Quyết định chiến lược giải phóng miền Nam – minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn sáng suốt của Đảng

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

QUYẾT ĐỊNH CHIẾN LƯỢC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM – MINH CHỨNG CHO BẢN LĨNH, TRÍ TUỆ VÀ TẦM NHÌN SÁNG SUỐT CỦA ĐẢNG

Đầu năm 1975, trước thời cơ chiến lược chưa từng có, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử: mở cuộc tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ban đầu, kế hoạch được vạch ra trong hai năm (1975-1976), nhưng khi thời cơ đến, Đảng đã kịp thời điều chỉnh, rút ngắn thời gian xuống còn một năm và sau đó là trong vòng một mùa khô. Quyết định này không chỉ thể hiện sự chính xác trong đánh giá tình hình mà còn phản ánh bản lĩnh, sự sáng tạo và linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược chiến tranh của Đảng ta. Nhờ đó, dân tộc ta đã kết thúc 21 năm trương kỳ kháng chiến, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển.

Đứng trước thời cơ chiến lược lớn với điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

* Hạ quyết tâm chiến lược

Ngay từ cuối năm 1974, Đảng ta đã nhận thấy thời điểm chiến lược để giải phóng miền Nam đang đến gần. Sau khi quân ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi, Đảng đã xác định rằng thế và lực của cách mạng miền Nam đã mạnh hơn bao giờ hết. Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn ngày càng lâm vào khủng hoảng với lực lượng quân sự yếu kém, tinh thần chiến đấu xuống dốc. Đây là những yếu tố thuận lợi để Đảng ta xem xét việc thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất có thể.

Đầu tháng 10/1974, Đảng triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị đã phân tích tình hình và rút ra những nhận định quan trọng: ta đang ở thế thắng, giữ quyền chủ động và tiếp tục đà tiến công; trong khi đó, địch liên tục thất bại, rơi vào thế bị động và suy yếu. Mỹ đã rút quân và gặp nhiều khó khăn, nên không có khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự. Ngay cả trong trường hợp Mỹ can thiệp ở một mức độ nào đó, điều này cũng không thể thay đổi cục diện hay cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn… Do đó, đây là thời cơ thuận lợi nhất để Nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nếu để chậm, các thế lực xâm lược bành trướng mạnh lên, tình hình sẽ phức tạp vô cùng.

Trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy (…), đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

Về mặt thời gian, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất đề án xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Tuy nhiên, cần phải đánh giá tình hình kỹ hơn, xây dựng kế hoạch đầy đủ hơn để đi đến hạ quyết tâm chiến lược cuối, bảo đảm chắc thắng.

Trận chi khu Phướng Bình và thị xã Phước Long (31/12/1974 – 6/1/1975)

Từ ngày 18/12/1974 – 8/1/1975, Đảng triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng. Cũng trong thời gian đó, quân ta giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Đường 14 – Phước Long, giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Chiến thắng Phước Long có giá trị như “đòn trinh sát chiến lược”, cho thấy rõ hơn khả năng Mỹ sẽ không can thiệp trở lại bằng quân sự; đồng thời bộc lộ trình độ tác chiến yếu kém của chủ lực quân đội Sài Gòn.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian hai năm 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh (…); hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng miền Nam”.

Tuy đề ra kế hoạch hai năm 1975-1976, nhưng Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: nếu thời cơ đến sớm hơn, vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Phải tranh thủ đánh thắng nhanh để giảm bớt sự thiệt hại về người và của cho Nhân dân, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Quyết tâm chiến lược của Đảng thể hiện tầm nhìn nhạy bén, bản lĩnh vững vàng và ý chí kiên định trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kịp thời nắm bắt và tận dụng thời cơ để đưa cách mạng đến thắng lợi.

* Điều chỉnh chiến lược và rút ngắn thời gian

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị đề ra, Nhân dân cả nước ra sức chuẩn bị mọi mặt với khí thế hào hùng chưa từng có, hướng tới trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Trên khắp chiến trường, quân dân ta đẩy mạnh hoạt động, đánh địch theo quy mô vừa và nhỏ là chính, vừa làm cho địch tiếp tục suy yếu và bị động, vừa thực hành nghi binh che giấu mục tiêu tiến công chiến lược của ta.

Ngày 4/3/1975, quân giải phóng bắt đầu hoạt động cắt Đường 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế cho chiến dịch Tây Nguyên. Trong ảnh: Bộ đội Gia Lai hành quân trên Đường 19 (1975). Ảnh: Xuân Quyết – TTXVN

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược đã đề ra, sau một quá trình chuẩn bị, ngày 4/3/1975, quân dân ta bất ngờ mở chiến dịch tiến công Tây Nguyên – đòn chiến lược mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Bằng nghệ thuật tạo thế, nghi binh lừa địch, ngày 3/4/1975, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 – Quân khu 2 của chính quyền Sài Gòn, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên cùng một số tỉnh ven biển Trung Trung Bộ. Chiến dịch Tây Nguyên đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường miền Nam; làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng, thế chiến lược giữa ta và địch; tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh hết sức thuận lợi, ngay khi Chiến dịch Tây Nguyên còn chưa kết thúc, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp bàn, bổ sung vào quyết tâm chiến lược: thực hiện phương án tranh thủ thời cơ, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Như vậy, kế hoạch hai năm đã được rút xuống còn một năm. Quyết định này thể hiện sự linh hoạt và tầm nhìn chiến lược của Đảng, vừa ngăn chặn nguy cơ kẻ thù củng cố lực lượng, vừa tạo thế chủ động áp đảo, đẩy nhanh thắng lợi với tổn thất ít nhất cho đất nước và Nhân dân.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, khẳng định: Trong suốt 20 năm đánh Mỹ, chưa bao giờ thuận lợi như lúc này. Do đó, “phải nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”.

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là một chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trong một thời gian ngắn, giành được thắng lợi lớn. Trong ảnh: Quân giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế), sáng 26/3/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để thực hiện thành công kế hoạch trên, Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục mở đòn tiến công chiến lược thứ hai nhằm giải phóng Huế-Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tranh thủ địch đang hoang mang dao động, các cánh quân chủ lực của ta đồng loạt tiến công, chỉ trong thời gian ngắn đập tan mọi tuyến phòng thủ của địch, giải phóng Huế (26/3/1975), giải phóng Đà Nẵng (29/3) cùng các tỉnh ven biển miền Trung.

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng thắng lợi, ta tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1 – Quân khu 1 của địch, giáng đòn nặng nề vào chính quyền, quân đội Sài Gòn cũng như kế hoạch kéo dài chiến tranh của Mỹ; mở ra vùng hậu phương chiến lược hoàn chỉnh nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

* Quyết định giải phóng miền Nam ngay trong mùa khô năm 1975

Thắng lợi của 2 đòn tiến công Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng đã làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo bước phát triển nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho cách mạng.

Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ từ chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không để chậm”.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết – Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn (1975). Ảnh: TTXVN

Bộ Chính trị cũng đề ra phương châm chỉ đạo: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đến ngày 7/4/1975, phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh truyền đi khắp các chiến trường.

Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị họp bàn, đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị họp bàn, phát lệnh: “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Tất cả các cánh quân của ta, bao gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài, đồng thời hình thành các mũi thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu trọng yếu trong nội đô Sài Gòn.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 – 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ của quân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Từ đây non sông thu về một mối, Bắc-Nam sum họp một nhà, nước Việt Nam đã hoàn toàn hòa bình, thống nhất.

Quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975 là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn sáng suốt của Đảng ta. Quyết định này là cơ sở để Nhân dân ta làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, đánh dấu sự kết thúc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. 50 năm sau chiến thắng vĩ đại ấy, bài học về tầm nhìn chiến lược, ý chí kiên định và sự chủ động nắm bắt thời cơ vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng con đường phát triển của đất nước trong bối cảnh mới./.

Minh Duyên // https://nvsk.vnanet.vn/

Views: 2