Bộ sử gần 10.000 trang về triều Nguyễn

Bộ sách được biên soạn trong 88 năm, gồm 560 quyển, nay được tái bản thành 10 tập. Đây là nguồn sử liệu về lịch sử Việt Nam nói chung, triều Nguyễn nói riêng.

“Khi là sinh viên, tôi đã biết đến bộ Đại Nam thực lục. Khi đi làm, cán bộ giảng dạy trẻ như tôi hồi đó rất khó để có được bộ sử ấy. Tôi bám vào thư viện để tiếp cận bộ sách. Chúng tôi còn sử dụng cả bản chép tay từng phần của bộ sử”, GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nói. Hơn 40 năm làm sử học, tri thức trong bộ sử luôn cần thiết với GS.TS Đỗ Quang Hưng.

Khác với thời hiếm sách, giờ đây, Đại Nam thực lục được tái bản, giới sử học và đông đảo công chúng có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Bộ sách gồm 10 tập, gần 10.000 trang về lịch sử nhà Nguyễn. Ảnh: Y.N.

Bộ sử đồ sộ

Đại Nam thực lục là bộ chính sử gồm 560 quyển do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm với quan điểm “Nước phải có sử, cốt để làm tin với đời nay và truyền lại cho đời sau”.

Nội dung bộ sách ghi lại lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn.

PGS.TS Đỗ Bang – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – nói đây là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam từng được ấn hành. “Bộ sử được thực hiện trong gần 90 năm (1821-1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, cũng là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn”, PGS.TS Đỗ Bang nói.

PGS.TS Đỗ Bang cho biết qua Đại Nam thực lục có thể biết về các chính sách của triều Nguyễn thể hiện qua nguồn tư liệu châu bản, trong đó có những vấn đề được quan tâm hiện nay như: Biển đảo, ruộng đất, địa danh, địa giới hành chính, tôn giáo, dân tộc thiểu số, người ngoại quốc…

Bộ sách cho biết về kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX, việc khai hoang lập ấp ở miền Nam và các vùng duyên hải miền Bắc. Quá trình xây dựng kinh đô Huế và các thành trì ở tỉnh, sự phát triển kỹ thuật đóng tàu… cũng được ghi trong bộ sách.

Đại nam thực lục cũng ghi lại các sự kiện, hoạt động khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Theo PGS.TS Đỗ Bang, khảo cứu Đại Nam thực lục có thể thấy triều Nguyễn thực hiện chính sách “trọng nông ức thương”, nhưng không bế quan tỏa cảng như nhiều sách giáo khoa đã viết. Ví dụ, nhà Nguyễn vì vẫn mở cửa cho tàu phương Tây vào buôn bán, thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á, cuối thời Minh Mạng, tàu của triều đình Huế qua châu Âu để giao dịch.

Theo đánh giá của giới sử học, bộ sách được biên soạn theo phương pháp biên niên, thuận tiện cho việc tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chí theo trình tự thời gian.

bài học từ lịch sử

Những năm 1960, Viện Sử học đã tập hợp các nhà Hán học uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương… để dịch và hiệu đính bộ sách. Đến năm 1962, ấn bản quốc ngữ đầu tiên của Đại Nam thực lục do Viện Sử học xuất bản. Mất 16 năm, công trình đồ sộ mới được hoàn thiện với 38 tập. Năm 2002, Nhà xuất bản Giáo dục từng tái bản bộ sách.

Kỷ niệm 60 năm xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt, bộ sách được tái bản trong diện mạo mới. Trong lần tái xuất này, bộ sách dày gần 10.000 trang, khổ 16 x 24 cm, bìa cứng, đóng hộp trang trọng.

GS.TS Đinh Xuân Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Phó chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương – nói thông qua bộ sách, chúng ta có thể nhìn thấy sự vận động lịch sử hơn 300 năm của dân tộc. Đọc bộ sách, ta tìm thấy điều làm được của nhà Nguyễn, đồng thời thấy được thất bại của nhà Nguyễn ở giai đoạn cuối.

Bộ sách cũng phần nào cho thấy quan điểm, tư tưởng của các nhà lãnh đạo triều Nguyễn. Đơn cử, trong trang 9, tập 6 bộ sách có ghi: “Đời nào giữ được dân thì thế nào cũng hưng thịnh. Đời nào không giữ được dân thì thế nào cũng suy vong”.

“Nội dung sách là ‘thực lục’, là ghi chép đúng lịch sử; phân tích bộ sách là việc của chúng ta”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nói. Theo đánh giá của GS.TS Dũng, bộ sách không chỉ cung cấp sử liệu mà còn để lại những bài học cho đời sau.

GS.TS Đỗ Quang Hưng cho rằng bộ sách có ý nghĩa với giới nghiên cứu sử. Ông mong muốn có một cuốn sách mỏng tóm tắt Đại Nam thực lục, dành cho bạn đọc phổ thông để nâng cao hiểu biết và giúp bạn đọc phổ thông dễ tiếp cận hơn.

Bà Mỹ Linh – Phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương – nói cần thiết có tọa đàm khoa học, đẩy mạnh công tác phát hành, truyền thông để công chúng hiểu được giá trị của bộ sách.

Đỗ Thu // https://zingnews.vn.- 2022

Views: 4