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ; đề cao vai trò chủ thể hưởng thụ quyền là nhân dân; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong bảo đảm quyền con người./.

NGUYỄN MINH TRÍ

Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản

(Sưu tầm)

Views: 386