“Ông kiến” nhà sàn của Bác
Năm 1958, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh được Văn phòng Phủ Chủ tịch mời lên gặp Bác.
Hôm ấy, Bác mặc bộ quần áo bà ba, chân đi đôi guốc mộc. Sau khi mời đồng chí Ninh ngồi. Bác nói ý kiến của mình về ngôi nhà mà Trung ương đã quyết định xây để Bác ở. Bác dặn nhà mới sẽ làm theo kiểu nhà sàn Việt Bắc, loại gỗ gì, tầng dưới thế nào, chỗ làm việc của Bác ra sao, cặn kẽ, cụ thể. Khi nói đến hành lnag quanh sân, Bác bê chiếc ghế mây ra để ngang, giơ tay làm cữ, nói:
– Hành lang chú làm rộng cho Bác như thế này, để khi Bác ngồi đọc sách, có ai qua lại đều thuận lợi. Ý kiến chú thế nào? Có được không?
Đồng chí Ninh thưa với Bác là “được” và xin phép ra về. Bác dặn thêm là phải hết sức tiết kiệm. Sau đợt đi công tác về, Bác đến xem nhưng không ai nghe thấy Bác nói gì. Hôm sau, Bác bỏ tiền riêng của mình nhờ Văn phòng tổ chức một buổi liên hoan ngọt. Bác mời đồng chí Ninh và một số công nhân làm nhà cho Bác tới dự ngay gian dưới ngôi nhà sàn mới dựng xong. Đây là bữa tiệc đầu tiên “khánh thành công trình” nhà sàn của Chủ tịch nước. Bác giục mọi người ăn kẹo, uống nước. Bác tặng mỗi người một huy hiệu hình Bác. Đến lượt đồng chí Ninh, Bác nói:
– Các chú làm như thế là nhanh, tốt, nhưng còn một khuyết điểm. Chú có biết khuyết điểm gì không?
Đồng chí Ninh thưa với Bác:
– Thưa Bác, so với lời Bác dặn thì có tốn kém đôi chút ạ.
Bác gật đầu:
– Chú nói đúng. Nước ta chưa giàu, dân ta còn chưa đủ nhà ở. Bác ở thế là tốt lắm rồi…
Sau bữa tiệc, Bác mời anh em ra chụp ảnh chung với Bác. Nhìn quanh, thấy đồng chí Ninh, Bác vẫy:
– Còn “ông kiến” nữa, đến đây!
Tất cả cười ồ lên, vui vẻ, phấn khởi trong niềm hạnh phúc riêng của mình…
Đồng chí Ninh kể lại: “Ban đầu tôi cho rằng mình là “kiến trúc sư” nên Bác gọi là “ông kiến” cho gọn, cho vui. Mãi về sau có người nói rằng gọi “ông kiến” là tiết kiệm được hai chữ “trúc sư”. Mà kiến là hay leo, leo thang. Tôi đã “leo thang” trong việc xây nhà sàn cho Bác, không tiết kiệm nên Bác gọi thế!”
(st)
Views: 0